Năm 2014: Mã độc sẽ ngốn hàng trăm tỷ USD?
Chính phủ các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã bày tỏ sự quan ngại, lo lắng khi khối doanh nghiệp tại khu vực này ước tính phải chi tới 230 tỷ USD trong năm 2014 để đối phó với các rủi ro gây nên bởi các phần mềm độc hại.
Năm 2014 được dự báo tiếp tục là năm đầy biến động về an ninh mạng trên toàn cầu, với sự phát triển nhanh của các loại tội phạm mạng cả về số lượng cũng như mức độ tinh vi của các phương thức tấn công.
Mục tiêu tấn công của tội phạm mạng đang chuyển hướng, không chỉ nhắm đến người dùng cá nhân và các tổ chức doanh nghiệp, mà đang hướng thẳng đến các cơ quan và tổ chức nhà nước của các Chính phủ.
Theo kết quả nghiên cứu từ IDC, Chính phủ các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã bày tỏ sự quan ngại, lo lắng khi khối doanh nghiệp tại khu vực này ước tính phải chi tới 230 tỷ USD trong năm 2014 để đối phó với các rủi ro gây nên bởi các phần mềm độc hại được cài đặt có chủ ý trên các chương trình không bản quyền.
Trong đó 59 tỷ USD dùng để xử lý các vấn đề an ninh và 170 tỷ USD để khắc phục tình trạng ăn cắp dữ liệu. Người tiêu dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng được dự đoán sẽ phải gánh khoản chi phí lên tới 11 tỷ USD vì những thiệt hại do tội phạm mạng gây nên.
Tại buổi họp báo về “Nghiên cứu an toàn Thông tin máy tính” được tổ chức ngày 30/5 ở Hà Nội, ông Vũ Quốc Khánh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (Vnisa) cho biết: “Bất kỳ một kẽ hở bảo mật nào cũng là cơ hội để tội phạm mạng tấn công vào hệ thống của người dùng, gây nên những tổn thất lớn về tài chính. Năm 2014, tình hình tội phạm mạng được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với thủ đoạn đa dạng, xảy ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng.
Mỗi cá nhân, tổ chức là một mắt xích quan trọng góp phần đảm bảo an toàn thông tin số, vì vậy mọi người cần nâng cao trách nhiệm của mình về vấn đề này, trước hết là thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng phần mềm có bản quyền”.
Thực tế trên đã chỉ ra rằng, tội phạm mạng đang tận dụng cơ hội từ các chuỗi cung ứng không an toàn để phát tán phần mềm độc hại khiến người dùng phải đối mặt với những tổn thất lớn về tài chính khi máy tính bị xâm nhập bất hợp pháp.
Nghiên cứu này thêm một lần nữa tiếp tục là một hồi chuông cảnh báo thiết thực giúp người dùng nâng cao nhận thức về bảo mật máy tính, đồng thời tự bảo vệ mình tránh trở thành những nạn nhân tiếp theo của tội phạm mạng.
Để bảo vệ mình khỏi những tổn thất gây ra bởi phần mềm không bản quyền, người dùng cá nhân, doanh nghiệp hay các tổ chức Chính phủ đều cần thận trọng khi quyết định mua máy tính mới, phải chắc chắn chúng được cài đặt phần mềm bản quyền và nên mua từ các nguồn cung ứng đáng tin cậy.
Thời Phong