Lĩnh vực kho hàng và logistics Việt chuyển đổi số nhanh nhờ TMĐT

10:55, 19/03/2024

Zebra Technologies nhận định lĩnh vực kho hàng và logistics Việt sẽ chuyển đổi số nhanh trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) phát triển "nóng" tại Việt Nam.

Với sự phát triển "nóng" của thương mại điện tử, lĩnh vực logistic và kho hàng đang chứng kiến nhiều chuyển biến quan trọng. Theo Nghiên cứu toàn cầu về ngành kho hàng năm 2023 do Zebra Technologies công bố, 58% các nhà quản lý trong lĩnh vực này có kế hoạch triển khai công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID).

Công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) là một phương tiện tự động nhận dạng và thu thập dữ liệu thông qua tần số vô tuyến. Khi ứng dụng công nghệ RFID, thiết bị đầu đọc chuyên dụng sẽ tiến hành nhận dạng và đọc các thông tin bên trong chip ở tag RFID với khoảng cách xa. Trong quản lý kho, công nghệ RFID được sử dụng để theo dõi và quản lý hàng hóa, tài sản trong quá trình di chuyển và lưu trữ.

Trong 5 năm tới, phần lớn nhà quản lý trong ngành kho hàng có kế hoạch triển khai các loại đầu đọc RFID cố định, thụ động hoặc cầm tay cùng các giải pháp quét dữ liệu. Mục đích của việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực kho hàng nhằm tăng khả năng giám sát, điều phối hàng hóa và nhân công.

Nhân viên đang tra soát thông tin hàng hóa tại một doanh nghiệp chuyển phát. Ảnh: Trọng Đạt

Số liệu cũng cho thấy, khoảng 75% người làm kho bãi đang phải chịu áp lực cải thiện hiệu suất làm việc để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong thời buổi bùng nổ của thương mại điện tử. Thông tin không chính xác về hàng hóa lưu kho và việc không kiểm soát được tình trạng hàng hoá được xem là những yếu tố chính ảnh hưởng đến năng suất kho bãi. 

Điều này dẫn đến một thực tế là các nhà vận hành kho hàng trên khắp thế giới đang có xu hướng ứng dụng công nghệ nhiều hơn nhằm chuyển đổi số. Theo một nghiên cứu gần đây của Interact Analysis, các dự án tự động hóa ngành kho hàng sẽ tăng trưởng trong năm 2024.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2024-2032, ngành kho hàng được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hằng năm khoảng 11%. Theo ông Christanto Suryadarma, Phó Chủ tịch Zebra Technologies, sở dĩ ngành kho hàng tại Việt Nam tăng trưởng mạnh bởi sự tác động từ việc bùng nổ của thương mại điện tử. 

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam có quy mô 14 tỷ USD và dự kiến đạt khoảng 32 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam là nơi có nhiều người trẻ, họ có thói quen sử dụng điện thoại di động để mua sắm. Vì vậy, thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ mạnh, kéo theo đó là cả  lĩnh vực kho hàng và logistics”, ông Christanto Suryadarma nói. 

Trước đây, các kho hàng thường được vận hành theo cách thủ công, sử dụng nhiều đến bút và các loại giấy tờ. Công việc này tiêu tốn nhiều thời gian và thường hay bị sai sót. Nếu làm theo cách truyền thống, rất khó để người quản lý biết chính xác lượng hàng tồn và cách mọi thứ đang vận hành.  

Trong xu hướng chuyển đổi số, ngành kho hàng đang chuyển dần từ việc dựa vào thủ tục giấy tờ sang sử dụng máy móc và dữ liệu để đưa ra quyết định. Những thay đổi này được nhận định sẽ không chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực kho hàng mà còn lan tỏa ra cách quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng.

Theo nguoiquansat.vn

https://nguoiquansat.vn/linh-vuc-kho-hang-va-logistics-viet-chuyen-doi-so-nhanh-nho-tmdt-120997.html