Mỹ - TQ đắc lợi từ khủng hoảng Ukraine
Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng tồi tệ ở Ukraine hiện nay gây bất lợi cho nhiều quốc gia, nhưng một vài nước lại được hưởng lợi.
- Thỏa thuận ngừng bắn ở Đông Ukraine có dẫn tới hòa bình?
- Nga đang tạo "vùng đệm" ở phía Đông Ukraine
- Sau Crimea, miền Đông Ukraine là mục tiêu của Nga?
- Liệu miền Đông Ukraine có là một Crimea thứ 2?
- Nga đang “làm chủ cuộc chơi” ở Ukraine?
- Ukraine: “Một Syria” trong lòng châu Âu
- Ukraine đang “căng như dây đàn”
- Nga lại xâm phạm biên giới Ukraine?
- Những sản phẩm số tiêu biểu năm 2007
Mỹ hưởng lợi đầu tiên
Ngày hôm qua (6/9), trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Nước Nga 1, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố tình trạng bất ổn ở Ukraine đang gây nguy hiểm cho chính nước này lẫn các nước láng giềng như Nga và Belarus. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, tình huống như vậy lại có lợi cho Mỹ, trang VietnamPlus cho biết.
d
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chứng kiến việc ký kết hợp đồng giao dịch dầu khí lịch sử giữa hai nước hồi tháng 5.
Theo Tổng thống Lukashenko, tình trạng bất ổn ở Ukraine đã “tạo ra một cái hố hình phễu khổng lồ và những dòng xoáy của nó cuốn theo cả Nga lẫn chúng tôi (Belarus).” Và ông nhấn mạnh: “Đó là ‘chú Sam’ (tức Mỹ-PV) ở phía bên kia đại dương, liên tục xô đẩy chúng ta vào cuộc xung đột đẫm máu này. Chúng ta cần phải tránh xa hố sâu đó, vì người Mỹ sẽ không chiến đấu tại đây. Họ chỉ muốn mượn bàn tay của chúng ta để tiêu diệt chính người của chúng ta mà thôi”.
Theo giới phân tích, Mỹ là nước bị mất ít nhất trong ngắn hạn, nhưng lại là nước thu lợi nhiều nhất trong dài hạn. Washington đã cam kết gói viện trợ 1 tỉ USD cho chính quyền Ukraine. Và dường như, đó cũng là tất cả những gì mà Mỹ sẽ làm trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11 tới. Giữa lằn ranh mong manh về biện pháp cứng rắn - mềm dẻo cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhiều khả năng chính quyền của Obama sẽ chọn lựa cách “đi hàng giữa”.
Còn dưới góc độ kinh tế, việc Mỹ “xúi” EU giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ Nga và hứa sẽ bù đắp bằng nguồn xuất khẩu từ Mỹ là một “bước tính mưu mẹo”. Mỹ hiện dư thừa khí đốt nhờ công nghệ khai thác khí đá phiến và khai thác mỏ mới. Sự dư thừa này đã làm giá khí đốt ở Mỹ giảm, và đi cùng là sự tụt giảm lợi nhuận của các hãng khai thác. Xuất khẩu được khí đốt sang châu Âu sẽ là một mũi tên trúng 2 đích: Đích thứ Nhất, giá khí gas và lợi nhuận ở Mỹ sẽ tăng cùng với khoản lời thu được từ thị trường nước ngoài. Điểm mấu chốt hiện nay chính là luật chưa cho phép xuất khẩu, nhưng đó không phải là rào cản quá lớn, vì luật là do con người tạo ra. Đích thứ Hai là về thương mại. Rạn nứt trong quan hệ kinh tế Nga – EU sẽ là cơ hội để Mỹ gia tăng thị phần xuất khẩu tại EU, mà ở đó các tổ hợp quân sự sẽ là người hưởng lợi đầu tiên.
TQ cũng “đắc lợi”
Trong lúc châu Âu, Mỹ đang “mải mê” đấu với Nga cả về chính trị lẫn kinh tế xoay quanh khủng hoảng ở Ukraine, còn Bắc Kinh cứ “tọa sơn quan hổ đấu” và thu về nhiều lợi lộc nhờ khéo léo tận dụng tình hình, trang Vnexpress cho biết.
Trung Quốc có vẻ là nước giành được chiến thắng lớn từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine, khi quan hệ giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chuyển dần từ xấu sang cực kỳ tồi tệ. Martha Brill Olcott, giáo sư lâu năm nghiên cứu quan hệ chính trị giữa Nga và Trung Á nhận định: "Trung Quốc chắc chắn sẽ hưởng lợi".
Ngay trong lúc các nhà lãnh đạo phương Tây ra tối hậu thư cho Nga với thời hạn 7 ngày, để Nga thay đổi chính sách với Ukraine, nếu không sẽ có những hành động trừng phạt tiếp về kinh tế đối với Nga thì gần như đồng thời, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dự lễ khởi công xây dựng đường ống dẫn dầu lớn hàng đầu thế giới từ Nga sang Trung Quốc tại Đông Siberia.
