Microsoft và IOM khởi động dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận đào tạo kỹ năng số cho lao động trẻ tại Việt Nam”

12:42, 05/04/2021

Tập đoàn Microsoft và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam vừa chính thức khởi động dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận đào tạo kỹ năng số cho lao động trẻ tại Việt Nam” (2020-2021). Đây là dự án hợp tác nằm trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Đào tạo Kỹ năng Toàn cầu (GSI) của Microsoft khởi xướng từ năm 2020 với mục đích giải quyết những thách thức ngày càng tăng về tình trạng việc làm do tác động của đại dịch COVID-19.

Trong giai đoạn thí điểm, dự án sẽ xây dựng một nền tảng học trực tuyến các kỹ năng số  nhằm tạo cơ hội học tập, tiếp thu những kỹ năng số cơ bản, cần thiết phục vụ cho công việc và tiếp cận vào xã hội số cho khoảng 3.000 lao động di cư làm việc trong các khu công nghiệp, chế xuất cũng như sinh viên học nghề tại ba tỉnh thành: Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự cần thiết phải phát triển các kỹ năng số để xây dựng khả năng chống chịu với các cú sốc kinh tế và xã hội, đặc biệt là khi các quốc gia phải đối mặt với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh đó, lao động trẻ Việt Nam bao gồm cả những người lao động đã, đang và sẽ di cư phải được trang bị những kỹ năng cần thiết giúp họ đủ vững vàng và đủ cạnh trạnh để vươn lên trong thế giới hậu COVID.


Chính phủ Việt Nam chú trọng vào đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam, điều này thể hiện rõ qua các chính sách trọng điểm liên quan đến phát triển kỹ năng số. Nghị quyết 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 và Quyết định số 749/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số” trong đó đề cao tầm quan trọng của việc  đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động và toàn dân. Chính phủ kêu gọi các cơ quan và các bên liên quan cùng hợp tác để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện chuyển đổi số trên toàn quốc.

Phát biểu trong buổi lễ dưới sự có mặt của các đại biểu đại diện cơ quan chính phủ, các trường cao đẳng, khối doanh nghiệp và các đối tác khác, bà Mihyung PARK - Trưởng phái đoàn IOM Việt Nam nhấn mạnh: “Các kỹ năng số cơ bản là những kỹ năng cần thiết trong xã hội hiện đại. Trong bối cảnh này, nếu những người lao động không được dễ dàng tiếp cận những cơ hội nâng cao kỹ năng này, rất có thể họ sẽ bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, kỹ năng số còn là kỹ năng cần thiết để kiến tạo cuộc sống khỏe mạnh, thư thái và bình an cho người di cư vì kỹ năng đó giúp họ hòa nhập tốt trong cộng đồng mới”.

Bà Phan Tú Quyên, Giám đốc Marketing và Vận hành của Microsoft Việt Nam, cho biết: “Năm 2020, thế giới đã đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó phải kể đến đại dịch COVID-19 đã gây ra số lượng người thất nghiệp nhiều hơn những gì Cuộc Đại Khủng hoảng đã tạo ra trước đây.

Đứng trước thực trạng này, chúng ta cần phải trang bị những kỹ năng mới phù hợp với nền kinh tế số, để có thể tìm kiếm việc làm hay thậm chí là để duy trì công việc hiện tại. Nền kinh tế chỉ có thể phục hồi một cách toàn diện khi những người bị mất việc làm được tạo cơ hội tiếp cận học hỏi những kỹ năng số. Họ chính là những người có thu nhập thấp, phụ nữ và những nhóm thiểu số trong xã hội.”

Trên tinh thần của sự hợp tác, ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh rằng, “Chúng tôi nhận thức rất rõ tầm quan trọng của vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp thời gian tới và đang từng bước chuẩn bị cho quá trình đó.

Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực khá mới mẻ và khó khăn, đặc biệt với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Do đó, chúng tôi cần có sự đồng hành, chia sẻ của các đối tác quốc tế, các tập đoàn về công nghệ để gấp rút hoàn thiện khung pháp lý, chính sách và thúc đẩy triển khai các hoạt động nâng cao năng lực và ứng dụng chuyển đổi số trong toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp, từ cấp quản lý đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.”

Thanh Tùng (T/h)