Mẹo cho người đam mê ảnh Panorama

00:00, 17/04/2011

Những bức ảnh siêu rộng Panorama luôn là một phần tất yếu của các tay chơi ảnh. Ngay từ thời kì máy phim thống trị, việc tạo ra những bức ảnh Panorama luôn là thú vui của những tay máy chuyên nghiệp sở hữu các dòng máy đắt tiền hoặc có thời gian để ngồi lì trong phòng tối để nối các hình với nhau nhằm tạo ra những bức ảnh siêu rộng đầy ấn tượng. Tuy nhiên, trong thời đại số hiện nay, việc tạo ra một sản phẩm như thế không còn là việc quá khó khăn nhờ sự hỗ trợ của các phần mềm. Mặc dù vậy, để có một bức hình thực sự đẹp và ấn tượng, bạn cần phải lưu ý một số điều sau đây. Hãy luôn nhớ rằng, máy tính không thể sửa tất cả mọi thứ đâu nhé !


 

1. Luôn tận dụng chế độ chụp Panorama của máy ảnh nếu có

 Nếu chiếc máy ảnh của bạn được sản xuất trong khoảng 1-2 năm trở lại đây (đặc biệt là dòng PnS du lịch) thì nhiều khả năng nó có sẵn chức năng hỗ trợ chụp Panorama. Chế độ này thường gồm một số “món” cơ bản như hiển thị bức ảnh chụp trước đó để giúp bạn tiện căn chỉnh bức tiếp theo, điều chỉnh máy ảnh để không thay đổi các thông số đo sáng và cân bằng trắng trong các kiểu ảnh (khác với thông thường) nhằm tạo ra độ sáng đồng đều cho phép ghép ảnh dễ dàng hơn. Để chọn chế độ chụp Panorama, thường bạn sẽ phải sử dụng bảng điều khiển Mode của máy hoặc bánh xe cuộn tùy theo dòng máy đang sử dụng.

2. Luôn luôn duy trì một khoảng lặp hình vừa đủ

 Các khoảng lặp trong mỗi bức ảnh đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra một tác phẩm Panorama hoàn hảo. Chỉ một khoảng thiếu sẽ khiến cho ảnh bị trống. Hãy tưởng tượng một dòng sông chảy dài theo triền núi nhưng lại bị… trống một khoảng giữa – điều này rõ ràng thật kì cục phải không nào. Điều thú vị là những khoảng trùng giữa ảnh thậm chí còn giúp tăng chất lượng các “điểm nối” và cho phép phần mềm nối ảnh Panorama hoạt động chuẩn hơn. Một số ý kiến cho rằng ảnh nên có khoảng trùng từ 20-30% để đạt hiệu quả cao nhất.

3. Đảm bảo vị trí ổn định cho máy ảnh

 Việc đảm bảo vị trí cho máy ảnh cực kì quan trọng – đặc biệt nếu bạn dự định chụp nhiều ảnh thành phần. Thực tế nếu tác phẩm Panorama của bạn chỉ khoảng 3-5 hình ghép lại thì điều này có thể không quá ảnh hưởng nhưng với 10-40 hình, nó sẽ là điều không thể không quan tâm. Hãy hình dung một cách đơn giản như sau: ống kính máy ảnh là một gương tròn, khi đặt ở phương ngang tuyệt đối, toàn bộ khung cảnh sẽ được thu vào cảm biến một cách hoàn hảo. Tuy nhiên nếu bạn hướng máy xuống dưới (khoảng 45 độ) thì những cảnh xa gần sẽ trở nên lẫn lộn và có độ rõ nét rất khác nhau. Với một ảnh đơn, bạn sẽ không cảm thấy ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên với ảnh Panorama sau khi được ghép sẽ thành một dải ảnh cầu như hình nan quạt rất khó để sửa ngay cả với những phần mềm xử lý ảnh mạnh nhất. Nói một cách khác, nếu định ghép nhiều ảnh, bạn nên sử dụng tripod hoặc ít nhất là kê máy lên đâu đó và đảm bảo ống kính không bị thay đổi hướng theo chiều vuông góc với hướng chụp (nếu chụp Panorama ngang, hãy đảm bảo phương ngang của ống kính là không đổi).

