Lỗ hổng nghiêm trọng trên chip của hãng UNISOC ảnh hưởng đến hàng triệu điện thoại Android
Đầu tháng 6, nhóm chuyên gia an ninh mạng thuộc hãng bảo mật CheckPoint (Israel) phát hiện một lỗ hổng bảo mật nguy hiểm trên chip của hãng UNISOC, có khả năng làm gián đoạn liên lạc vô tuyến của điện thoại thông minh thông qua việc gửi một gói tin sai định dạng.
Theo thống kê của Counterpoint Research (tập đoàn phân tích công nghiệp toàn cầu có trụ sở chính tại HongKong), UNISOC là công ty bán dẫn có trụ sở chính tại Thượng Hải (Trung Quốc). Hiện UNISOC đang là nhà sản xuất bộ vi xử lý di động (SoC) lớn thứ tư thế giới sau Mediatek, Qualcomm và Apple, chiếm 10% tổng lượng SoC xuất xưởng trong quý 3 năm 2021.
Thống kê của Counterpoint Research trong quý 3/2021
Các chuyên gia bảo mật của CheckPoint phát hiện ra lỗ hổng bảo mật nói trên nhờ việc nghiên cứu, dịch ngược tệp SC9600_sharkl5pro_pubcp_modem[.]dat
(thuộc bản cập nhật Android tháng 1/2022 (RTAS31.68.29) của điện thoại Motorola G20 (XT2128-2) sử dụng chip UNISOC T700) có chứa đoạn mã liên quan đến modem firmware của chip UNISOC. Từ đó có thể viết mã khai thác tràn bộ đệm trong thành phần xử lý thông báo tầng NAS thuộc Firmware modem, dẫn đến làm gián đoạn liên lạc của điện thoại thông minh có sử dụng bộ vi xử lý này.
Hearder của tệp firmware modem.
Ngay sau khi được các chuyên gia công bố, lỗ hổng trên đã được cung cấp bản vá, được gán mã nhận dạng CVE-2022-20210 với chỉ số xếp hạng 9,4/10 về mức độ nghiêm trọng trên hệ thống chấm điểm lỗ hổng CVSS. Với mức độ nghiêm trọng như vậy, nếu khai thác thành công lỗ hổng bảo mật trên, tin tặc có thể tấn công và vô hiệu hóa thông tin liên lạc của máy điện thoại thông minh ở bất kỳ thời điểm nào.
Các chuyên gia khuyến cáo, để giảm thiểu rủi ro người dùng nên cập nhật thiết bị Android lên phiên bản mới nhất. Bản vá này sẽ được Google cập nhật trong tháng 6/2022.
Quang Minh (T/h)