“Làm sạch” ngành game Việt
Năm 2025, ngành game Việt Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi tích cực nhờ những quy định mới được áp dụng.
Bức tranh hai màu sáng tối
Ngành game có sự tăng trưởng về nhân lực, giấy phép cấp nhiều hơn, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề như trò chơi được cấp phép phát hành có nguồn gốc nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn. Thống kê cho thấy, game trong nước chỉ chiếm 14%, còn game từ Trung Quốc là 81%, trong khi 5% còn lại là từ các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đánh giá, các công ty game Việt Nam chủ yếu đóng vai trò là những nhà phát hành game, hơn là nhà sản xuất, trong khi năng lực sản xuất, tiềm năng phát triển game tại Việt Nam là rất lớn. Tỷ trọng đóng góp của ngành game không tương xứng với tiềm năng.
“Nhiều công ty game của Việt Nam đang đăng ký hoạt động tại Singapore để được hưởng các ưu đãi về thuế. Đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước cần lưu ý để xây dựng chính sách phù hợp, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam”, bà Huyền nói.
Theo ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2024, các doanh nghiệp đã sát cánh với cơ quan quản lý thúc đẩy ngành game phát triển. Tuy nhiên, vẫn phổ biến tình trạng game lậu, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của thị trường trong nước, tạo cạnh tranh bất bình đẳng.
“Trong năm 2025, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp game cần phối hợp rà quét, triệt để xử lý tình trạng game lậu, game bất hợp pháp”, ông Long nhấn mạnh.
Báo cáo của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, ước tính năm 2024, doanh thu toàn ngành game đạt khoảng 12.500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 12.552 tỷ đồng của năm ngoái; số lượng lao động ngành game năm 2024 ước khoảng 4.100 người, tăng 31% so với năm 2023.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 288 giấy phép game online G1 (giấy phép cấp cho đơn vị kinh doanh trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp), trong đó có 184 giấy phép G1 còn hiệu lực, 104 giấy phép G1 đã bị thu hồi. Ngoài ra, có 169 trò chơi được cấp quyết định G1 (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023). Lũy kế đến ngày 15/11/2024, có 1.687 trò chơi được cấp quyết định G1, trong đó có 1.125 trò chơi đang phát hành, 562 trò chơi đã dừng phát hành. Bên cạnh đó, 30 giấy chứng nhận G2, G3, G4 đã được cấp, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023.
Tạo sự công bằng cho thị trường game
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Cục sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các tài khoản đã được định danh mà cung cấp cho trẻ em trên 60 phút sẽ bị xử phạt rất nghiêm.
Thời gian tới, ngành game Việt Nam sẽ có sự thanh lọc lớn, khi Nghị định số 147/2024/NĐ-CP (Nghị định 147) quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đi vào cuộc sống. Theo đó, Nghị định 147 đã điều chỉnh, cắt giảm bớt các điều kiện, thủ tục không cần thiết và giảm thời gian thẩm định, cấp phép đối với cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, nhưng cũng không cấp phép đối với các trò chơi có thưởng trong cơ sở kinh doanh casino, game sử dụng hình ảnh lá bài. Bên cạnh đó, còn yêu cầu xác thực người chơi bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, hạn chế thời gian chơi game với người dưới 18 tuổi và giám sát, quản lý với người dưới 16 tuổi…
Đặc biệt, quy định về việc kho ứng dụng xuyên biên giới phải chặn, hạ các game chưa được dán nhãn và tuân thủ các quy định của pháp luật về thanh toán của Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho người sử dụng tại Việt Nam, gồm cả việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, các game cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam mà không được cấp phép đều vi phạm pháp luật. Kho ứng dụng xuyên biên giới có trách nhiệm yêu cầu nhà phát hành game xuất trình giấy phép, nếu không sẽ không được phát hành.
“Chúng tôi đang phối hợp với các kho ứng dụng nước ngoài nhằm đảm bảo môi trường cung cấp dịch vụ bình đẳng giữa doanh nghiệp xuyên biên giới với các doanh nghiệp trong nước”, bà Huyền cho biết.
Từ trước đến nay, các kho ứng dụng xuyên biên giới như Google Play Store, Apple App Store đưa ra lý do pháp luật chưa quy định để lảng tránh yêu cầu của cơ quan chức năng Việt Nam. Các quy định tại Nghị định 147 đã trao quyền cho cơ quan quản lý nhà nước và bắt buộc kho ứng dụng phải tuân thủ. Quy định này hạn chế được game không phép, game bài hay game đánh bạc phát hành xuyên biên giới qua các kho ứng dụng, tạo sân chơi công bằng hơn cho doanh nghiệp nội.
“Ngành game trong nước lâu nay chịu sự cạnh tranh không công bằng đến từ các doanh nghiệp nước ngoài, chính vì thế, với quy định mới tại Nghị định 147, cùng với việc cơ quan quản lý làm chặt và mạnh, sẽ yêu cầu được các kho ứng dụng như Google Play Store, hay Apple App Store thực hiện một cách nghiêm túc, tạo sự công bằng cho ngành game trong nước”, ông Trần Phương Huy, Giám đốc VTC Intecom nhận xét.
Liên quan đến vấn đề độ tuổi người chơi game, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG Games cho rằng, quy định mới về độ tuổi (16+) là một bước tiến mới, thể hiện sự quan tâm, sâu sát của cơ quan quản lý trong hoạt động phát hành game tại Việt Nam, khi quy định cũ có khoảng cách về độ tuổi khá xa (12+ và 18+). Quy định mới về độ tuổi sẽ cho phép người chơi trong độ tuổi 16 đến dưới 18 tiếp cận được những tựa game phù hợp với độ tuổi của mình.
Về vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp với người chơi game dưới 18 tuổi, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông chỉ ra, việc cảnh báo liên tục sẽ giúp người chơi nhận ra được những rủi ro về mặt sức khỏe, qua đó giảm thiểu được sự cố. Đối với phía doanh nghiệp sẽ phải tính toán tác động để cân bằng giữa đảm bảo an toàn với trải nghiệm của người chơi.