Thúc đẩy chữ ký số cá nhân, vững chắc niềm tin số

17:34, 02/07/2025

Ngày 2/7, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) đã tổ chức Hội nghị Giao ban Quý II/2025 với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng.

Phát biểu tại hội nghị, bà Tô Thị Thu Hương – Giám đốc NEAC nhấn mạnh: Tính đến nay, hơn 18 triệu chứng thư chữ ký số đã được cấp trên toàn quốc, tương ứng với tỷ lệ 28,42% dân số trưởng thành có chữ ký số. Trong khi đó, Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ đã đặt ra một mục tiêu đầy thách thức là đến cuối năm 2025, 50% dân số trưởng thành Việt Nam sẽ sở hữu chữ ký số cá nhân. "Để hiện thực hóa mục tiêu này, rất cần sự đồng lòng, đoàn kết và quyết tâm của NEAC và các CA công cộng", bà Tô Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC phát biểu tại Hội nghị

Hiện nay, NEAC đang tiên phong nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là các giải pháp bảo mật hậu lượng tử, nhằm ứng phó với những thách thức mà công nghệ lượng tử có thể gây ra đối với tính an toàn của hạ tầng khóa công khai (PKI). Việc liên tục cập nhật kiến thức, chủ động chuẩn bị chiến lược cho kỷ nguyên mới được NEAC xác định là hướng đi tất yếu để bảo vệ vững chắc niềm tin số quốc gia.

Siết chặt công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống

Báo cáo về công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy những chuyển biến tích cực của các CA, hoạt động dần đi vào nề nếp và bám sát quy định pháp luật. Công tác kiểm tra đã giúp các CA chuẩn hóa quy trình, chú trọng hơn đến bảo mật thông tin người dùng.

Tuy nhiên qua kiểm tra vẫn còn tình trạng hồ sơ thuê bao chưa hợp lệ. Đáng chú ý, là việc CA cấp chứng thư số cho mục đích thử nghiệm nhưng không thông báo cho NEAC. Các vi phạm này đã khiến các doanh nghiệp bị xử phạt. Năm 2025, NEAC sẽ tiếp tục tăng cường công kiểm tra, bao gồm cả kiểm tra đột xuất để có các chấn chỉnh kịp thời.

Tại Hội nghị, đại diện Phòng Hạ tầng và phát triển dịch vụ, NEAC đã trình bày tham luận về an toàn hệ thống. Nội dung tham luận nhấn mạnh ba yếu tố cốt lõi trong bảo mật là Hệ thống - Quy trình - Nhân sự. Trong đó, yếu tố con người được xem là mắt xích quan trọng nhưng cũng dễ bị tổn thương nhất, có liên quan đến 82% các vụ tấn công mạng. Các vấn đề như thói quen đặt mật khẩu yếu, bị lừa đảo qua social engineering, hay nhân sự cũ cài cắm mã độc (trapdoor, logic bomb) là những rủi ro hiện hữu. Giải pháp để giảm thiểu rủi ro từ con người chính là xây dựng các quy trình, quy chế vận hành chặt chẽ, được kiểm tra và cập nhật thường xuyên.

Đưa chữ ký số đến gần hơn với người dân qua tích hợp VneID

Tại Hội nghị, ông Đỗ Kế Công, đại diện VNPT-CA đã trình bày tham luận và chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị về quá trình, hiện trạng và kết quả tích hợp chữ ký số vào VNeID. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm đưa chữ ký số đến gần hơn với người dân, hỗ trợ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch số một cách thuận tiện, bảo mật.

Đồng hành cùng hộ kinh doanh

Việc đưa 5 triệu hộ kinh doanh (HKD) vào guồng quay của nền kinh tế số, minh bạch và hiện đại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình chuyển đổi số quốc gia. Do đó, các quy định mới của pháp luật về việc sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) và chữ ký số đã tạo ra một bước ngoặt, đặt ra cả thách thức lẫn cơ hội to lớn.

Toàn cảnh Hội nghị

Theo tham luận tại hội nghị, hành lang pháp lý đang có những thay đổi mang tính nền tảng. Những quy định này nhằm giải quyết các bất cập tồn tại lâu nay, phần lớn các HKD vẫn chủ yếu đóng thuế khoán, không kê khai thuế và không xuất hóa đơn. Tình trạng này dẫn đến hệ lụy thất thu thuế, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp, khiến các HKD khó phát triển bài bản và lớn mạnh, đồng thời còn là mảnh đất cho hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Các rào cản chính mà HKD gặp phải trong quá trình chuyển đổi này bao gồm: lo ngại về chi phí đầu tư ban đầu cho phần mềm và thiết bị , tâm lý e ngại bị truy thu thuế khi minh bạch doanh thu và hạn chế về hiểu biết công nghệ, đặc biệt với người lớn tuổi. Để tháo gỡ các khó khăn trên, các CA công cộng đã chủ động xây dựng các giải pháp toàn diện và các chính sách hỗ trợ thiết thực.

Hội nghị cũng dành thời gian để các đại biểu thảo luận cởi mở, chia sẻ các vướng mắc thực tiễn, đồng thời đề xuất nhiều sáng kiến nhằm gia tăng giá trị và mở rộng phạm vi ứng dụng dịch vụ tin cậy trong đời sống xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Giám đốc Tô Thị Thu Hương nhấn mạnh "NEAC cam kết đồng hành cùng các CA công cộng trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đổi mới công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm xây dựng một thị trường dịch vụ tin cậy lành mạnh, cạnh tranh và phát triển bền vững".

Việc tổ chức giao ban định kỳ giữa cơ quan quản lý và các CA công cộng tiếp tục khẳng định vai trò điều phối chủ động, linh hoạt của NEAC trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua thời khắc lịch sử, triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên toàn quốc, việc đẩy mạnh số hóa các giao dịch dân sự, hành chính, thương mại thông qua chữ ký số là bước đi tất yếu, phù hợp với định hướng đặt người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ./.