Liệu 15/8 bộ sách giáo khoa lớp 1 có tới tay học sinh theo chỉ thị của Bộ GD-ĐT ?
Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT phối hợp với nhà xuất bản và các đơn vị liên quan cung ứng sách giáo khoa đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đến tay phụ huynh, học sinh trước 15/8.
Do Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 nên trước đó để kịp chuẩn bị sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 học chương trình mới vào tháng 9/2020, theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư Hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, đáp ứng quy định trong Nghị quyết Quốc hội số 88 là cơ sở giáo dục quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa.
Dự thảo Thông tư mới kế thừa nhiều nội dung của Thông tư hiện hành, như: nguyên tắc và tiêu chí lựa chọn sách, một số điểm trong quy trình lựa chọn sách giáo khoa.
UBND tỉnh thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa theo môn học và cấp học
Theo dự thảo Thông tư của Bộ GDĐT, UBND các tỉnh thành phố sẽ thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (SGK) để giúp Ủy ban tổ chức lựa chọn sách.
Mỗi môn học của một cấp học thành lập 01 Hội đồng. Thành viên trong hội đồng này bao gồm: lãnh đạo, chuyên viên của Sở GDĐT, Phòng GDĐT; cán bộ quản lý và giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Số lượng thành viên tối thiểu là 15 người và yêu cầu bắt buộc là ít nhất 2/3 tổng số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang giảng dạy.
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa được UBND cấp tỉnh thành lập mới theo từng năm, đảm bảo số thành viên đã tham gia Hội đồng những năm trước chiếm ít nhất 1/3 tổng số.
SGK được lựa chọn theo nguyên tắc: chỉ lựa chọn sách thuộc danh mục đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt. Mỗi môn học và hoạt động giáo dục ở một khối lớp lựa chọn 01 đầu sách. Việc lựa chọn này phải đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Tiêu chí lựa chọn SGK là: phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương hoặc từng khu vực của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Điều này có nghĩa mỗi tỉnh có thể chọn sách giáo khoa cho toàn tỉnh hoặc các địa bàn khác nhau trong tỉnh. Tức là, cùng một môn học, mỗi tỉnh có thể chọn nhiều SGK phù hợp với các địa bàn của tỉnh hoặc chọn 01 đầu để dùng chung cho các trường phổ thông trên toàn tỉnh.
SGK được UBND tỉnh lựa chọn sẽ được giảng dạy chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, giáo viên và học sinh có thể sử dụng các SGK khác đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt để tham khảo, phục vụ cho việc dạy và học. Đây chính là điểm mới của việc đổi mới chương trình - SGK phổ thông, dạy học theo chương trình, không lệ thuộc vào một SGK.
Cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất danh mục cho Hội đồng lựa chọn SGK của UBND tỉnh
Dự thảo Thông tư Quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông quy định quy trình 6 bước để lựa chọn sách.
Đầu tiên, tổ chuyên môn của các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn báo cáo với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp.
Tiếp theo, cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức nghiên cứu, thảo luận kết quả lựa chọn SGK của các tổ chuyên môn theo tiêu chí lựa chọn. Việc thảo luận này có tham khảo ý kiến của học sinh, cha mẹ học sinh. Cơ sở đề xuất danh mục SGK các môn học được lựa chọn, xếp theo thứ tự từ cao đến thấp; báo cáo danh mục sách này với Sở GDĐT (đối với cấp THPT), Phòng GDĐT (đối với cấp Tiểu học và THCS).
Chậm nhất 07 ngày trước phiên họp lần thứ nhất của Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND tỉnh thành lập, Chủ tịch Hội đồng phân công nhiệm vụ cho các thành viên nghiên cứu, nhận xét, đánh giá SGK theo các tiêu chí lựa chọn.
Hội đồng sau đó họp thảo luận, đánh giá trên cơ sở danh mục SGK do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất, theo các nguyên tắc và tiêu chí lựa chọn được Bộ GDĐT quy định. Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn, SGK được lựa chọn phải đạt 2/3 số phiếu đồng ý lựa chọn trở lên.
“Trường hợp SGK không đạt 2/3 số phiếu đồng ý lựa chọn trở lên, Hội đồng thảo luận, phân tích các SGK với tiêu chí lựa chọn SGK và bỏ phiếu lựa chọn lại. Sau lần bỏ phiếu thứ hai nếu vẫn không đạt 2/3 số phiếu đồng ý lựa chọn trở lên thì Hội đồng quyết định lựa chọn SGK có số lượng cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn nhiều nhất trong danh mục SGK do các cơ sở giáo dục phổ thông báo cáo”, dự thảo Thông tư nêu.
Bước thứ 5, Sở GDĐT tổng hợp kết quả lựa chọn SGK của các Hội đồng, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Căn cứ vào kết quả lựa chọn của các Hội đồng và hồ sơ trình của Sở GDĐT, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt danh mục SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.
