“Kích” thanh khoản

10:33, 21/01/2025

Thanh khoản thấp khiến nhiều nhà đầu tư e ngại vẫn đang là vấn đề gây trở ngại với thị trường chứng khoán. Động thái sửa quy định về chỉ số VN30 được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường.

Nâng chất lượng bộ chỉ số

Việc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) ban hành Quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0 được nhìn nhận là một bước tiến mới nhằm nâng cao chất lượng của bộ chỉ số. Thay đổi đáng chú ý là nâng cao tiêu chí thanh khoản của các cổ phiếu thành phần của chỉ số Vnallshare: cổ phiếu có khối lượng giao dịch khớp lệnh nhỏ hơn 300.000 cổ phiếu và các cổ phiếu có giá trị giao dịch khớp lệnh nhỏ hơn 30 tỷ đồng sẽ bị loại bỏ (tiêu chí cũ tương ứng là 100.000 cổ phiếu và giá trị tối thiểu 10 tỷ đồng).

Chỉ số tham khảo có chất lượng cao giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư.

Từ năm 2014, VNAllShare ra đời nhằm khắc phục điểm yếu của VN-Index, tránh bị tác động bởi các cổ phiếu vốn hóa lớn hoặc có tính thanh khoản thấp mà biên độ dao động giá cao, khi các cổ phiếu thành phần đều phải thỏa mãn 4 tiêu chí bắt buộc gồm: tư cách, tỷ lệ tự do chuyển nhượng (free-float), thanh khoản và tỷ trọng vốn hóa. Việc tiến thêm một bước về điều kiện thanh khoản giúp chỉ số phản ánh chính xác hơn diễn biến thị trường, từng bước nâng cao chất lượng của cổ phiếu thành phần.

Dưới góc độ các nhà đầu tư, chỉ số tham khảo có chất lượng cao giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư. Về phía các doanh nghiệp đang niêm yết, muốn nâng cao vị thế, hình ảnh cũng như thu hút vốn đầu tư thì cổ phiếu cần gia nhập các chỉ số này, đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như quản trị công ty để có thể thỏa mãn các tiêu chí mới của bộ chỉ số HOSE.

Bộ chỉ số HOSE mới sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2025 và tác động tích cực ngay đến thị trường chứng khoán hay không thì cần thời gian để thị trường kiểm nghiệm, nhưng về tổng thể, nhiều cổ phiếu sẽ chất lượng hơn, thu hút được dòng vốn nhiều hơn, nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán.

Một cột mốc quan trọng trong năm 2025 mà nhiều nhà đầu tư hướng tới vẫn là câu chuyện nâng hạng thị trường. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Finpeace cho rằng, trước và sau thời điểm thị trường chứng khoán chính thức được nâng hạng sẽ nhận được nhiều mối quan tâm từ thị trường quốc tế, nên Việt Nam cần đặc biệt quan tâm tới chất lượng tài sản niêm yết. Việc nâng cấp bộ chỉ số HOSE-Index nói chung và siết chặt các tiêu chí về thanh khoản sẽ có tác động tích cực lên giá trị thị trường của các cổ phiếu hàng đầu.

“Với tài sản tài chính đầu tư, yếu tố thanh khoản hay có thể hiểu là dễ dàng chuyển đổi tài sản luôn được đánh giá cao trong các tiêu chí đầu tư. Hãy thử tưởng tượng, bạn mua một tài sản mà bạn thấy có giá trị, nhưng khi cần bán thì không tìm được người mua, hoặc rất lâu mới có người muốn mua. Khi đó, dưới con mắt thị trường, giá trị tài sản đó không cao do ít người có niềm tin vào giá trị tài sản đó”, ông Tuấn Anh nói.

Hơn nữa, đối với nhà đầu tư nước ngoài, thanh khoản của thị trường chung và của các cổ phiếu hàng đầu vẫn đang ở mức thấp so với danh mục của họ. Tuy tính thanh khoản tại thị trường trong nước đã cải thiện rất nhiều so với quá khứ, nhưng nếu dừng lại ở phiên bản cũ của HOSE-Index, với mức tối thiểu là 10 tỷ đồng giá trị giao dịch, khi một quỹ muốn mua 100 tỷ đồng cổ phiếu đó thì hầu như không thể mua được như mong muốn trên thị trường khớp lệnh.

