Trốn thuế khi livestream bán hàng sẽ chuyển hồ sơ cho công an phối hợp xử lý
6 tháng đầu năm, gần 43.000 người bán hàng online thuộc diện rà soát đã khai, nộp thuế gần 10.000 tỷ đồng. Tổng cục Thuế cho biết sẽ tăng cường giám sát chặt đối các hoạt động livestream bán hàng, trường hợp phát hiện dấu hiệu trốn thuế, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ sang công an…
- Những trường hợp livestream bán hàng trốn thuế sẽ chuyển công an xử lý
- Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm việc livestrream bán hàng giả, trốn thuế
- Ngành thuế tăng tốc kết nối dữ liệu với công an và ngân hàng chặn trốn thuế
- Tận dụng công nghệ để giám sát, phân tích dữ liệu giao dịch trực tuyến, phát hiện hành vi trốn thuế
6 tháng đầu năm, gần 43.000 người bán hàng online thuộc diện rà soát đã khai, nộp thuế gần 10.000 tỷ đồng - Ảnh minh họa.
Theo Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 nhà bán tham gia. Livestream bán hàng là kinh doanh bằng cách phát video trực tuyến trên các phương tiện như nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch, website thương mại điện tử, kênh truyền hình. Trong các phiên livestream thường có tổ chức, cá nhân bán hàng cho chính họ hoặc các blogger, tiktoker… những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội được trả hoa hồng từ livestream bán hàng.
LIVESTREAM BÁN HÀNG KHÔNG KIỂM SOÁT ĐE DỌA “SỨC SỐNG” DOANH NGHIỆP
Mới đây, trong báo cáo tình hình doanh nghiệp quý 2/2024 của Hiệp Hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng đã đề cập đến một trong những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải liên quan đến trào lưu mua bán trực tuyến hiện nay.
Theo HUBA, sự gia tăng đáng kể hàng hóa tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang đã tạo áp lực đáng kể cho doanh nghiệp Việt.
“Không những thế, trào lưu quảng cáo bán hàng trực tuyến (livestream) không kiểm soát hiện nay được cho là đang đe dọa và bóp nghẹt không gian sinh tồn của các nhà sản xuất nhỏ lẻ, làm phá vỡ tiêu chuẩn giá cả truyền thống, chỉ giúp giải phóng hàng tồn kho mà hầu như không thu được lợi nhuận, không có sự đảm bảo chất lượng và phổ biến tình trạng không nộp thuế”, báo cáo của HUBA nêu rõ.
Theo quy định, hiện nay người bán hàng online sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng một năm. Đồng thời, cá nhân có thu nhập từ tiền hoa hồng do livestream bán hàng phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc, thuế suất 5-35%. Trường hợp hoa hồng được trả cho hộ kinh doanh, họ sẽ phải khai nộp thuế theo mức 7%, gồm 5% thuế VAT và 2% thu nhập cá nhân.
Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế, trong đó bổ sung quy định cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, trên nền tảng số sẽ phải đăng ký trực tiếp với cơ quan thuế.
Những cá nhân này sẽ áp dụng chung quy định như trường hợp hộ gia đình, cá nhân có sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhưng không thuộc trường hợp phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Chính phủ về hộ kinh doanh.
Dự thảo này cũng giữ quy định đăng ký thuế với nhà cung cấp ở nước ngoài, gồm tổ chức, cá nhân không có cơ sở, thường trú nhưng kinh doanh thương mại điện tử, dựa trên nền tảng số ở Việt Nam.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế thời gian qua cũng đã không ngừng yêu cầu cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác thanh kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số ngay từ khâu lập kế hoạch kiểm tra đến triển khai thực hiện. Qua đó, thu thập thông tin phục vụ công tác quản lý thuế.
Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng online, gồm livestream bán hàng, bị kiểm tra, truy thu do chưa kê khai nộp thuế. Theo Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm, gần 43.000 người bán hàng online thuộc diện rà soát đã khai, nộp thuế 9.980 tỷ đồng, gấp trên 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm này đã nộp gần 9.980 tỷ đồng, tăng khoảng 3.480 tỷ so với cùng kỳ. Cơ quan thuế cũng xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.
Những con số cho thấy hiệu quả bước đầu từ các giải pháp mà Chính phủ, các Bộ ngành đã cùng chung tay để quản lý trong hình thức kinh doanh này. Mặc dù vậy, trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã thừa nhận vẫn còn 1 tỷ lệ nhất định thất thu thuế qua thương mại điện tử. Song, Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính đều cho biết đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng để quản lý thuế thương mại điện tử một cách chặt chẽ.
“MẠNH TAY" QUẢN LÝ THUẾ TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Nhằm tiếp tục tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn số 3153/TCT-DNNCN chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Theo đó, Tổng cục Thuế đề nghị Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng, kinh doanh trên nền tảng số, thông qua thực hiện đồng bộ các hình thức tuyên truyền.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế tiếp tục thường xuyên rà soát cập nhật, làm giàu cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử để có đủ thông tin đầu vào phục vụ công tác quản lý thuế; phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương rà soát, xác định các cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, đảm bảo quản lý đầy đủ đối tượng.
Ngoài ra, để siết quản lý bán hàng trên sàn thương mại điện tử, Tổng cục Thuế yêu cầu các tổ chức, cá nhân bán hàng online xuất hóa đơn điện tử với 100% giao dịch.
"Việc này nhằm từng bước kiểm soát hóa đơn đầu vào, khai và nộp thuế từ khâu sản xuất đến lưu thông, hay nhập khẩu, bán hàng", Tổng cục Thuế cho biết.
Đồng thời, cơ quan thuế cũng tăng kết nối, liên thông dữ liệu về người nộp thuế, giao dịch kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới... với các ngân hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Dựa trên dữ liệu này, ngành thuế rà soát, đối chiếu dữ liệu và truy thu, xử phạt trường hợp chưa hoặc khai nộp thuế không đầy đủ.
Đáng chú ý, bên cạnh công tác tăng cường giám sát tuân thủ đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo trong hoạt động livestream bán hàng, Tổng cục Thuế nêu rõ: “Cơ quan thuế cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế cần đồng thời lập danh sách và phối hợp với các ban, ngành địa phương kiểm tra tại địa bàn để xử lý theo pháp luật thuế và các pháp luật chuyên ngành; hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an phối hợp xử lý nếu xác định đây là hành vi trốn thuế”.
Theo VnEconomy