Máy tính Thánh Gióng vận động cùng bước chuyển mình trong kỷ nguyên số

09:01, 04/11/2024

Hành trình 20 năm hình thành và phát triển của Máy Tính Thánh Gióng chất chứa biết bao kinh nghiệm về khởi nghiệp, sự thay đổi, nắm bắt xu thế của thời đại công nghệ số để phát triển kinh tế và phụng sự xã hội.

Khởi nguồn từ “một triệu máy tính”

Ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Máy tính Thánh Gióng cho hay, khởi nguồn của Máy tính Thánh Gióng bắt đầu từ năm 2004, gắn liền với Chương trình Máy tính Thánh Gióng. Đây là chương trình phổ cập tin học cho tất cả thanh thiếu niên trên mọi miền đất nước được tiếp cận với công nghệ thông tin thông qua 2 nền tảng: Tiếp cận tư liệu sản xuất thông qua Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trên website thanhgiong.vn; Tiếp cận các thiết bị máy tinh, thiết bị đầu cuối qua website thanhgiong.com.vn. Năm 2005, Máy tính Thánh Gióng ra đời từ đó.

Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và sự đồng hành của các hãng máy tính, giá thành sản phẩm giảm từ 200 – 300 USD/chiếc. Bên cạnh đó, hạ tầng Internet của Việt Nam cũng rất phát triển, giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp dễ dàng sở hữu được chiếc máy tính phục vụ công việc.

Ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Máy tính Thánh Gióng.

Ngay từ khi ra đời, Máy tính Thánh Gióng định hướng sẽ tạo ra thương hiệu máy tính thuần Việt, bán phổ biến trong nước và sẽ đưa sản phẩm ra thế giới. Ông Dương dẫn chứng về các doanh nghiệp đáng học hỏi như: Máy tính Trường Thành của Trung Quốc (chính là Lenovo bây giờ) từng làm thuê cho IBM, sau đó họ mua lại IBM Sever và IBM Thinkpad. Ông chủ của hãng Dell cũng bắt đầu từ nghề làm dịch vụ sửa chữa máy tính và nhận thấy giá thành của sản phẩm quá cao, quyết định sẽ sản xuất ra máy tính bền, đẹp hơn và máy tính Dell ra đời từ đó. “Máy tính Thánh Gióng cũng mong muốn tạo thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam và tương lai có thể vươn ra thế giới”, ông Dương bày tỏ.

Dấu ấn đáng nhớ vào 2014, khi Máy tính Thánh Gióng đã điều chỉnh tăng giá trong khi các hãng khác lại giảm giá thành. Quá trình thay đổi, công ty đã đánh đổi bởi một số khách hàng rời đi. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao và được nhiều người đón nhận. Thậm chí có sản phẩm dùng hơn 10 năm vẫn chưa hỏng.

Ông Dương cho rằng, giá tốt không phải giá thành rẻ nhất mà là chất lượng sản phẩm tốt, phù hợp với “túi tiền” người tiêu dùng. Bởi lẽ máy tính được tích hợp từ 8 – 11 cụm linh kiện, mỗi cụm linh kiện được thiết kế một cách độc lập và phải liền mạch với nhau, chỉ cần một thành phần không đạt thì cả bộ máy đều không tốt.

Bằng những chính sách điều chỉnh hợp lý, công ty đã vượt qua những khó khăn của suy thoái. Giai đoạn năm 2010-2015, doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng, bắt đầu có vị thế trong những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đó, các công ty biết đến và gọi điện đặt mua chiếc máy cho nhân viên ngày càng nhiều hơn.

Sau thời điểm khó khăn, công ty tập trung làm các quy trình, sản phẩm để ổn định tình hình kinh doanh. Theo đó, Máy tính Thánh Gióng đã có đầy đủ các giấy tờ theo Thông tư 38 và Thông tư 40 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đạt Chứng nhận của Viện Năng suất Việt Nam. “Chỉ với 51 cán bộ công nhân viên, chúng tôi có thể đảm bảo được 320.000 bộ máy tính mỗi năm, mỗi tháng khoảng hơn 20 ngàn bộ. Đây là con số mà Viện Năng suất Việt Nam cử đoàn chuyên gia đến làm việc 2-3 tháng để kiểm tra và xác nhận”, ông Dương nói...

Đó là hành lang giúp cho doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn để cung cấp cho các cơ quan nhà nước, các cơ quan có tính đặc thù như: quốc phòng, tòa án, khí tượng thủy văn…

Bước chuyển mình định mệnh

Mặc dù trong giai đoạn từ năm 2012-2015, công ty vẫn giữ đà tăng trưởng ổn định nhờ mảng đấu thầu. Tuy nhiên, nếu chỉ đi đấu thầu đơn thuần sẽ rất khó tăng tưởng mạnh vì có các rào cản như: Mối quan hệ với chủ đầu tư, địa lý hạn hẹp, tính ổn định đầu ra và không đúng với chiến lược từ khi ra đời. Do đó, Máy tính Thánh Gióng nhận thấy đã đến lúc phải thay đổi.

