Loship huy động được thêm 12 triệu USD tiền tài trợ trước Series C

16:04, 06/08/2021

Loship - nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) giao hàng theo yêu cầu của Việt Nam vừa huy động được thêm 12 triệu USD tiền tài trợ trước Series C, nâng mức định giá lên 100 triệu USD.

Vòng này do BAce Capital, một quỹ liên doanh do Ant Group hậu thuẫn, và là đơn vị nhận đầu tư trực tiếp từ Sun Hung Kai & Co Limited. BAce Capital là quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên đầu tư vào các công ty đang ở giai đoạn đầu phát triển tại các nền kinh tế mới nổi, tập trung vào Ấn Độ và Đông Nam Á.

Là công ty "cây nhà lá vườn" đã mang lại lợi thế cho Loship - Ảnh 1.

Loship cung cấp dịch vụ giao hàng trong một giờ cho các sản phẩm và dịch vụ, bao gồm thực phẩm, dịch vụ gọi xe, thuốc chữa bệnh, giao vận giặt ủi và vận chuyển B2B.

Được thành lập vào năm 2017, Loship cung cấp dịch vụ giao hàng trong một giờ cho một loạt các sản phẩm và dịch vụ, bao gồm thực phẩm, dịch vụ gọi xe, thuốc chữa bệnh, giao vận giặt ủi và vận chuyển B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp). Công ty này cho biết, họ đang có hơn 70.000 tài xế và 200.000 thương nhân, phục vụ cho khoảng 2 triệu khách hàng tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Biên Hòa.

Vòng gọi vốn mới đã giúp nâng tổng số tiền thu được của Loship lên mức 20 triệu USD. Nguồn vốn trước đó của Loship là từ MetaPlanet Holdings - quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Tallinn, Estonia, được công bố vào tháng 2/2021. Được biết, Loship đang trong quá trình nâng cấp lên Series C (vòng gọi vốn C), dự kiến sẽ đóng cửa vào cuối năm nay và họ đang thực hiện các bước đàm phán trước với các nhà đầu tư. 

Cũng cần phải nói thêm, Series C là bước các nhà đầu tư bơm vốn vào các doanh nghiệp đã thành công với tham vọng nhận lại được gấp đôi số tiền đầu tư. Ở mức độ này công ty nhận đầu tư để mua lại công ty khác, thâu tóm thị trường và mở rộng thị phần, tìm kiếm thêm các nhân sự chủ chốt...

Nguyễn Hoàng Trung, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Loship cho biết, Loship đã tăng thêm một vòng gọi vốn trước Series C vì "có quá nhiều nhà đầu tư tham gia vào vòng Series C của chúng tôi". Do đó, Loship quyết định chia vòng gọi vốn này thành 2 bước, trước Series C và Series C.

Được biết, MetaPlanet Holdings đã trở lại vòng trước Series C, vòng này cũng có sự tham gia của hàng loạt các tên tuổi, bao gồm: Wealth Well, Prism Ventures và SQ Capital Group (SCCG Ventures Asia). Các nhà đầu tư cá nhân bao gồm: cựu Phó Chủ tịch Starbucks Mojtaba Ahkbari; Giám đốc điều hành FNZ APAC Tim Neville; Giám đốc bán hàng toàn cầu của BNP Paribas Ben Fitzpatrick; Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành DASS-Inc Wayne Cowden; Đối tác quản lý EC1 Simon Eglise; Giám đốc Quentin Flannery của Ilwella Pty Ltd; Giám đốc Tập đoàn Prenzler Jonathan Feil; và Giám đốc điều hành iVS Milan Reinartz.

Nguồn vốn mới của Loship sẽ được sử dụng để mở rộng phạm vi kinh doanh sang các địa phương mới và phát triển kinh doanh như giao hàng B2B từ các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống nhỏ cho các cửa hàng bán lẻ, tạp hoá. Là một phần của vòng này, người sáng lập BAce Capital, Benny Chen, cựu CEO của Ant Group Ấn Độ, nơi ông đã đầu tư vào Paytm và Zomato, sẽ tham gia hội đồng quản trị của Loship.

