Mobile của người khiếm thị

10:51, 31/10/2005

Khi biết tôi có ý định phỏng vấn những người khiếm thị với chiếc mobile của họ, nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên hỏi: "Họ làm sao mà biết trả lời?". Câu trả lời nằm ở trung tâm bàn phím, phím số 5. Không để ý hoặc không biết và cũng ít ai thắc mắc vì sao phím số 5 được thiết kế có nốt sần, tương tự như hai phím Fvà J trên bàn phím máy tính. Với những người mù, số 5 trên mobile là một "cứu cánh", giúp họ có thể nhận biết vị trí của các phím khác. "Mỗi sáng nuôi di động bằng một bát bún" Đó là lời mở đầu câu chuyện với chúng tôi tại Trung tâm xoa bóp của Hội người mù quận Tây Hồ của anh Nguyễn Huy Việt. Anh Việt bắt đầu dùng di động từ hơn 2 năm trước, vào quãng thời gian trung tâm mới mở cừa, với chiếc Samsung R220 đã cũ mua lại của người quen. "Có chiếc di động này, làm việc gì cũng tiện hơn", anh Việt kể. "Lúc đầu, tôi cứ nhủ, mỗi buổi sáng nuôi di động bằng một bát bún. Nhưng rồi giá cả mọi thứ đều tăng lên nên cước phí hàng tháng cũng tăng lên theo. Có lần tôi gọi nói chuyện với bạn tới hơn 4 tiếng đồng hồ, cuối tháng nhận hoá đơn thanh toán toát cả mồ hôi...". Nhiều khách tự tìm đến trung tâm, những cũng có những người ở xa hoặc sức khoẻ không tốt, phải gọi nhân viên tới nhà. Chính vì thế, có tới 50% các anh chị ở trung tâm này sử dụng di động. Anh Hiệp kể: "Không tìm được nhà khách hàng, tôi có thể gọi điện thoại để họ chỉ dẫn. Khi có việc gì đột xuất, chúng tôi dùng mobile, khỏi phải nhờ điện thoại của khách hàng, phiền phức". Vừa làm việc ở trung tâm Việt còn là sinh viên K48 Báo chí trường ĐHXHNV Hà Nội. "Trên giảng đường mình thường để rung, cũng có khi lén lút nghe trong giờ, hoặc là để cuộc gọi lỡ rồi lát sau nhờ bạn bè tra lại. Đọc tin nhắn thì khó hơn cả, nhưng sinh viên mà, cũng hay trao đổi qua tin nhắn. Mình lại phải nhờ người quen xem giúp. Tiếc nhất là không được hưởng niềm vui lần đầu tiên được một mình đọc tin nhắn của bạn gái thôi". Nhờ Việt và một số anh chị trong trung tâm giúp đỡ, em Thái Quốc Toản - 20 tuổi cũng sử dụng di động thạo từ hơn 1 năm nay. "Dùng di động để cho gia đình liên lạc, dùng cho công việc và bạn bè nữa", Toản tâm sự về lợi ích khi nhận chiếc máy, quà tặng của người chú. Trước khi làm ở trung tâm, Toản học ở trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu và em chơi organ rất hay. Toản kể: "Sau khi em ra trường rồi đi làm, có số di động của em, các bạn bè, người quen ở trường cũ vẫn liên lạc, giới thiệu em đi biểu diễn. Lúc đầu dùng khó lắm, nhưng rồi sau cũng nhớ được". Cũng cố tìm cách "nuôi" di động nhưng nhiều khi không dễ trong hoàn cảnh của người khiếm thị, bạn Thái Quốc Linh ở cơ sở tẩm quất của người mù mang tên Hoàng Kim ở Liễu Giai, Ba Đình, HN đã có lúc phải bán đi. "Chiếc di động có thể được ví như "cần câu cơm" của bọn em nhưng nhiều khi cũng không có đủ tiền mà trang trải", Lĩnh kể. Lĩnh sử dụng di động được hơn 2 năm, chủ yếu là để nghe. Nhờ có số 5 trên bàn phím, Lĩnh không thấy sử dụng bàn phím là khó. Vấn đề của Lĩnh là các phần mềm tiện ích. "Phần mềm tiếng Việt thì em có thể nhờ bạn bè xem và giải thích giúp cách dùng. Nhưng phần mềm tiếng Anh thì nhiều