Huawei vươn mình từ viễn thông trở thành “người toàn năng” dẫn đầu về AI của Trung Quốc
Bất chấp nhiều năm bị Mỹ áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại, “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc - Huawei - đã âm thầm trỗi dậy, trở thành một trong những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ nhất trên toàn bộ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tại nước này.
Không chỉ được xem là câu trả lời của Bắc Kinh đối với “con cưng AI” của Mỹ – Nvidia, Huawei còn là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thương mại hóa mô hình AI trong các ứng dụng công nghiệp.
“Huawei buộc phải chuyển hướng và mở rộng trọng tâm kinh doanh cốt lõi trong thập kỷ qua… do nhiều áp lực bên ngoài,” ông Paul Triolo, đối tác kiêm Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Trung Quốc tại công ty tư vấn DGA-Albright Stonebridge Group, nhận định.
Quá trình mở rộng này đã đưa Huawei tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ ô tô thông minh, hệ điều hành cho đến các công nghệ phục vụ làn sóng AI, như chip bán dẫn tiên tiến, trung tâm dữ liệu, chip AI và mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).
“Chưa có công ty công nghệ nào khác đủ năng lực hoạt động trong nhiều lĩnh vực có mức độ phức tạp cao và rào cản gia nhập lớn như vậy,” Triolo nói.
Gian hàng của Huawei tại Triển lãm Di động Toàn cầu (Mobile World Congress) ở Barcelona, năm 2025.
Năm nay, CEO của Nvidia – Jensen Huang – ngày càng công khai gọi Huawei là “một trong những công ty công nghệ đáng gờm nhất thế giới”. Ông cũng cảnh báo rằng Huawei sẽ thay thế Nvidia tại Trung Quốc nếu Washington tiếp tục siết chặt xuất khẩu chip từ các công ty Mỹ sang quốc gia châu Á này.
Tuần trước, Nvidia vượt mốc vốn hóa thị trường 4.000 tỷ USD, trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Các bộ vi xử lý tiên tiến và hệ thống điện toán CUDA của Nvidia hiện vẫn là tiêu chuẩn trong việc huấn luyện các mô hình AI tạo sinh.
Tuy nhiên, vị thế đó đang bị thu hẹp khi Huawei chứng minh rằng họ không chỉ làm được mọi thứ – mà còn làm tốt. Dù cạnh tranh trực diện với những ông lớn như Nvidia là điều không dễ, nhưng lịch sử phát triển của Huawei cho thấy không thể xem thường công ty này.
Từ bộ chuyển mạch điện thoại đến nhà vô địch quốc gia
Huawei hiện có hơn 208.000 nhân viên tại hơn 170 thị trường, nhưng xuất phát điểm của hãng lại rất khiêm tốn. Được thành lập năm 1987 bởi doanh nhân Ren Zhengfei tại một căn hộ ở Thâm Quyến, Huawei ban đầu chỉ là nhà phân phối nhỏ lẻ thiết bị chuyển mạch điện thoại.
Sau đó, công ty nhanh chóng phát triển tại các thị trường đang phát triển như châu Phi, Trung Đông, Nga và Nam Mỹ, trước khi mở rộng sang châu Âu.
Đến năm 2019, Huawei ở vị thế dẫn đầu trong làn sóng triển khai mạng 5G toàn cầu. Cũng trong thời gian này, Huawei trở thành một trong những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, đồng thời phát triển chip điện thoại qua công ty con thiết kế chip HiSilicon.
Tuy nhiên, thành công đó cũng khiến Huawei bị nhiều chính phủ, đặc biệt là Mỹ, giám sát chặt chẽ hơn. Washington nhiều lần cáo buộc công nghệ của Huawei gây rủi ro an ninh quốc gia – điều mà công ty Trung Quốc này luôn phủ nhận.
Năm 2019, Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại, khiến các công ty Mỹ không được phép làm ăn với hãng. Hệ quả là mảng tiêu dùng – từng là mảng mang lại doanh thu lớn nhất – giảm một nửa, còn khoảng 34 tỷ USD vào năm 2021.
