Livestream bán nông sản - kênh tiêu thụ hiệu quả trong thời đại số

15:24, 18/09/2024

Livestream bán nông sản đang trở thành một xu hướng nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp và thương mại điện tử. Hình thức bán hàng trực tiếp này không chỉ giúp nông dân tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng và nền kinh tế.

Tại sao livestream bán nông sản lại trở thành xu hướng?

Đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao, đặc biệt là đối với các sản phẩm thực phẩm tươi sống. Livestream trở thành một kênh bán hàng hiệu quả, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm. Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội và công cụ livestream đã giúp việc bán hàng trực tuyến trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Bất kỳ ai cũng có thể tạo một buổi livestream để giới thiệu sản phẩm của mình.

Trong báo cáo "Báo cáo Shoppertainment 2024: Tương lai của Tiêu dùng và Thương mại châu Á-Thái Bình Dương” do TikTok phát hành mới đây, số người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng sáng tạo nội dung dạng video như TikTok tăng gấp 1,9 lần so các công cụ tìm kiếm truyền thống.

Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong khu vực trong 1-2 năm tới đây khi 93% người tiêu dùng thể hiện mong muốn duy trì hay thậm chí tăng cường trải nghiệm kết hợp mua sắm - giải trí trên các nền tảng sáng tạo nội dung số. Đây là cơ hội lớn để tiêu thụ nông sản qua hình thức bán hàng livestream.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Livestream giúp người nông dân trực tiếp tương tác với khách hàng, giải đáp các thắc mắc về quy trình sản xuất, đảm bảo sự an toàn và chất lượng của sản phẩm. Livestream mang đến sự tiện lợi cho cả người bán và người mua. Người nông dân không cần phải đến chợ, siêu thị để bán hàng, trong khi người tiêu dùng có thể mua sắm mọi lúc mọi nơi.

Lợi ích của livestream nông sản

Đang dần trở thành một xu hướng nổi bật, livestream nông sản mang đến nhiều lợi ích đáng kể cho cả người nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đối với người nông dân, Livestream giúp nông dân tiếp cận được lượng lớn khách hàng tiềm năng trên khắp cả nước, thậm chí quốc tế, mà không bị giới hạn bởi địa lý. Nhờ tương tác trực tiếp với khách hàng, nông dân có thể giới thiệu chi tiết về sản phẩm, giải đáp thắc mắc và thuyết phục khách hàng mua hàng, từ đó tăng doanh thu đáng kể.

Livestream cũng giúp nông dân bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, loại bỏ các khâu trung gian, giảm chi phí và tăng lợi nhuận; xây dựng thương hiệu cá nhân hoặc thương hiệu sản phẩm, tạo lòng tin với khách hàng và tạo ra sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.

Đối với doanh nghiệp, Livestream giúp doanh nghiệp tăng cường nhận diện thương hiệu, tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp và gần gũi với khách hàng. Qua livestream, doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với khách hàng, lắng nghe ý kiến, góp ý để cải thiện sản phẩm và dịch vụ.

Livestream giúp doanh nghiệp thu thập dữ liệu về hành vi mua sắm, sở thích của khách hàng để phục vụ cho việc xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả. Từ đó, giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả bán hàng, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cũng hưởng lợi từ xu hướng này khi có thể mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, không cần phải đến cửa hàng. Người tiêu dùng có thể kiểm tra chất lượng sản phẩm trực tiếp qua livestream, đặt câu hỏi cho người bán để được tư vấn.

Livestream giúp giảm chi phí trung gian, giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm với giá cả hợp lý. Người tiêu dùng có thể lựa chọn từ nhiều sản phẩm nông sản đa dạng, tươi ngon.

Giải bài toán tiêu thụ nông sản

Từ tháng 2/2023, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết hợp tác chiến lược với nền tảng TikTok Việt Nam nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số cho chương trình OCOP quốc gia.

Sáng kiến Chợ phiên OCOP nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên đã thành công mang sản phẩm OCOP, trong đó phần lớn là nông sản, đặc sản địa phương quảng bá đến đông đảo cộng đồng trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop.

Với sự hỗ trợ, song hành của TikTok Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động như kết nối với các địa phương tổ chức các phiên chợ OCOP.

Sau một năm triển khai, chương trình đã đi qua 38 tỉnh, thành phố từ bắc vào nam như: Bắc Kạn, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau…

Các Chợ phiên OCOP trên nền tảng TikTok Việt Nam đã có hơn 800 phiên livestream đạt 1,4 tỷ lượt xem. Qua đó, đã hỗ trợ cho hơn 3.000 chủ thể OCOP trên cả nước làm quen với kinh doanh trực tuyến… Bình quân mỗi phiên livestream, doanh thu đạt 130-150 triệu đồng.

Từ kết quả tích cực đã đạt được, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá hiện còn rất nhiều dư địa mà các sản phẩm nông nghiệp nông thôn có thể phát triển. Đáng chú ý, không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, mới đây Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã khảo sát ở Trung Quốc bởi đây là thị trường rất lớn tiêu thụ nông sản. Qua chuyến khảo sát cho thấy khoảng 90% nông sản của Việt Nam tiêu thụ ở Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam…

Nhưng nhiều địa phương của Trung Quốc như Hà Nam, Thượng Hải, Chiết Giang, Hồ Bắc… cũng có nhu cầu tiêu thụ nông sản rất lớn. Hoạt động livestream bán hàng được kỳ vọng sẽ không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà có thể tiến tới livestream bán sang thị trường Trung Quốc. Nếu thành công, sẽ có thêm một kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả.