Lợi ích của NFC
07:00, 23/07/2013
Lâu nay chúng ta vẫn thường hay nghe nói về công nghệ NFC, nhất là việc tích hợp cho điện thoại di động, nhưng ứng dụng của nó như thế nào trong cuộc sống vẫn chưa thực sự được nhiều người biết tới.
NFC (Near field communication) là một tập hợp các chuẩn dành cho smartphone và các thiết bị tương tự giao tiếp qua sóng radio với nhau bằng cách chạm vào nhau hoặc đặt cạnh nhau ở khoảng cách cực gần (tối đa khoảng 4 cm). Các ứng dụng hiện tại của NFC chủ yếu là truyền thông tin liên lạc (contact), trao đổi dữ liệu và giản đơn hóa việc thiết lập các liên lạc phức tạp hơn kiểu như Wi-Fi.
NFC được phát triển dựa trên nguyên lý nhận dạng bằng tín hiệu tần số vô tuyến (Radio-frequency identification - RFID), hoạt động ở dải băng tần 13.56 MHz với tốc độ truyền tải dữ liệu tối đa 424 Kbps. Ngoài việc “nói chuyện” với các thiết bị cùng loại, một thiết bị NFC còn có thể giao tiếp với chip NFC (không được cấp năng lượng) - thường được gọi là “tag” - cũng cho mục đích kết nối tương tự.
Ứng dụng cho smartphone
Năm 2004, Diễn đàn NFC (NFC Forum) được 3 thành viên sáng lập bao gồm Nokia, Philips và Sony lập ra. Đến nay, diễn đàn này đã có 140 thành viên trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng như: Samsung, Nokia, HTC, LG, Motorola, RIM, Sony Ericsson, Google, Microsoft, PayPal, Visa, Mastercard, American Express, Intel, Qualcomm...
Năm 2006, Nokia khởi đầu cho xu hướng NFC bằng chiếc điện thoại đầu tiên hỗ trợ công nghệ này - Nokia 6131. Ba năm sau đó, NFC mới công bố tiêu chuẩn Peer-to-Peer để truyền tải các dữ liệu như danh bạ, địa chỉ URL, kích hoạt Bluetooth v.v... Và cũng trong ba năm này không có thêm chiếc điện thoại NFC nào. Sang năm 2010, Nexus S của Google trở thành chiếc điện thoại thứ hai và là chiếc smartphone Android đầu tiên hỗ trợ NFC. Một năm sau đó, Google đã đưa công nghệ NFC lên một tầm cao mới khi cho phép chúng có thể chia sẻ được cả ứng dụng, video và game trên điện thoại.
Đến nay, NFC đã được trang bị cho khá nhiều dòng smartphone khác nhau, chạy trên các hệ điều hành khác nhau. Đáng chú ý là dòng iPhone hiện tại chưa hỗ trợ NFC ngay cả với thế hệ máy mới nhất là iPhone 5. Điều này cũng khiến nhiều người dùng thất vọng khi Apple đang tỏ ra “một mình chơi một kiểu”.
Dùng để thanh toán
Các thiết bị NFC có thể sử dụng trong các hệ thống thanh toán tương tự như thẻ tín dụng và các loại thẻ thông minh điện tử khác. Google hiện đang chạy một ứng dụng có tên Google Wallet cho phép người dùng có thể lưu trữ thông tin thẻ tín dụng và các thông tin thẻ khác dưới dạng ví tiền ảo rồi sau đó sử dụng thiết bị hỗ trợ NFC để đọc và thực hiện thanh toán. Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia khác như Đức, Áo, Phần Lan, New Zealand, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thử nghiệm hệ thống vé NFC cho giao thông công cộng. Và trên thực tế, một số thành phố như Nice, Pháp đã cho người dùng trả tiền xe bus, tàu điện ngầm hay xe điện qua điện thoại NFC.
Ngoài các nước quốc gia kể trên, NFC còn được ứng dụng ở nhiều nước khác như: Pháp, Hungary, Ai Len, Hà Lan, Ba Lan, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh. Tại châu Phi, công nghệ NFC cũng đang được thử nghiệm trên 15 quốc gia, đáng chú ý là Lybia và Nam Phi. Còn tại Bắc Mỹ, NFC đang được triển khai tại Canada với dịch vụ ví điện tử (mobile wallet) do 3 nhà mạng Bell Mobility, Rogers và Telus cung cấp. Riêng tại Mỹ Latin, chỉ mới có Brazil là áp dụng hình thức thanh toán qua điện thoại với NFC. Tại châu Á và châu Đại Dương, các quốc gia đang thử nghiệm và triển khai NFC bao gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Sri Lanka và Thái Lan.
Một điểm đáng chú ý là thanh toán di động bằng NFC được triển khai sớm tại Nhật. Chiếc điện thoại đầu tiên hỗ trợ NFC để thanh toán ra động đã được ra đời ở đây. Cho tới nay nước này đã có khoảng 100 triệu người đăng ký dịch vụ thanh toán di động qua công nghệ NFC. Nhật Bản sử dụng một công nghệ có tên "FeliCaoh yeah", tuy là công nghệ riêng nhưng nó cũng được xây dựng trên nền của NFC, và nước nay đang cố gắng tiêu chuẩn hóa công nghệ để phù hợp hơn với thế giới.
Ứng dụng rộng rãi
Ngoài việc được ứng dụng cho hệ thống thống vận chuyển công cộng, NFC còn được dùng để mua vé, từ vé phim, vé ca nhạc, vé vào sân vận động đến làm thủ tục ở sân bay. Công nghệ này còn thay thế cho chìa khóa. Bạn chỉ cần dí chiếc điện thoại hỗ trợ NFC vào bộ đọc tín hiệu ở cửa là có thể mở cửa nhà, văn phòng hay khách sạn, hay thậm chí là khởi động xe hơi. Ngoài ra, NFC còn giúp người dùng so sánh sản phẩm khi mua sắm, hoặc check-in và đánh giá về một địa điểm định tới nào đó. NFC còn là công cụ hữu hiệu phân biệt hàng thật hàng giả với điều kiện hàng hóa phải được nhúng sẵn chip NFC. Khi đó, bạn chỉ cần đưa chiếc điện thoại lại gần làxác định ngay được món đồ muốn mua là “xịn” hay “rởm”.
Để theo kịp xu hướng “thời đại”, NFC cũng phát triển theo hướng hỗ trợ tốt hơn cho các dạng kết nối xã hội chẳng hạn như chia sẻ danh sách liên lạc, ảnh, video, tệp tin hoặc hỗ trợ chơi game nhiều người cùng lúc. Một cách cụ thể hơn, bạn chỉ cần chạm 2 thiết bị hỗ trợ NFC với nhau là đã có thể ngay lập tức chia sẻ được danh bạ, bài hát, video, ứng dụng, địa chỉ URL, hoặc có thể kết nối với loa ngoài mà không cần dây nối. Việc chơi game trên di động cũng dễ dàng hơn với việc hỗ trợ 2 hai nhiều thiết bị cùng chơi game, đặc biệt là đối với các game đối kháng hoặc đua xe.
Tuy tiện dụng và được ứng dụng rộng rãi nhưng NFC lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là nguy cơ bị nghe trộm, thay đổi dữ liệu và nguy cơ thất lạc dẫn tới tình trạng thông tin người dùng bị lợi dụng cho mục đích xấu.
Gia Nguyễn