4. Cẩn trọng với mức đo sáng

 Thông thường, những người mới đến với phương thức chụp Panorama trên DSLR sẽ gặp phải vấn đề khá rắc rối đối với chế độ đo sáng. Điều này sẽ càng rõ rệt nếu bạn sử dụng DSLR hoặc các dòng máy không hỗ trợ Panorama khác. Thông thường, hãy thiết lập Metering ở Manual để tránh hiện tượng hình tạo ra chỗ sáng chỗ tối lẫn lộn (như bên dưới).

Trong trường hợp không chắc chắn lắm, bạn có thể chụp RAW rồi sử dụng các ứng dụng biên tập như Lightroom để chỉnh lại độ sáng sao cho phù hợp về sau. Tuy nhiên đây chỉ là phương thức cứu chữa, cách tốt nhất vẫn là có sự phòng bị. Hãy nghiên cứu các thông số chụp Manual và sử dụng thuần thục nếu bạn muốn có kết quả tốt nhất. Một thủ thuật đáng lưu ý là hãy chụp thử vài kiểu để chọn ra độ sáng phù hợp nhất (thường là duy trì được nhiều nhất các chi tiết hình) rồi ghi chú lại thông số ISO, tốc độ đóng cửa trập (Shutter speed) và độ mở ống kính (Aperture) mà máy ảnh tự động chọn. Sau đó bạn chuyển qua chế độ chụp Manual rồi thiết lập đúng các số liệu này và tiến hành chụp.

5. Lưu ý những vật thể di chuyển

 Những vật thể di chuyển (động vật, con người, cây cối bị gió thổi, xe cộ…) có thể khiến bức hình Panorama của bạn trở nên … hỏng bét. Trước hết, những hình lệch nhau sẽ khiến máy tính bị lẫn lộn và không thể ghép các phần liền một cách chính xác. Ngoài ra, nó cũng sẽ tạo ra những điểm ảnh kì lạ trên hình như người chỉ có một nửa thân (hoặc xuất hiện nhiều lần), bóng mờ của vật thể và làm hỏng kiệt tác của bạn. Trong trường hợp những chuyển động là không thể tránh khỏi (ví dụ như khi bạn chụp một con đường đông người qua lại), hãy cố gắng hoàn tất việc chụp càng nhanh càng tốt.


 

6. Coi chừng những loại ống kính siêu rộng

 Hầu hết các loại ống kính góc rộng và siêu rộng (điển hình trong khoảng tiêu cự 10-24mm thường có hiện tượng méo hình nhẹ. Mặc dù trong một ảnh chúng không gây rắc rối nhiều (trừ khi bạn chụp kiến trúc) nhưng với Panorama, khi các đường thẳng trong mỗi ảnh thành phần bị uống cong, bức hình ghép cuối trông sẽ rất kì dị. Nói một cách khác, một ống kính góc rộng chưa hẳn đã là lựa chọn tốt nhất cho Panorama. Thay vào đó, với các ống ~50mm, bạn sẽ có kết quả tốt hơn – đặc biệt là khi bạn chụp nhiều lượt trong đó có thêm các cảnh trùng nhau. Bản thân các ứng dụng ghép hình như Photoshop cũng có khả năng khắc phục hiện tượng này nhưng nếu ảnh gốc bạn chụp tốt, ảnh Panorama kết quả hiển nhiên sẽ đẹp và chuẩn hơn.

8. Panorama không chỉ là chụp theo phương ngang

 Thực tế khi nghĩ tới Panorama, đại đa số mọi người sẽ thường chỉ hình dung ngay ra những bức hình có chiều ngang lớn. Tuy nhiên thực tế Panorama không chỉ giới hạn như vậy. Những tác phẩm theo chiều dọc hoặc thậm chí là đường chéo cũng hết sức thông dụng. Hãy thử hình dung bạn chụp một ngọn cây hay thác nước cao hàng chục mét hoặc một cao ốc chọc trời. Trong những tình huống như vậy, Panorama dọc sẽ là lựa chọn cần thiết.

Hoàng Hà