Có thể thay đổi sách giáo khoa nếu cơ sở giáo dục phổ thông thấy không phù hợp
Dự thảo Thông tư về lựa chọn SGK có nội dung quy định việc được thay đổi hoặc bổ sung sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông (khoản 7 Điều 10; khoản 4 Điều 11; khoản 1 Điều 12; khoản 3 Điều 13; khoản 5 Điều 14).
Theo đó, nếu nhiều cơ sở giáo dục phổ thông có kiến nghị về việc SGK được lựa chọn không phù hợp, UBND cấp tỉnh sẽ quy định việc lựa chọn lại SGK để thay đổi trên toàn tỉnh. Hoặc một số cơ sở giáo dục phổ thông thấy SGK không phù hợp với đơn vị mình, có thể kiến nghị thay đổi. UBND cấp tỉnh theo đó sẽ xem xét và tổ chức lựa chọn bổ sung để phù hợp với các cơ sở giáo dục phổ thông có kiến nghị này.
Mới đây, ngày 10/6, Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn thực hiện bồi dưỡng giáo viên và cung ứng sách giáo khoa (SGK) lớp 1 năm học 2020 - 2021 gửi các sở GD&ĐT; các nhà xuất bản (NXB) có SGK lớp 1 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông vào ngày 10/6.
Hoàn thành bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK lớp 1 trước 30/7
Theo công văn, Sở GD&ĐT các tỉnh phải chủ động phối hợp với các NXB xây dựng kế hoạch tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho giáo viên dạy học lớp 1 năm học 2020 - 2021 và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Theo đó, giáo viên được sắp xếp vào các lớp học theo môn học/hoạt động giáo dục, theo bộ sách giáo khoa, đảm bảo 100% giáo viên dạy lớp 1 và cán bộ quản lý được tập huấn phù hợp với lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục.
“Do đặc trưng của cấp tiểu học khi tổ chức có thể chia thành 2 nhóm giáo viên, gồm nhóm giáo viên dạy các môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên - Xã hội, Đạo Đức và nhóm giáo viên dạy các môn Mĩ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Tiếng Anh nhằm tối ưu hóa hình thức tổ chức trên cơ sở đảm bảo chất lượng bồi dưỡng”, văn bản hướng dẫn nêu.
Việc bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 được lồng ghép trong chương trình Bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên. Hình thức tổ chức có thể là trực tiếp hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT có trách nhiệm điều động giáo viên, cán bộ quản lý (GV/CBQLGD) tham gia, chuẩn bị các điều kiện thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho GV/CBQLGD tham dự.
NXB có trách nhiệm chuẩn bị đội ngũ báo cáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để triển khai bồi dưỡng. Các đơn vị này đồng thời biên soạn bộ học liệu điện tử gồm: SGK được lựa chọn, tài liệu hướng dẫn sử dụng SGK, các bài dạy mẫu, học liệu bổ trợ liên quan khi sử dụng SGK… Tài liệu bồi dưỡng được số hóa, hoàn thành trước 30/6.
Sở GD&ĐT, các giáo viên sẽ nhận được học liệu điện tử ít nhất 5 ngày trước khi bồi dưỡng trực tiếp để chủ động tìm hiểu và thảo luận. Tài liệu này đồng thời được sở GD&ĐT sử dụng lâu dài trong tổ chức bồi dưỡng thường xuyên qua mạng internet cho giáo viên.
Thời gian bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về sử dụng sách giáo khoa lớp 1 phải được hoàn thành trước 30/7. Bộ GD&ĐT sẽ giám sát việc thực hiện kế hoạch này của địa phương, NXB.
Cung ứng kịp thời, đúng và đủ SGK
Về công tác cung ứng SGK năm học 2020 - 2021, Bộ GD&ĐT yêu cầu các NXB chịu trách nhiệm về chất lượng đúng với bản mẫu đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt và đã được các nhà trường lựa chọn.
NXB chủ trì phối hợp với các sở GD&ĐT cam kết về số lượng SGK, đảm bảo cung cấp đầy đủ sách với số lượng dự phòng không dưới 2%. Việc cung ứng SGK đến các đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng tại địa phương trước ngày 30/7. NXB đồng thời có trách nhiệm xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ SGK cho học sinh nghèo, tham góp, phát động phong trào xây dựng tủ sách tại các cơ sở giáo dục phổ thông.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm cung cấp đúng, kịp thời số lượng đăng ký sách giáo khoa cho các nhà xuất bản; phối hợp với nhà xuất bản thống nhất chọn đơn vị có chức năng và đủ năng lực cung ứng sách giáo khoa. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn phối hợp với đơn vị cung ứng sách giáo khoa để cung cấp đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa năm học 2020-2021 trên địa bàn. Việc cung ứng sách giáo khoa phải đảm bảo sách đến tay phụ huynh, học sinh, giáo viên trước ngày 15/8.
Minh Thùy