"Nhìn chung, chúng tôi rất thận trọng cân nhắc việc cho phép đối tác nước ngoài tham gia các dự án dầu mỏ của mình, tuy nhiên đối với người bạn Trung Quốc chắc chắn sẽ không có giới hạn nào", FT dẫn lời phát biểu của ông Putin trong buổi lễ.
Do khủng hoảng ở Ukraine, dòng năng lượng khí đốt của Nga sang EU bị sụt giảm, buộc Nga phải chuyển hướng cung. Nhờ vậy, Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận khổng lồ về giao dịch dầu khí, vốn bị trì hoãn từ lâu vì vấn đề giá khí đốt với Gazprom, công ty khai thác khí thiên nhiên và năng lượng lớn nhất nước Nga. Với bản hợp đồng này, Gazprom đã phải ký bản hợp đồng kéo dài 30 năm trị giá khoảng 400 tỷ USD với Trung Quốc hồi tháng 5 sau gần một thập kỷ nắm những lợi thế về thương thảo. Bản hợp đồng ràng buộc hai quốc gia vào mối quan hệ đối tác lâu dài và giúp giảm phụ thuộc của Nga với thị trường khí đốt châu Âu.
Theo Malcolm Graham-Wood, chuyên gia tư vấn của công ty năng lượng HydroCarbon Capital (Anh), Nga đang bán nguồn tài nguyên của mình với "giá rẻ". "Với Putin, ông ta chỉ muốn gửi thông điệp tới người châu Âu rằng 'chúng tôi không cần phải bán dầu mỏ cho các ông'", VOA dẫn lời Graham-Wood bình luận.
Bên cạnh lợi ích rõ ràng về dầu khí, Bắc Kinh còn tận dụng được bối cảnh thị trường tiêu dùng của Nga đang thiếu nguồn cung sau khi chính phủ Nga trả đũa châu Âu bằng cách cấm nhập nông sản và hàng tiêu dùng từ các thành viên EU. Nắm lấy cơ hội, các doanh nhân Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để lấp đầy mọi chỗ trống trên các kệ hàng trong siêu thị Nga.
Về lâu dài: Kẻ được lợi nhất chính là các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia
Dễ dàng nhận thấy, nền kinh tế Ukraine hiện không có sức cạnh tranh, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào mô hình phát triển đang lỗi thời, tập trung vào các ngành công nghiệp như khai mỏ, luyện kim và các ngành dịch vụ xã hội. Vì vậy, Ukraine sẽ là “miếng mồi” hấp dẫn đối với nhiều tập đoàn xuyên quốc gia của Mỹ và châu Âu.
Kinh tế Ukraine đã phải phụ thuộc nhiều vào nguồn điện từ vào các nhà máy thủy điện và điện hạt nhân lâu nay. Vì thế, đây sẽ là thị trường lý tưởng đối với các tập đoàn xây dựng hạt nhân – những công ty đang bị chính người dân nước sở tại phản đối, tẩy chay, không cho xây dựng các nhà máy mới.
Mặt khác, Ukraine cũng là nước xuất khẩu các mặt hàng quân sự lớn thứ 6 trên thế giới, với các sản phẩm như máy bay, phương tiện vận tải, hệ thống phòng không hiện đại… Nước này cũng đứng hàng thứ 4 về nguồn nhân lực CNTT trình độ cao, chỉ sau Mỹ, Ấn Độ và Nga. Ngành đóng tàu của Ukraine thuộc diện hàng đầu thế giới, kể cả đóng tàu chở dầu. Cùng với đó là những cơ sở hạ tầng phát triển của ngành chế tạo xe tải, xe buýt. Ngay nông nghiệp của Ukraine cũng có thế mạnh nổi trội, với khoảng 30% diện tích đất trồng trọt màu mỡ nhất thế giới, nên sản phẩm làm ra luôn có chi phí thấp hơn các nước châu Âu. Tóm lại, Ukraine cũng là một quốc gia đầy tiềm năng, nhưng với tình hình hiện nay, các tập đoàn, ngành sản xuất của quốc gia này đang bị trì trệ, thậm chí đang có nguy cơ phá sản.
Thế nên, điều mà các tập đoàn xuyên quốc gia đang “nhăm nhe” ở Ukraine là làm sao để nắm quyền sở hữu, chi phối các ngành công nghiệp, nông phẩm ở đây, đưa chúng trở thành một bộ phận trong các kế hoạch mở rộng chuỗi sản xuất toàn cầu. Các kế hoạch “xâm lấn” này sẽ được IMF và các thiết chế tài chính vạch ra theo kiểu “bàn tay nhung”, dưới dạng trợ giúp một phần hay dưới hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Thanh Trà (tổng hợp)