Sau khi nghiên cứu thị trường, công ty quyết định đưa sản phẩm vào siêu thị Pico, Media Mart, Ocean Mart, Điện Máy Xanh… Trái với dự tính, “cuộc đổ bộ” lần này vấp phải rất nhiều trở ngại, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Đơn cử như việc bán hàng cho các siêu thị phải có công nợ 45 – 60 ngày và các nhà cung cấp phải chào giá rất thấp, nên chỉ có doanh nghiệp các hãng lớn có chiến lược bài bản và nguồn lực mạnh thì thắng, còn các doanh nghiệp nhỏ rất khó cạnh tranh. Máy tính Thánh Gióng sớm nhận ra điều đó và phải dừng kênh này.

Sau khi dừng kênh siêu thị, lãnh đạo doanh nghiệp rất trăn trở, chưa tìm ra được sản phẩm. Hơn nữa, việc quản lý điều hành của doanh nghiệp cũng gặp bất ổn, dẫn đến thất thoát. Nhận thức việc quản lý doanh nghiệp còn có quá nhiều vấn đề bất cập nên ban lãnh đạo quyết định dừng lại để đi học. “Có một câu rất hay mà tôi tâm đắc là thành công của bạn tỷ lệ thuận với việc học tập. Đến giờ tôi vẫn thấy câu nói đó rất thấm thía”, ông Lại Hoàng Dương chia sẻ.

Một góc phân xưởng lắp ráp của nhà máy sản xuất Máy tính Thánh Gióng.

Ban lãnh đạo Máy tính Thánh Gióng bắt đầu nghiên cứu và học hỏi để tìm ra định hướng kinh doanh mới. Nhận thức được kinh nghiệm lịch sử rất quý giá, công ty bắt đầu tìm hiểu về lịch sử phát triển của các quốc gia có nền công nghiệp điện tử lớn hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Sau đó, ban lãnh đạo công ty quyết định chọn Nhật Bản theo học vì lịch sử phát triển công ty của các quốc gia này rất đáng khâm phục và con người có sự kiên nhẫn, bền bỉ, chỉn chu nhất. Trong khi đó, Máy tính Thánh Gióng xác định sẽ tập trung vào sản xuất hàng loạt, có chất lượng ổn định và không có sản phẩm loại 2 trong dây chuyền. Do đó, mô hình của Nhật Bản là thích hợp với công ty lúc bấy giờ.

Khi biết phía Nhật Bản có chương trình học trong thời gian 2 năm với chi phí vô cùng thấp, lãnh đạo công ty đã quyết định học theo hình thức học nội địa tại là Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC-HCMC), thuộc Đại học Ngoại Thương. Sau khi học xong sẽ đi thực tập tại Nhật Bản.

Từ khi theo học, Máy tính Thánh Gióng bắt đầu có những khái niệm như “Mini factory in city” (Nhà máy nhỏ trong lòng thành phố); những khái niệm thời gian làm việc theo phút, phải trả lời khách hàng trong bao nhiêu phút…

Sau khi chuyển đổi mô hình sản xuất, Máy tính Thánh Gióng đã trở thành nhà cung cấp cho các công ty trung gian tham gia đấu thầu. Những công ty ngày trước là đối thủ cạnh tranh giờ biến thành khách hàng thân thiết của Máy tính Thánh Gióng. “Biến đối thủ cạnh canh thành khách hàng là minh chứng cho bước chuyển mình mạnh mẽ và thành công của Máy tính Thánh Gióng”, ông Dương cho biết.

Lãnh đạo công ty cho biết, từ khi thành lập, doanh thu Máy tính Thánh Gióng năm nào cũng tăng trưởng từ 10-20%, đến năm 2016-2017 tăng trưởng khoảng 30-40. Từ năm 2018 cho đến trước covid-19 đều tăng 50%, sau covid-19 doanh nghiệp đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu. Từ khi thay đổi chiến lược kinh doanh, doanh thu của công ty đã tăng trưởng mạnh mẽ.

Sản xuất gắn với chuyển đổi số và phụng sự xã hội

Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển. Đó là thời cơ về xã hội khi cả nước chuyển đổi số; Chính phủ đã tạo ra hành lang pháp lý vô cùng thông thoáng để doanh nghiệp phát triển, có nhiều công cụ để kiểm soát sai sót, đảm bảo cho sự cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nước dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Ông Dương cho biết, Thông tư 38 và Thông tư 40 của Bộ Thông tin và Truyền thông là hành lang, cánh cửa để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Cụ thể, các thông tư có yêu cầu như: Máy tính phải đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam, phải có tỷ lệ nội địa hóa Việt Nam, phải có nhà máy tại Việt Nam thì mới dùng tiền ngân sách để mua. Theo đó, các máy tính nhập khẩu không đạt được tiêu chí đó.

