Lao động ngành bán dẫn: Sự trái ngược giữa Intel và Samsung
Cả Intel và Samsung đều đang gặp trở ngại trong vấn đề lao động, mặc dù theo cách hoàn toàn trái ngược nhau…
Vấn đề nhân sự tại hai công ty bán dẫn hàng đầu thế giới sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong tương lai - Ảnh minh họa.
Kết quả tài chính quý 2 năm 2024 không mấy khả quan của Intel đã khiến công ty công bố kế hoạch cắt giảm 15% toàn bộ lực lượng lao động, tương đương với số lượng khoảng 15.000 nhân viên nhằm tiết kiệm 10 tỷ USD chi phí vào năm 2025.
Động thái mang tính quyết định này trái ngược hoàn toàn với các cuộc đình công đang diễn ra tại bộ phận bán dẫn của Samsung Electronics. Điều này đã đặt ra câu hỏi về vấn đề quản lý lao động của hai ông lớn ngành bán dẫn, đồng thời có thể gây tác động lớn đến sự cạnh tranh trong tương lai của ngành công nghiệp sản xuất chip.
Giám đốc điều hành của Intel, ông Pat Gelsinger đã giải thích rằng việc tái cơ cấu là rất cần thiết trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty chậm hơn dự kiến. Bởi vậy mà công ty không có khả năng tận dụng tối đa các xu hướng như trí tuệ nhân tạo (AI).
Intel phải đối mặt với cơ cấu chi phí cao, tỷ suất lợi nhuận thấp, trong khi điều kiện tài chính dự kiến sẽ còn trở nên khó khăn hơn vào nửa cuối năm 2024.
Sau khi tung ra sáng kiến "IDM 2.0", tập trung vào cả việc sản xuất các sản phẩm của riêng mình và nâng cao năng lực sản xuất tiên tiến, những thành tựu mà Intel đạt được lại rất hạn chế. Doanh thu từ sản xuất chip không tăng khiến cho việc thua lỗ là điều không tránh khỏi.
Intel công bố kế hoạch cắt giảm 15% toàn bộ lực lượng lao động, tương đương với số lượng khoảng 15.000 nhân viên nhằm tiết kiệm 10 tỷ USD chi phí vào năm 2025.
Trong quý 2 năm 2024, doanh thu xưởng đúc của Intel giảm 100 triệu USD so với quý trước, với khoản lỗ tăng thêm 300 triệu USD. Tương tự, bộ phận Trung tâm dữ liệu và AI của Intel vẫn trì trệ ở mức 3 tỷ USD, với thu nhập từ hoạt động kinh doanh giảm 200 triệu USD.
Khi được hỏi về thời điểm tái cơ cấu, Gelsinger chỉ ra rằng mặc dù doanh thu năm 2020 của Intel cao hơn gần 24 tỷ USD so với năm 2023 nhưng lực lượng lao động của công ty hiện nay lại tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Đối mặt với tình huống chi phí cao, lợi nhuận thấp, Intel quyết định sa thải nhân viên và cho rằng đây là hành động cần thiết.
Samsung cũng rơi vào tình cảnh tương tự một cách đáng kinh ngạc. Bộ phận Giải pháp Thiết bị và Bán dẫn (DS) của Samsung đã chứng kiến doanh thu giảm 8,6% từ năm 2020 đến năm 2023, với lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm từ mức lãi 18,81 nghìn tỷ KRW (khoảng 137 triệu USD) xuống mức lỗ 14,87 nghìn tỷ KRW.
Mặc dù vậy, số lượng nhân viên bán dẫn toàn cầu tại Samsung đã tăng 25,8%, từ 74.415 nhân sự vào năm 2020 lên 93.639 vào năm 2023. Về mặt lý thuyết, Samsung cũng sẽ cần có một đợt tái cơ cấu lực lượng đáng kể.
Các nhà phân tích trong ngành tại Hàn Quốc nhấn mạnh rằng khả năng điều chỉnh linh hoạt lực lượng lao động để ứng phó với những thay đổi của thị trường là một trong những điểm khác biệt chính giữa hai công ty. Số lượng lực lượng lao động của Intel có xu hướng tăng và giảm song song với hiệu quả hoạt động của công ty—một dấu hiệu đặc trưng của thị trường lao động linh hoạt tại Mỹ.
Ngược lại, bộ phận bán dẫn của Samsung tiếp tục phát triển lực lượng lao động bất kể hiệu suất làm việc, phần lớn là do sự cứng nhắc của thị trường lao động Hàn Quốc - nơi việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí như sa thải nhân viên khó khăn hơn nhiều.
Vào năm 2023, trong bối cảnh thua lỗ lớn, Samsung phải đối mặt với xung đột nội bộ về các vấn đề như phân phối tiền thưởng lợi nhuận vượt mức (OPI) và điều chỉnh lương. Điều này dẫn đến sự gia tăng đáng kể số lượng thành viên công đoàn khi Liên minh Samsung Quốc gia đã vượt qua 30.000 thành viên.
Vào năm 2024, công đoàn đã tiến hành các cuộc đình công nhằm mục đích làm gián đoạn hoạt động sản xuất chất bán dẫn, thể hiện sự tương phản hoàn toàn với cách tiếp cận của Intel là thông báo sa thải nhân viên để giải quyết các thách thức tài chính của mình.
Các chuyên gia trong ngành chỉ ra rằng trong khi Intel hành động nhằm tránh khủng hoảng, tập trung vào tiết kiệm chi phí và tái cơ cấu lực lượng lao động thì bộ phận bán dẫn của Samsung lại bị lôi kéo vào các tranh chấp lao động căng thẳng chưa được giải quyết. Sự khác biệt về tính linh hoạt lao động giữa hai công ty có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường bán dẫn trong tương lai.