Lừa đảo trên Yahoo chat, trò cũ, mánh mới

15:21, 18/03/2012

Yahoo! Messenger thường được gọi với thuật ngữ quen thuộc “Yahoo chat” tiếp tục đóng vai trò là phần mềm chat P2P (PC với PC) phổ biến nhất ở Việt Nam. Trong quá khứ, công cụ chat được nhiều người sử dụng nhất này đã từng bị lợi dụng để phát tán virus gây chấn động cộng đồng công nghệ Việt Nam. Thời gian gần đây, Yahoo chat lại tiếp tục bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi, nhưng lại theo những mánh lới mới.

 

Mạo danh người quen

      


  


Sáng tuần trước, đang ngồi làm việc tại văn phòng, chị Hải – Kế toán của Công ty XNK Hà Nội  nhận được tin nhắn từ nick chat Yahoo của sếp nhờ đi mua giúp cho sếp một thẻ cào điện thoại 500 nghìn để sếp gửi cho bạn đang bị “kẹt” tại cuộc họp. Vét toàn bộ tiền trong ví, chị Hải đi mua thẻ cào và gửi mã số nạp tiền cho sếp theo đúng yêu cầu. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là chỉ ít phút sau, sếp của chị Hải bước vào văn phòng trong khi trước đó nick chat của sếp nói sếp đang nghỉ ốm. Biết bị lừa, chị Hải đã liên lạc với tổng đài của nhà mạng để lấy lại mã thẻ nhưng mọi việc đã quá trễ.

         

Trường hợp của chị Hải không phải là hiếm, cách đây không lâu, cư dân mạng xôn xao về việc một nhóm lừa đảo từ 5-7 người chuyên đi hack nick Yahoo! Messenger của mọi người sau đó sử dụng các nick Yahoo này để liên lạc với người có trong Danh sách bạn bè (Friend List) của nick đó để mượn tiền giải quyết “chuyện gấp”. “Bọn chúng có lúc thì giả mượn tiền để mua bảo vật trong game, có lúc thì mượn tiền để thanh toán mua hàng online và cũng có khi sử dụng để mua thẻ cào điện thoại” – Trí, admin Diễn đàn Tinh tế cho hay.

 

Truyền thông tin lừa


 

Song song với việc lừa nạn nhân cho mượn tiền khi khẩn cấp, những kẻ lừa đảo mới trên Yahoo! Messenger còn có khá nhiều chiêu lừa khác liên quan đến các hoạt động thương mại trực tuyến. Một chiêu lừa mới và đang rất phổ biến là kẻ gian đem rao bán lại món hàng người khác đang bán và làm cò để lấy tiền “hoa hồng” trung gian hoặc đem tiền của người này để đi mua giùm hàng cho người khác rồi chiếm đoạt luôn món hàng ấy và cao chạy xa bay. Nguyên tắc thực hiện khá đơn giản, sau khi chiếm đoạt được nick Yahoo chat của ai, kẻ gian sẽ gửi thông tin đồng loạt về lời rao bán hàng rẻ cho mọi người trong Friend List của tài khoản đó đồng thời yêu cầu nạn nhân tiếp tục truyền đi lời rao. Kết quả là số nạn nhân tiếp tục tăng theo cấp số nhân.

 

 

Cao tay hơn, nhiều tên lừa đảo thậm chí còn đem hàng giả lên mạng để rao bán, chúng tự mình lập ra cả trăm nick rồi chấm điểm 5 sao cho chính mình để nâng uy tín của mình lên nhiều lần và dụ được khá nhiều người vào để cho chúng lừa bên cạnh việc tận dụng các chiêu “truyền thông tin lừa” thông qua các nick chat trên Yahoo! Messenger. Các website mua bán trực tuyến dường như luôn gồng mình trong việc chạy đua đi tìm, phát hiện và công bố số điện thoại của những kẻ lừa đảo này trong khi chúng ung dung thay số khác và đi lừa tiếp, cũng ngay trong website ấy.


Với nhiều nhà phát triển và cung cấp các dịch vụ game, kẻ gian thậm chí còn lập mưu hack nick Yahoo của bạn bè nhằm lừa đảo người khác nạp tiền vào game để chúng đi mua vũ khí, mua “đồ chơi” hoặc gạt người khác nhắn tin vào trong tài khoản của mình để có thêm điểm nhằm mua những vật phẩm khác trong game để tăng sức mạnh cho nhân vật đang chơi.

 

Hãy tự cứu mình

 




Theo một chuyên gia, mặc dù Việt Nam đã ra các Bộ luật cụ thể về thương mại điện tử lẫn các Điều luật về kinh tế, giao dịch dân sự để điều chỉnh các hành vi của mọi người tham gia hoạt động kinh doanh nhưng về cơ bản, các vi phạm vẫn còn rất nhiều. “Vấn đề quan trọng là người tiêu dùng vẫn chưa ý thức được việc phải tự bảo vệ mình trong các giao dịch. Khá nhiều người vẫn còn tin tưởng nhiều vào những đối tượng mình trao đổi trên mạng và vì thế, rất dễ bị mắc lừa. Bên cạnh đó, với tích cách cả nể của người Việt, khi kẻ gian vào vai bề trên của nạn nhân, mặc dù rất nghi ngờ nhưng vì sợ bị đụng chạm nên không ít người đã nhắm mắt làm theo các yêu cầu của kẻ gian”, vị chuyên gia này cho biết.

 

Bên cạnh đó, nhiều công ty dường như lại tiếp tục bao che cho các hoạt động lừa đảo này bằng những mánh khóe khá thô thiển. “Các công ty game khi bị phản ánh về trường hợp một tài khoản game nào đó lừa đảo để lợi dụng người khác nạp tiền cho tài khoản ấy đã tìm mọi cách để thoái thác nghĩa vụ trả lại tiền cho nạn nhân bằng nhiều cách khác nhau”, anh Long – admin một diễn đàn game cho biết. “Điều này khiến cho kẻ gian có thêm động lực để tiếp tục làm chuyện xấu mà không lo bị trừng phạt. Như vậy, trong các vụ lừa đảo này, nạn nhân mất tiền, kẻ lừa đảo có thêm các món đồ ảo trong khi các công ty game lại có được những món tiền thật do lừa đảo mang lại”.

 

 
Như vậy, cách tốt nhất để tránh bị lừa là khi có ai đó nhờ bạn dùng tiền của chính bạn để giúp họ làm gì đó, bạn nên điện thoại trực tiếp cho người ấy để hỏi lại sự việc. Chỉ mất vài giây kiểm tra để xác nhận sự trung thực và không mất tiền oan hay truy cập vào trang web vn.safely.yahoo.com tham khảo và học tập một số cách ngăn ngừa các mối nguy hiểm trực tuyến.

 

Thi Hà