KCN không chỉ xanh mà còn cần thông minh và bền vững

16:20, 21/07/2025

Giữa bối cảnh phát triển bền vững trở thành xu thế tất yếu, đầu tư cho việc triển khai các giải pháp xanh hóa toàn diện sẽ là lời giải cho KCN nhằm thu hút nhà đầu tư.

Trên phạm vi toàn cầu, tiêu chí môi trường ngày càng được đề cao trong chuỗi cung ứng. Điều này biến việc phát triển KCN theo hướng "xanh hóa" trở thành tiêu chuẩn bắt buộc. Các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là những đơn vị tham gia thị trường xuất khẩu, đang chịu sức ép lớn từ các đối tác quốc tế trong việc chứng minh quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, giảm phát thải carbon và sử dụng tài nguyên bền vững.

Một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng có tới 65% doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam hiện đang bị yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về phát thải và năng lượng tiêu thụ.

Thực tế này buộc nhà đầu tư khi lựa chọn KCN phải cân nhắc kỹ lưỡng nhiều tiêu chí để đảm bảo hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro và đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững. Trong đó, tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác quản lý vận hành khu công nghiệp, bao gồm cả yếu tố hạ tầng kỹ thuật, tuân thủ pháp luật và bảo vệ môi trường, là vô cùng cần thiết, giúp nhà đầu tư tăng năng lực cạnh tranh và thuận lợi khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Nhiều KCN đang chủ động xây dựng chiến lược "xanh hóa", thậm chí coi đây là trụ cột chiến lược trong định hướng phát triển dài hạn. Trong cuộc đua này, các KCN có đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp như IMC sẽ có nhiều lợi thế. Nhờ tham gia trực tiếp vào quản lý vận hành, nắm vững các yêu cầu và có thể chủ động tư vấn kỹ thuật, IMC hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế như LEED, ISO 14001, GRI hay EDGE ngay từ khâu sản xuất.

Những KCN xanh của IMC: Hiện thực hóa cam kết bền vững

IMC hiện là đơn vị quản lý vận hành 11 KCN trên cả nước với tổng diện tích hơn 2.500 ha. Với kinh nghiệm thực chiến tại các KCN, IMC không chỉ xây dựng mà còn giúp chủ đầu tư từng bước hiện thực hóa tầm nhìn "xanh hóa" thông qua loạt giải pháp đồng bộ và có chiều sâu.

Các giải pháp mà IMC triển khai tại các KCN không chỉ đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường, mà còn tạo ra giá trị gia tăng thiết thực cho nhà đầu tư thông qua việc tối ưu chi phí quản lý vận hành, nâng cao uy tín và khả năng xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng Giám đốc IMC, chia sẻ: “Khi triển khai chiến lược xanh hóa toàn diện cho các khu công nghiệp, chúng tôi tiếp cận theo khung ESG. Trong đó, yếu tố môi trường (Environmental) là trụ cột ưu tiên trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, chúng tôi không nhìn nhận “xanh” một cách đơn chiều, mà đặt nó trong mối tương quan hài hòa với thẩm mỹ cảnh quan, hiệu quả vận hành và yêu cầu thực tế của chủ đầu tư.”

Cụ thể, đối với cây xanh, IMC đã nghiên cứu và thay thế loại cây keo cũ bằng các loại cây lâu năm khác như móng bò, Osaka, bằng lăng. Những loại cây này không chỉ cho bóng mát, tạo cảnh quan thiên nhiên mềm mại với tán rộng và hoa đẹp, mà còn có khả năng hấp thụ bụi mịn, điều hòa vi khí hậu tốt hơn. Điều này giúp cải thiện điều kiện làm việc ngoài trời và nâng cao hình ảnh KCN trong mắt nhà đầu tư.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh “Xanh” không đồng nghĩa với đánh đổi trải nghiệm hoặc tăng chi phí một cách cực đoan. Vì vậy, trong mọi giải pháp được triển khai, từ xử lý nước thải, cải tạo giao thông nội khu, trồng cây xanh, đến chuyển đổi chiếu sáng bằng đèn LED, IMC luôn đặt mục tiêu tối ưu hóa đồng thời cả hiệu quả môi trường và hiệu quả kinh tế. Ví dụ điển hình, việc thay thế hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn LED đã giúp KCN tiết kiệm 5% chi phí năng lượng hàng tháng.

IMC cũng đặc biệt chú trọng áp dụng công nghệ để tối ưu hóa các giải pháp "xanh hóa". Một hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện cần đảm bảo độ sáng đạt chuẩn và an toàn cho người lao động. Tương tự, một nhà máy xử lý nước thải hiện đại phải tích hợp quan trắc tự động, với dữ liệu kết nối theo thời gian thực để phục vụ công tác quản trị minh bạch và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định.

Giải pháp KCN thông minh T.SIE do TNTech phát triển, được IMC áp dụng tại KCN Quang Minh, đã giúp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này với thông số theo thời gian thực và tính minh bạch cao. Hơn thế nữa, nhờ chủ động giám sát, đưa ra cảnh báo tức thời và can thiệp theo thời gian thực thay vì chờ đợi sự cố xảy ra rồi mới xử lý, hệ thống giám sát nước thải thông minh của IMC có thể dự đoán và ngăn chặn các vấn đề môi trường tiềm ẩn.

Không chỉ dừng lại ở việc vận hành hạ tầng KCN, IMC còn đóng vai trò như một đơn vị “cố vấn xanh” cho các nhà đầu tư thứ cấp. Doanh nghiệp được tư vấn và hỗ trợ áp dụng điện mặt trời áp mái, tham gia các hoạt động cộng đồng vì môi trường như Tết trồng cây, tài trợ cho các quỹ trồng cây phục hồi rừng, phát động các sáng kiến bảo vệ môi trường khác.

Có thể thấy, từ chăm sóc hạ tầng, ứng dụng công nghệ đến quản trị vận hành, mỗi bước đi của IMC đều hướng đến mục tiêu tạo ra các khu công nghiệp sinh thái, hài hòa giữa phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường, hướng đến phát triển bền vững.