Kích thanh khoản, cần nhiều yếu tố

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS đánh giá, dòng tiền mua lên khá dè dặt, trong khi lực bán giảm dần là nguyên nhân khiến thanh khoản của thị trường giai đoạn hiện nay ở mức thấp. Giai đoạn này cũng phản ánh rõ nét tâm lý giao dịch của giới đầu tư thời điểm trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm phù hợp cho việc mua gom tích lũy cổ phiếu, bởi theo thống kê, diễn biến tích cực của thị trường thường xuất hiện trong các tháng đầu năm. Số liệu và triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán, tâm lý nhà đầu tư thường lạc quan sau Tết… kỳ vọng sẽ là động lực giúp thị trường khởi sắc từ cuối tháng 1 và cả quý I/2025.

Việc tiến thêm một bước về điều kiện thanh khoản giúp chỉ số phản ánh chính xác hơn diễn biến thị trường, từng bước nâng cao chất lượng của cổ phiếu thành phần.

Thực tế, thanh khoản trên thị trường có xu hướng giảm trong vòng một quý trở lại đây. Quan sát diễn biến thị trường giai đoạn vừa qua, ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư KimGroup cho rằng, có 4 nguyên nhân chính khiến thanh khoản giảm.

Một là, định giá không quá hấp dẫn ở nhiều nhóm, ngành do có sự tăng giá nhanh trước đó. Mốc điểm 1.300 của VN-Index đã phản ánh hết sự hồi phục về kết quả kinh doanh, dòng tiền dần có dấu hiệu phòng thủ, rút ra.

Hai là, áp lực tỷ giá luôn thường trực trong năm 2024, dẫn đến việc hút ròng trên thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, thị trường cấp 1 cũng xảy ra tình trạng thiếu vốn khi tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động, từ đó ảnh hưởng đến thanh khoản trên thị trường chứng khoán.

Ba là, khối ngoại liên tục bán ròng, hệ quả từ áp lực tỷ giá và chênh lệch lãi suất giữa VND và USD.

Bốn là, những ảnh hưởng khó đoán định về tác động từ chính sách sắp tới của chính quyền Mỹ đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, cũng như đến chính sách tiền tệ của Mỹ và từ đó kéo theo chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Ông Thành Trung cho rằng, để kích kích thích dòng tiền nhập cuộc, tỷ giá phải ổn định, khối ngoại ngừng bán ròng, chính sách mới của Mỹ có những tác động theo hướng tích cực nhiều hơn tiêu cực…

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, lực đẩy mang tính chất nội tại để gia tăng thanh khoản trên thị trường chứng khoán đó là mở rộng số lượng nhà đầu tư cả ngắn hạn và dài hạn. Với các nhà đầu tư dài hạn, chất lượng tài sản niêm yết phụ thuộc nhiều vào các yếu tố nội tại doanh nghiệp như hoạt động kinh doanh, môi trường kinh doanh, định hướng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính thanh khoản lại phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố ngắn hạn như mức độ biến động, thông tin ngắn hạn, cảm xúc nhà đầu tư, sự dễ dàng trong giao dịch.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp niêm yết cần gia tăng sự chủ động truyền thông, giới thiệu tới nhà đầu tư về chất lượng doanh nghiệp. Ngoại trừ các doanh nghiệp hàng đầu, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chỉ coi hoạt động quan hệ cổ đông ở dạng trách nhiệm, mà thiếu sự chủ động trong việc giúp nhà đầu tư nắm rõ tình hình công ty. Các doanh nghiệp cũng cần nhận thức được việc có mặt trong danh sách VN30 không chỉ là sự tự hào, mà còn là lợi ích kinh tế rõ ràng. Việc có mặt trong VN30 sẽ giành được sự ưu tiên trong con mắt của các nhà đầu tư lớn, nhưng cũng chính vì điều này, từng có một số doanh nghiệp tìm mọi cách để lọt vào danh sách, trong khi chưa đủ năng lực. Do đó, động thái nâng cấp chỉ số sẽ góp phần giúp chất lượng hàng hóa chung được nâng cao.