khi người mình nhờ xem họ lại không biết, nên mình cũng khó biết cách dùng". Giống như Việt, Lĩnh cũng đang là sinh viên năm cuối của khoa Tâm lý, trườg KHXHNV Hà Nội. Lĩnh nói vui: "Nhiều khi dùng di động cũng để "oai" nữa, với người thường đã thế, với những người như tụi em thì nó còn có ý nghĩa hơn nhiều". Và "đã nghe nhạc là phải câm" Để hiểu câu nói ưa thích này của nghệ sĩ guitar Văn Vượng, bạn nên dự một buổi biểu diễn của ông thì sẽ hiểu nó có ý nghĩa như thế nào. Trước mỗi buổi diễn, bao giờ ông cũng yâu cầu những khán giả tắt di động mà ông là người làm gương trước. Bị hỏng mắt từ năm 4 tuổi, đến năm 8 tuổi, Văn Vượng lần đầu học guitar, tới nay đã 55 gắn bó với cây đàn. Người thường học đã khó, nói gì đến người khiếm thị. Vậy mà tới nay, ông đã chuyển soạn hàng ngàn ca khúc; ra 3 CD. CD gần nhất mới phát hành trong tháng 10 này với tên Hà Nội trong mắt ai - cũng là bản nhạc của ông sáng tác cho một bộ phim cùng tên. Lúc biểu diễn thì nghiêm túc như vậy, nhưng trong đời sống, Văn Vượng là một người lạc quan, hài hước. Ông nói: "Nhiều khi biểu diễn mình cũng chẳng yêu cầu tắt di động đâu. Mình cũng hiểu tụi trẻ nó yêu đương, không có chỗ hẹn hò, thì vào chỗ này, chỗ kia để nói chuyện, làm sao mà cản được". Là một người khiếm thị, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng lúc nào xung quanh Văn Vượng cũng có những người bạn. Ông nói: "Mình có 3 số điện thoại, 2 số cố định, một số di động; như vậy người bạn nào gọi mình cũng có thể tiếp chuyện". Chiếc di động đầu tiên Văn Vượng dùng năm 1997 cũng là một người bạn tặng. "Ông ấy bảo, cậu liên lạc khó khăn, để tớ mua tặng cậu cái di động; tớ tình nguyện trả tiền thuê bao tháng luôn. Lúc đó mình cũng sợ tốn tiền, nhưng bạn đã tăng, chẳng lẽ lại từ chối. Rồi bảo: "Thôi, cậu đã tặng tớ cái máy rồi thì để tớ tự trả tiền thuê bao". Văn Vượng vẫn nhớ đó là một cái Sony Ericsson, hơi khó dùng. Sau dùng mãi, một người bạn khác lại "gạ" tặng cho một chiếc Nokia. Văn Vượng đã tặng lại chiếc Sony Ericsson kia cho một người bạn khác. Cuộc sống đỡ khó khăn hơn cũng là lúc nghệ sĩ ưu tú Văn Vượng nghĩ tới cách giúp lại những người khác. "Mình mê làm từ thiện lắm", ông kể. "Mình hay gừi quần áo cho các trẻ em, sách vở, rồi lần nghe cây đàn guitar một dây hay quá, mình đã nhờ chuyển 200 bộ dây đàn cho các chiến sĩ ở đảo Trường Sa". Đi làm từ thiện, tự mình đến "gõ cừa" nhiều cơ quan đặt vấn đề biểu diễn phục vụ cộng đồng, nếu không có chiếc di động thì nhiều lần Văn Vượng đã gặp phải những chuyện không hay. "Nhiều khi vào cơ quan này nọ, thường trực không biết nên không cho vào. Đành gọi điện cho người mời. Có chiếc mobile, công việc liên hệ biểu diễn củ mình dễ dàng hơn bao nhiêu". Những "nhân vật" xuất hiện trong 2 kỳ phóng sự vừa qua mới chỉ là số nhỏ trong cộng đồng những người khiếm thính, khiếm thị đang gặp phải nhiều khó khăn trong đó có cả việc liên lạc. Nhờ sự hỗ trợ của những phương tiện thông tin liên lạc mới như điện thoại di động, cuộc sống của họ đã cải thiện rất nhiều. Dẫu không bằng tai, bằng mắt, nhưng những chiếc máy ấy cũng giúp họ hoà nhập được với cuộc sống, như những người may mắn hơn. Điệp Giang (Theo Echip M!)
TIN LIÊN QUAN