Vẫn khó quản lý thuế từ hoạt động livestream bán hàng
Xu hướng kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh, tuy nhiên, do tính chất đặc thù của thương mại điện tử nên cơ quan thuế gặp không ít khó khăn trong quá trình quản lý và thu thuế đối với lĩnh vực này, nhất là các hoạt động livestream bán hàng nở rộ trên các sàn thương mại điện tử cũng như các trang mạng xã hội.
Chính sách thuế đối với thương mại điện tử của Việt Nam hiện nay bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Trong những năm gần đây, chính sách thuế về thương mại điện tử đã dần được hoàn thiện, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023 theo Statista). Có khoảng 61 triệu người dân tham gia mua sắm qua thương mại điện tử, đưa giá trị mua sắm trung bình của mỗi người dân đạt 300 USD/người/năm.
Đáng lưu ý, với sự ra đời tích cực của sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop, Sendo… đóng góp nhiều cho sự phát triển bứt phá của thương mại điện tử, nhất là thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, trong quý II/2024 ước tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktokshop đạt khoảng 85.000 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Tổng doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam hiện đạt khoảng 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Từ đó, đặt ra yêu cầu về quản lý thuế và quản lý về chất lượng hàng hóa, chống lừa đảo trên nền tảng thương mại điện tử.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của thương mại điện tử trong thời gian qua đã tạo ra dự địa lớn tăng thu từ thương mại điện tử. Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử năm 2022 là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, doanh thu quản lý thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là 1,98 triệu tỷ đồng. Số thuế đã nộp gần 55 nghìn tỷ đồng, đã có 103 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam.
Tuy nhiên hiện nay, số thuế thu từ lĩnh vực này đang ở mức khá khiêm tốn chưa tương xứng với doanh thu khủng của các nền tảng kinh doanh trong nước và xuyên biên giới ở Việt Nam. Việc này, có thể gây ra thất thoát cho ngân sách nhà nước, tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, khả năng thất thu ngân sách nhà nước từ thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử rất lớn khi các cơ quan quản lý khó giám sát và thu thập thông tin về mua bán kinh doanh trực tuyến. Phần lớn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam không tiến hành đăng ký kinh doanh nên cơ quan thuế khó theo dõi, quản lý, xác định đối tượng.
Đặc biệt, với hoạt động livestream, mua bán hàng hóa của cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội cũng có nhiều khó khăn vì pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc quản lý thuế đối với các cá nhân này. Một số nền tảng mạng xã hội vẫn chưa thiết lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong việc cung cấp thông tin.
Livestream bán hàng tại chợ đêm. Ảnh minh họa: Xuân Tư/TTXVN.
Ông Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học Viện Tài chính cho rằng, Việt Nam đang thất thu những khoản thuế từ lĩnh vực này. Các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng thường tìm cách né thuế, chia nhỏ thành nhiều tài khoản khác nhau để kinh doanh, dẫn đến việc kê khai thuế có sự không chuẩn xác và rất khó có thể kiểm soát được. Nhiều trang mạng xã hội có nguồn gốc ở nước ngoài và không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam gây không ít khó khăn trong việc nắm bắt thông tin và thực hiện thu thuế.
“Dù cơ quan thuế có thể truy cập thông tin trên các nền tảng mạng xã hội và yêu cầu người livestream cung cấp sao kê ngân hàng, thông tin sử dụng dịch vụ của đơn vị vận chuyển để yêu cầu cá nhân livestream nộp thuế nhưng rất khó để xác định được đâu là giao dịch chuyển từ hoạt động kinh doanh, đâu là giao dịch dân sự bình thường”, ông Đinh Trọng Thịnh nói.
Là một tỉnh ven biển miền Trung, Cục Thuế tỉnh Khánh Hoà cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng công nghệ số hiện nay. Bà Nguyễn Kim Thái Linh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa cho biết: Các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên các trang mạng xã hội, thường không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ kinh doanh, địa chỉ cư trú rõ ràng, tên đăng ký trên mạng khác với tên thật trên giấy tờ,... dẫn đến thiếu thông tin xác định đối tượng kinh doanh để quản lý thuế.
Bên cạnh đó, giao dịch thanh toán mua bán hàng theo phương thức dùng tiền mặt cũng gây nhiều khó khăn trong việc kiểm soát các giao dịch mua bán, xác định doanh thu quản lý thuế. Đồng thời, việc phối hợp giữa ngành thuế với ngân hàng vẫn còn hạn chế.
Trong khi đó, sau một thời gian thực tế triển khai việc quản lý thuế thương mại điện tử tại địa phương, ông Hoàng Hồng Quang, Phó chi cục Thuế Lào Cai cho biết: Là một tỉnh biên giới, khó khăn lớn nhất trong quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử là khai thác, thu thập dữ liệu phục vụ quản lý thuế. Dữ liệu của người nộp thuế trên cơ sở dữ liệu còn khó khai thác như mã số thuế và tên người nộp thuế không khớp với hệ thống quản lý thuế TMS, thông tin người nộp thuế không thuộc cơ quan thuế quản lý, thông tin không đầy đủ dẫn đến việc khó xác minh.
Cùng với đó, hiện nay việc chia sẻ, kết nối thông tin thương mại điện tử giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan với cơ quan thuế còn nhiều hạn chế, chưa đạt hiệu quả.
Đặc biệt theo ông Hoàng Hồng Quang, các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh có nhiều tên miền kinh doanh khác nhau đồng thời kinh doanh trên nhiều nền tảng số với các tên tài khoản khác nhau; giao dịch qua nhiều tổ chức thương mại; không có địa điểm, địa chỉ kinh doanh cụ thể…. gây nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin, kết nối thông tin, liên hệ, liên lạc mời lên làm việc. Hoặc, khi đã liên lạc mời người nộp thuế lên làm việc thì giữa cơ quan thuế và người nộp thuế chưa thống nhất được số liệu dẫn đến khó khăn trong việc xác định và truy thu số thuế phải nộp.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế) cũng cho hay, trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh. Cùng với đó, hoạt động mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thông qua các trang mạng điện tử diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, ở tất cả các ngày trong tuần, nên cơ quan thuế cũng khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Do đó, thời gian qua, cơ quan thuế luôn chú trọng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế có hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, livestream bán hàng online. Chỉ tính riêng trong những tháng đầu năm 2024, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm 4.560 người nộp thuế (gồm 1.274 doanh nghiệp, 3.286 cá nhân), với số thuế xử lý truy thu và phạt là 297 tỷ đồng.