Nguyễn Hoàng Trung cho biết, Loship có "con đường rất rõ ràng để đạt được lợi nhuận". Công ty khởi đầu là một nền tảng đánh giá đồ ăn uống trực tuyến vào năm 2014 trước khi mọi người bắt đầu sử dụng các dịch vụ của công ty để mua và bán hàng hoá.

"Trước đây, mọi người sử dụng ứng dụng Lozi của chúng tôi giống như eBay, nơi họ có thể liệt kê các sản phẩm của mình, mua và bán cho người khác. Tuy nhiên, chúng tôi thực sự không thể biết liệu giao dịch qua Lozi đã hoàn tất hay chưa, đặc biệt là khi bên mua và bán hoàn toàn trò chuyện trực tuyến. Cách tốt nhất để biết chính xác trạng thái của giao dịch là kiểm soát khâu phân phối", Nguyễn Hoàng Trung nói. 

Do đó, công ty đã ra mắt Loship vào cuối năm 2017, bắt đầu với việc giao hàng thực phẩm, và tiếp theo là mở rộng sang các ngành dọc khác. Nguyễn Hoàng Trung giải thích rằng nền tảng của Loship bao gồm: "về cơ bản là vận chuyển bất cứ thứ gì có thể để vừa vặn hoặc được vận chuyển hợp pháp bằng xe máy tại Việt Nam". Điều này có nghĩa là: đồ tạp hóa, thuốc, giặt là, gói hàng, hoa, sản phẩm làm đẹp... và các nguồn cung cấp B2B như nguyên liệu và bao bì thực phẩm...

Những ngành hàng này giúp Loship tách biệt biệt với các đối thủ lớn như Grab và Gojek, ông Nguyễn Hoàng Trung nói. Ông nói thêm, việc trở thành một công ty khởi nghiệp "cây nhà lá vườn" cũng mang lại lợi thế cho Loship.

"Là công ty địa phương duy nhất, chúng tôi hiểu khách hàng địa phương của mình ở mức độ sâu hơn so với các công ty tầm cỡ khu vực. Chúng tôi là người địa phương và chúng tôi có cách chiến thắng của mình. Loship tham gia một cách chiến lược vào các thị trường mới và tương đối sơ khai như các thành phố cấp thấp hơn, phát triển cơ sở dữ liệu khách hàng và sau đó phát triển mọi thứ từ đó".

Kế hoạch của Loship đến cuối năm 2021 là mở rộng thêm hoạt động kinh doanh tới 5 thành phố lớn nữa tại Việt Nam, nâng tổng số thành phố mà công ty đang hoạt động lên con số 10. Sau đó, Loship dự định sẽ ra mắt tại các thành phố cấp 2 và 3 ở Việt Nam, trước khi mở rộng ra khu vực ở Đông Nam Á. (Nguyễn Hoàng Trung mô tả, Lào và Campuchia là "thị trường phải thắng").

Trong một tuyên bố về việc tài trợ, ông Benny Chen, cựu giám đốc điều hành của Ant Group Ấn Độ cho biết, "Loship tạo ra một hệ sinh thái mạnh, giúp tăng giá trị cho các doanh nghiệp nhỏ, khách hàng cũng như những người đi xe. Dưới sự lãnh đạo và kinh doanh của ông Nguyễn Hoàng Trung, chúng tôi đã chứng kiến công ty phát triển hơn rất nhiều trong thời điểm đại dịch Covid-19 bằng cách liên tục mang đến sự đổi mới sản phẩm và dịch vụ cho các thương gia và người dùng của mình".

Theo Loship, được tạo thành bởi đội ngũ người Việt, Loship phục vụ vì người Việt, nhằm thay đổi xã hội Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn. Loship tin còn rất nhiều điều ở Việt Nam mà chính những người trẻ Việt có thể làm, tạo ra thay đổi lớn và tác động lên cuộc sống của người Việt. Dù người dùng có đang ngồi làm việc ở khu Nhà Bè hẻo lánh, hay đang đi học xa ở tận khu Thủ Đức, Loship vẫn sẽ có mặt, giao đồ đến tận tay khách hàng tức thì.

PV (T/h)