Làm gì để các dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau trong Cách mạng Công nghiệp 4.0?
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu và ngay cả tại Việt Nam. Khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, CMCN 4.0 có tốc độ phát triển rất nhanh khiến rất nhiều đối tượng dễ bị bỏ lại phía sau, nhất là với cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTST). Vì thế, Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp rất cần có sự quan tâm đến các DSTS trong CMCN 4.0.
Quyền bình đẳng của các dân tộc thiểu số trên không gian số
Với mọi quốc gia và dân tộc, đòi hỏi tối thiểu phải thực hiện là các bài toán về xử lý ngôn ngữ mà trước hết là với Quốc ngữ. Theo GS. TS. Ngô Thanh Nhàn - một Việt kiều là chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ học, điều này hoàn toàn không thể trông chờ Microsoft hay một đế chế phần mềm đa quốc gia nào mà chắc chắn phải là công việc của chính người Việt Nam, trong đó, vai trò của Nhà nước là hết sức quan trọng.
Đối với Việt Nam, việc thống nhất tiếng Việt (Kinh) về bảng mã Unicode dựng sẵn vào năm 2003 cũng là không đơn giản và phải sau đó cỡ 10 năm thì số đông người sử dụng máy tính mới bỏ được thói quen cố hữu với các bộ mã tiếng Việt trước đó. Như vậy, để số hoá cho các ngôn ngữ DTTS vì quyền bình đẳng trong không gian số thì vấn đề còn phức tạp hơn gấp nhiều lần và đây chắc chắn là công việc mà Nhà nước phải quan tâm, đầu tư.
CMCN 4.0 là cơ hội để các dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau.
Về góc độ chiến lược quốc gia, đáng mừng là trong “Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin CNTT” được Chính phủ ban hành cuối năm 2010 đã xuất hiện 4 chữ “xử lý tiếng Việt” trong Nhiệm vụ thứ 6 về Tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT, làm chủ và từng bước sáng tạo ra công nghệ cho chế tạo sản phẩm mới. Theo những người trong cuộc đã tích cực đấu tranh với việc xây dựng đề án chiến lược này, 4 chữ “Xử lý tiếng Việt” cần được hiểu theo nghĩa rộng là đã bao gồm công nghệ dịch thuật, Hán - Nôm và số hoá ngôn ngữ DTTS bên cạnh những thực tế khác của tiếng Việt và chữ Quốc ngữ.
Thế nhưng, với những người có nhiệt tâm muốn tham gia số hoá ngôn ngữ các DTTS thì mọi việc cũng không hề đơn giản. Theo GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp - nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thì vai trò của Nhà nước ở đây là hết sức quan trọng và muốn có sản phẩm mẫu thì cũng phải được Nhà nước “đặt hàng” vì lý do liên quan đến chuẩn quốc gia và quốc tế.
Trong những năm qua, ở Việt Nam cũng đã có không ít sản phẩm số hoá với ngôn ngữ các DTTS được thực hiện với sự quan tâm, đầu tư ở một số địa phương có đông người DTTS. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại là các sản phẩm này bị xung đột mã trong bảng mã quốc tế Unicode bởi thực tế là do thiếu những chính sách hướng dẫn nhất quán ở tầm quốc gia. Tuy nhiên, theo TS. Đặng Minh Tuấn - người đã có công thống nhất tiếng Việt về chuẩn Unicode dựng sẵn, dù sao chúng ta phải ghi nhận những tâm huyết và nhiệt tình của các nhóm phát triển các phần mềm này. Họ đã làm việc hoàn toàn vì cộng đồng và không hề vụ lợi để góp phần bảo tồn di sản văn hóa bằng chữ viết của các dân tộc thiểu số.
Còn theo Đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh - Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nếu làm được việc này thì đó là điều rất tốt. Font chữ, bộ gõ, rồi cả từ văn bản trở thành tiếng nói tự động là những sản phẩm rất cần cho các dân tộc thiểu số để phổ cập tri thức và tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước.
