Làm gì để việc dạy học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế?

20:45, 07/12/2021

Bước vào năm học 2021 - 2022, do tình hình dịch Covid-19 nên giải pháp tình thế của các cấp học phổ thông đã phải chuyển sang dạy trực tuyến và có thể nói là hiệu quả không được bao nhiêu.

Giải pháp tình thế

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dạy học trực tuyến là hoạt động nhằm hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện một phần hoặc toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông để hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó tại cơ sở giáo dục phổ thông. Mô hình dạy học mới được áp dụng tiêu biểu là “đào tạo trực tuyến” là một trong những giải pháp tối ưu có khả năng đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong học tập, giảng dạy và thuận lợi trong đào tạo nhiều cấp học. Làm thế nào để dạy học trực tuyến mang lại hiệu quả nhất đang là vấn đề khiến các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, cha mẹ và học sinh quan tâm.

Bỏ qua yếu tố bắt buộc là phải có thiết bị đầu cuối là máy tính nối mạng hay điện thoại thông minh, mô hình giáo dục trực tuyến là giải pháp tình thế ít nhiều đã bộc lộ không ít nhược điểm. Trước hết, người dạy và người học không ở cùng một nơi mà có thể ở bất cứ nơi đâu, từ nơi yên tĩnh tới nơi có mưa rơi, nóng bức, nhiều tiếng ồn... Do đó, việc thấu hiểu lẫn nhau là một trong những thách thức và khó khăn vì không cùng cảm nhận chung.

Một giáo viên dạy môn ngữ văn bậc THPT ở Hà Nội rất trăn trở khi học sinh chưa có kĩ năng kép nghe giảng – ghi bài. Giáo viên khi dạy trên lớp sẽ có những lúc giảng chậm hơn, nhấn nhá ngữ điệu, để “báo hiệu” phần nội dung quan trọng cần ghi chép. Nhưng học trực tuyến thì giáo viên vừa giảng vừa trình chiếu slide, thành ra học sinh cắm cúi ghi bài thì không nghe cô giảng và ngược lại, chăm chú nghe giảng lại không ghi được bài.

Bởi thế, nhiều thầy cô giáo than thở rằng dạy học trực tuyến vất vả gấp nhiều lần dạy học trực tiếp. Có quá nhiều công việc hậu trường để buổi học trực tuyến có thể diễn ra. Từ việc soạn giáo án online, tổ chức hoạt động dạy học đến giao bài, chấm chữa bài, phản hồi cho học sinh, phụ huynh trên mạng. Trước mỗi buổi học là hàng loạt thao tác không tên như đăng nhập vào phòng học, kiểm duyệt học sinh vào học, điểm danh, nhắc học sinh bật camera, bật mic…

Ảnh: minh họa

Để bài giảng điện tử thay cho bảng đen phấn trắng tạo nhiều hứng thú cho cả người dạy và người học thì các thầy cô phải bỏ thời gian và công sức soạn giáo án điện tử, tìm thêm tài liệu, chèn hình ảnh, clip minh họa cho bài giảng. Tuy nhiên không phải thầy cô nào cũng am hiểu về CNTT, sử dụng thành thạo các phần mềm áp dụng trong dạy học, có khả năng soạn giáo án điện tử hấp dẫn để khơi gợi hứng thú. Khi kĩ năng sử dụng CNTT của các giáo viên không đồng đều sẽ dẫn đến hiệu quả dạy trực tuyến giữa các lớp có sự chênh lệch và người thiệt thòi chính là các em học sinh.

Nhìn vào thực tế nước ta hiện nay có thể thấy rằng chúng ta đang sử dụng những phần mềm giảng dạy mới để thiết kế giờ dạy dựa trên giáo án truyền thống, dựa trên cách thức tổ chức bài giảng truyền thống và cả việc kiểm tra đánh giá cũng theo nếp cũ. Chính sự thay đổi không đồng nhất dẫn đến việc dạy học trực tuyến với cả người dạy và người học vẫn cứ nặng nề, vất vả. 

Làm gì để hiệu quả?

