Vẫn còn tổ chức, cá nhân livestream bán hàng chưa tự giác kê khai nộp thuế

08:36, 05/08/2024

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, thời gian qua, cơ quan thuế đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế; không ngừng cung cấp các dịch vụ thuế điện tử hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế theo phương thức điện tử cho các tổ chức, cá nhân đảm bảo cấp độ công nghệ 4.0.

Triển khai giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng. Ảnh minh họa: Phạm Hậu/TTXVN

Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp tổ chức, cá nhân có phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng chưa tự giác thực hiện nghĩa vụ kê khai, đăng ký và nộp thuế đầy đủ, kịp thời. 

Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, theo quy định của pháp luật về thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai. Cơ quan Thuế luôn luôn ưu tiên hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế tự giác kê khai và nộp thuế theo quy định.

Trường hợp người nộp thuế chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế hay không thực hiện việc kê khai, nộp thuế hoặc kê khai không đầy đủ số thuế phải nộp theo quy định, tùy theo mức độ vi phạm của người nộp thuế, cơ quan thuế sẽ xử lý vi phạm theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. 

Nếu người nộp thuế có hành vi gian lận, trốn thuế, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, cơ quan thuế còn gặp nhiều thách thức trong quản lý thuế như việc định danh, xác thực cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt hoạt động livestream bán hàng do người nộp thuế trong hoạt động này có tính ẩn danh cao, có trường hợp cá nhân không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế, không có địa điểm kinh doanh cố định. 

Bên cạnh đó, việc kết nối Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương về hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông... của người nộp thuế đang trong quá trình triển khai để định danh,  xác thực các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, từ đó hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử phát triển đồng thời phục vụ quản lý nhà nước hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, cơ sở dữ liệu thương mại điện tử cần được tiếp tục quan tâm rà soát, thu thập, làm giàu từ nhiều nguồn như dữ liệu từ các nền tảng kinh doanh thương mại điện tử, dữ liệu từ các đơn vị vận chuyển, dữ liệu từ các Bộ, ngành liên quan,... một cách thường xuyên, liên tục phục vụ quản lý nhà nước cũng như quản lý thuế một cách kịp thời.

Tổng cục Thuế cũng đã chỉ đạo toàn ngành chủ động rà soát xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế; đồng thời triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu lực trong quản lý thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Ngành thuế đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu lớn quản lý thuế đối với thương mại điện tử về các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử như chủ sở hữu sàn, đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhà cung cấp nước ngoài...; bao gồm thông tin định danh đối tượng; thông tin hoạt động kinh doanh; thông tin về dòng tiền, thu nhập; thông tin kê khai nộp thuế. Trên cơ sở khai thác cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử, ngành thuế triển khai quản lý theo rủi ro, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. 

Thời gian tới, ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật, ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với các sàn trong nước, các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, các nhân kinh doanh trên các nền tảng.

Cùng với đó, tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, đảm bảo người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử, đặc biệt trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có thể thực hiện các nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện.

Ngành thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử, thu thập thông tin từ nhiều nguồn: thông tin do sàn cung cấp, thông tin do các nhà cung cấp nước ngoài là chủ các nền tảng xuyên biên giới cung cấp, thông tin thu thập được qua kiểm tra, thông tin thu thập trên internet, thông tin kết nối chia sẻ từ các bộ ngành. Trên cơ sở đó thực hiện khai thác, xử lý thông tin để rà soát người nộp thuế đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/van-con-to-chuc-ca-nhan-livestream-ban-hang-chua-tu-giac-ke-khai-nop-thue1-p57394.html