TS. Đặng Minh Tuấn cũng cho biết thêm, hiện chúng ta hoàn toàn chưa có một quy hoạch tổng thể về phân bổ ký tự cho ngôn ngữ các DTTS. Thực trạng chung vẫn là mạnh ngôn ngữ nào thì làm ngôn ngữ đó. Công việc đầu tiên phải xuất phát từ chính các chuyên gia ngôn ngữ học. Tức là chúng ta phải có những hiểu biết về các ngôn ngữ cụ thể không chỉ có chữ viết mà cả về các đặc thù văn hóa và xã hội của đồng bào DTTS. Rộng ra, cũng cần phải hiểu về những tập quán, truyền thống lịch sử của các DTTS. Như thế, mới dựng nên được các con chữ và khi có chữ rồi thì lúc đó CNTT mới bắt tay vào việc được. Sau đó là gán các con chữ đó với mã cụ thể. Khi có mã thì mới xây dựng bộ font chữ và tiếp theo mới là bộ gõ rồi đến các công cụ hỗ trợ cho chuyển đổi số.
Người dân sử dụng nền tảng số để quảng bá các sản phẩm của địa phương.
Riêng với cộng đồng trí thức người DTTS, họ không thể là những người đứng ngoài cuộc với dự án này mà thậm chí phải tích cực ủng hộ, tuyên truyền cho những kết quả đạt được để đồng bào các DTTS Việt Nam thực sự được hưởng lợi. Để việc này dễ trở thành hiện thực, Đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh cho rằng, điều quan trọng nhất là chính cộng đồng trí thức này phải hoạt động có tổ chức hội của chính mình với những tôn chỉ, mục đích rõ ràng. Người lãnh đạo tổ chức này có thể là những người con DTTS ưu tú, thành đạt được xã hội chính thức thừa nhận.
Phát triển kinh tế số với đồng bào DTTS: Trước hết phải quan tâm đến các nhóm tinh hoa
Ngày nay, thương mại điện tử cùng kinh tế số đã trở nên hết sức phổ biến ở Việt Nam và đó cũng là thực tế với đồng bào các DTTS. Thông qua môi trường này, chắc chắn những sản vật độc đáo của họ sẽ dễ dàng tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng không chỉ ở Việt Nam mà là cả trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, cách để người DTTS tiếp cận với thương mại điện tử và kinh tế số có lẽ cũng rất khác so với thực tế của người Kinh. Để thay đổi được thì chắc chắn phải là cả một quá trình, nỗ lực của chính đồng bào, chính sách của Nhà nước…
Song cũng có một thực tế là ở vùng cao nhiều nơi, trẻ em người DTTS nói tiếng Anh rất giỏi. Về thực tế này, có lẽ đây cũng là chuyện bình thường và dễ hiểu vì “thông minh không bằng mưu sinh” để có thể hướng dẫn du lịch với khách nước ngoài. Thực tế này hoàn toàn giống như các tiểu thương người Kinh ở chợ truyền thống biết tính nhẩm nhanh hơn cả giáo viên dạy Toán mặc dù về học vấn thì có thể khẳng định chắc chắn là thua xa.
Vậy phải làm gì về phát triển thương mại điện tử và kinh tế số với đồng bảo các DTTS. Đương nhiên, nếu Internet chưa được phủ sóng thì chắc chắn sẽ không thể thực hiện được, song đó mới chỉ là điều kiện cần mà thôi. Vấn đề còn lại theo TS. Bàn Tuấn Năng - Trưởng ban liên lạc Cộng đồng người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc, nguyên tắc làm việc của ông với cộng đồng người Dao là tập trung chú ý đến các nhóm trí thức và doanh nhân. Nếu chúng ta có được một tinh hoa, thì tinh hoa đó sẽ kéo được thêm ít nhất 200 người. Đối với cộng đồng, khuyến khích vận động, tự phát triển trên định hướng tốt của mình.
Tuy nhiên, những thực tế nói trên về cơ bản vẫn chỉ mang tính tự phát và câu trả lời cho cả hai câu chuyện về số hoá ngôn ngữ và phát triển kinh tế số cho các DTTS Việt Nam vẫn phải chờ đợi ở Chính phủ và các bộ ngành hữu quan.