Theo một giáo viên phổ thông, cho dù học sinh học 7-8 tiết/ngày, mỗi tiết học từ 30-35 phút thì các em vẫn bị quá tải thực sự. Còn những tiết tự học có hướng dẫn thì học sinh cũng phải tự học, nội dung giảm tải của các khối lớp nhìn chung cũng không nhiều. Hiện tại học sinh đang quá tải trong học online vì cơ quan quản lý hướng dẫn chưa rõ ràng dẫn đến mỗi trường làm một kiểu.

Ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận, vẫn xảy ra tình trạng học sinh bị học quá nhiều tiết/ngày, giáo viên dạy trực tuyến kêu không đủ thời gian để đảm bảo chương trình là do giáo viên chưa nắm được cách dạy học trực tuyến…

Để khắc phục những thực tế tồn tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức không ít khoá tập huấn về dạy học trực tuyến cho đội ngũ giáo viên cả nước. Tất nhiên, việc này cũng đành thực hiện theo phương thức trực tuyến hoặc qua truyền hình cho tiện lợi.

Một trong những lưu ý quan trọng về dạy học trực tuyến mà các chuyên gia nhấn mạnh trong các buổi tập huấn là giáo viên, nhà trường cần tránh việc “bê” nguyên thời khóa biểu, giáo án dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến. Vì điều này sẽ khiến học sinh phải ngồi học quá lâu trước máy do thời khóa biểu dày đặc, bài học nhàm chán khiến người học căng thẳng, mệt mỏi. Giáo viên nên tận dụng kho học liệu trực tuyến để giao nhiệm vụ trước cho học sinh và tận dụng giờ dạy trực tuyến để thảo luận, tương tác với học sinh, giảng lại những phần học sinh chưa hiểu.

Đúng là có vì Covid-19 thì CNTT mới buộc phải phát huy vai trò trong các cấp học phổ thông. Nhưng có lẽ các trường sư phạm cũng chưa có những sự chuẩn bị tương xứng cho nhiệm vụ không thể chối bỏ của mình. Vậy thì thực chất các khoa CNTT của hệ thống các trường sư phạm đã làm được những gì?

Theo nhận xét của giám đốc một doanh nghiệp chuyên về phần mềm giáo dục, các khoa CNTT của hệ thống sư phạm đang hoạt động theo mô hình của các khoa CNTT khác nhưng ở trình độ thấp hơn. Và họ cũng chưa mấy làm được theo mô hình riêng mang đặc thù sư phạm mặc dù điều này là không có gì quá khó vì theo một giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội thì vấn đề ở đây là phương pháp chứ không phải kiến thức.

Thế nhưng theo TS. Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục CNTT Bộ Giáo dục và Đào tạo, một khi kiến thức chưa đi đến đâu thì không thể nói chuyện phương pháp. Kiến thức ở đây không nằm ở CNTT chuyên sâu mà phải là am hiểu các nhu cầu cần thiết của giáo dục để ứng dụng CNTT vào đó.

Cũng chính vì những thực tế đó, có lẽ khó có thể nói đến tính hiệu quả của giáo dục trực tuyến ở các cấp học phổ thông ở thời điểm này trong hoàn cảnh tình thế với dịch Covid-19. Lời kết của bài viết này có lẽ xin đề cập một phát biểu của PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Học trực tuyến một cách chủ động, bài bản, có chất lượng là câu chuyện mà cả ngành giáo dục, các thầy cô, phụ huynh và học sinh đều cần thích ứng để duy trì việc học tập. Mỗi học sinh sẽ có những thế mạnh và điểm yếu riêng, có trẻ sẽ gặp khó khăn hơn khi học qua kênh nghe hoặc qua kênh nhìn, có em tăng động giảm chú ý, có em đang chịu tổn thương về sức khỏe tinh thần. Chính vì thế giáo viên và cha mẹ cần trao đổi, hỗ trợ nhau để đánh giá đúng và sớm có cách thức can thiệp. Nếu không các em sẽ bị bỏ lại phía sau và không thể theo được khi học trực tuyến”.

Trịnh Nguyễn