Lãnh đạo công ty tự hào, doanh nghiệp là đơn vị cung cấp rất nhiều sản phẩm công nghệ thông tin cho các văn phòng làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt là những sản phẩm đặc thù cho từng đơn vị cụ thể như sản phẩm có tính kháng khuẩn cho các bệnh viện, các sản phẩm cho các trường học (màn hình có công nghệ chống ánh sáng xanh, chống mỏi mắt).

Bên cạnh đó, công ty còn cung cấp các sản phẩm cho các đơn vị Quốc phòng, Khí tượng thủy văn… Sản phẩm mới nhất là máy đo tốc độ bịa bắn điện tử bằng cảm ứng âm thanh. Những máy tính của Thánh Gióng sẽ được đặt để lấy âm thanh từ khi đường đạn bắn ra ở nòng súng tới bia. Qua đó biết rõ điểm bắn của đạn mà không phải kéo bia về kiểm tra.

CEO Máy tính Thánh Gióng nhận Bằng khen của UBND TP. Hà Nội.

Hiện nay, Máy tính đạt tỷ lệ nội địa hóa là 65%. Doanh nghiệp đã sử dụng 2 sản phẩm chính là CPU của hãng Intel sản xuất tại Việt Nam, bo mạch chủ của hãng ASRock sản xuất tại Việt Nam và bàn phím chuột có thể kết hợp với đơn vị thứ ba hoặc tự sản xuất. Công ty chỉ nhập khẩu SSD và và RAM chip nhớ vì đây là mảng công nghệ cao. Tuy nhiên, sản phẩm nhập khẩu phải có nguồn gốc từ các hãng lớn nhưng thông qua nhà phân phối tại Việt Nam. Do đó, 95% thành phần sản phẩm là mua nội địa, 5% thành phần nhập trực tiếp nước ngoài.

Được biết, công ty đang xây dựng thêm nhà máy rộng hơn 6.000 m2 ở Khu Công nghiệp Đồng Văn I mở rộng (Hà Nam) với tổng mức đầu tư khoảng 4-5 triệu USD. Nhà máy sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm thuộc hệ sinh thái của chiếc máy tính như thiết bị hiển thị, sản phẩm đang phải nhập khẩu, liên doanh như bộ nhớ, bộ lưu trữ, các sản phẩm đổi mới sáng tạo như robot, thiết bị IoT.

Máy tính Thánh Gióng đang hướng đến “nền kinh tế tóc bạc”. Theo ước tính, Việt Nam sẽ có khoảng hơn 20 triệu người già vào năm 2035 (khoảng 1/5 dân số). Trong đó, mỗi người già kéo theo 1-2 người chăm sóc. Do đó, việc sản xuất những thiết bị hỗ trợ, giải pháp về công nghệ thông tin sẽ tiết kiệm cho xã hội rất nhiều nguồn nhân lực.

 “Với sự chuyển đổi số như vũ bão bây giờ, chúng tôi cam kết, đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp để cá nhân hóa phục vụ đích danh các đơn vị để giảm thiểu chi phí và vẫn đáp ứng nhu cầu cụ thể của các đơn vị”, vị lãnh đạo của Máy tính Thánh Gióng bày tỏ.

Trăn trở với ngành Công nghệ thông tin, CEO Máy tính Thánh Gióng mong muốn thông qua báo chí, phát động cuộc thi sáng tác bài hát về ngành Công nghệ thông tin để ca ngợi những doanh nhân trong lĩnh vực này.

Về công tác xã hội, Máy tính Thánh Gióng cũng tham gia nhiều chương trình từ thiện, hoạt động khởi nghiệp của các trường đại học. “Ngoài việc kinh doanh phát triển kinh tế, chúng tôi đã trả lại một phần lợi nhuận, trách nhiệm cho xã hội thông qua việc làm thiết thực như Chương trình Máy tính cho em, Chương trình Đổi mới sáng tạo, Chương trình Khoa học sáng tạo…”, ông Dương chia sẻ.

Trong suốt gần 20 năm hình thành và phát triển, Máy Tính Thánh Gióng đã đạt được những thành tựu nhất định. Bên cạnh những giá trị về việc tạo ra kinh tế, công văn việc làm và đóng góp cho xã hội thì doanh nghiệp cũng được xã hội ghi nhận qua nhiều giải thưởng khác nhau.

Trong phong trào thi đua của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội năm 2024, Công ty Cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng đã vinh dự nhận Bằng khen từ Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Giám đốc Lại Hoàng Dương cũng vinh dự được nhận Giải thưởng Top 30 Doanh nhân trẻ Thủ đô Tiêu biểu năm 2024. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng vừa nhận được văn bản của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) thông báo công ty đã đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.