Dù vậy, Huawei vẫn đạt được bước đột phá với chip AI, bất chấp thêm nhiều hạn chế từ Mỹ vào năm 2020, cắt Huawei khỏi nguồn cung từ TSMC (Đài Loan). Một năm trước đó, hãng đã ra mắt chip AI Ascend 910 như một phần trong chiến lược xây dựng hệ sinh thái AI toàn diện.
Việc Mỹ nhắm mục tiêu vào Huawei cũng khiến công ty này trở thành “biểu tượng” trong mắt người dân Trung Quốc, đặc biệt sau khi bà Mạnh Vãn Chu – Giám đốc tài chính kiêm con gái nhà sáng lập Ren Zhengfei - bị bắt tại Canada năm 2018 với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Khi cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung lan rộng và các lệnh cấm chip tiên tiến được áp đặt, Huawei trở thành ứng cử viên sáng giá để trở thành “nhà vô địch quốc gia” trong cuộc đua AI, với sự hỗ trợ lớn hơn từ chính phủ.
“Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã đẩy Huawei về phía chính phủ Trung Quốc – điều mà trước đây CEO Ren Zhengfei luôn cố tránh,” Triolo nhận định. Theo ông, chính những hạn chế đó lại trở thành “liều thuốc tăng lực” cho hệ sinh thái phần cứng - phần mềm AI của Huawei.
Cuộc trở lại
Sau một năm sụt giảm doanh số ở mảng tiêu dùng, Huawei bắt đầu phục hồi vào năm 2023 nhờ mẫu smartphone mới mà các nhà phân tích cho rằng sử dụng chip tiên tiến sản xuất tại Trung Quốc.
Chiếc điện thoại dùng chip 5G đã gây bất ngờ tại Mỹ - nơi nhiều người không tin rằng Huawei có thể đạt đến trình độ đó mà không cần TSMC. Thay vào đó, Huawei được cho là đã hợp tác với SMIC - một hãng chip Trung Quốc cũng bị Mỹ đưa vào danh sách đen.
Dù các chuyên gia bán dẫn cho rằng quy mô sản xuất chip tiên tiến của Huawei và SMIC còn hạn chế, nhưng Huawei đã chứng minh họ đã trở lại cuộc đua công nghệ cao.
Cùng thời điểm đó, nhiều báo cáo cho biết Huawei đang phát triển chip xử lý AI Ascend 910B để tận dụng khoảng trống do lệnh cấm chip Nvidia tạo ra. Phiên bản 910C thế hệ mới được cho là đã bắt đầu sản xuất hàng loạt.
Để lấp đầy khoảng trống mà Nvidia để lại, Huawei “đang đạt nhiều tiến bộ trong việc mô phỏng hiệu năng GPU cao cấp bằng cách kết hợp các loại chip cấp thấp hơn,” ông Jeffrey Towson, Giám đốc điều hành TechMoat Consulting nhận định.
Tháng 4 vừa qua, Huawei ra mắt hệ thống “AI CloudMatrix 384”, kết nối 384 chip Ascend 910C thành cụm trong trung tâm dữ liệu. Theo đánh giá của giới phân tích, CloudMatrix vượt trội hệ thống GB200 NVL72 của Nvidia ở một số tiêu chí.
Huawei không chỉ bắt kịp mà còn “tái định nghĩa hạ tầng AI,” theo một báo cáo từ Forrester hồi tháng trước.
Huawei cũng phát triển hệ thống phần mềm riêng mang tên “CANN” - được xem là giải pháp thay thế cho CUDA của Nvidia.
“Chiến thắng trong cuộc đua AI không chỉ phụ thuộc vào tốc độ chip, mà còn ở việc cung cấp các công cụ giúp nhà phát triển xây dựng và triển khai mô hình quy mô lớn,” Forrester nhận định, đồng thời lưu ý rằng sản phẩm của Huawei hiện chưa đủ tích hợp với các công cụ phổ biến, khiến việc chuyển đổi từ Nvidia còn chậm.
Chiến lược “Hệ sinh thái Ascend”
Dù việc cạnh tranh với Nvidia là điểm nhấn trong cuộc đua AI giữa Trung Quốc và Mỹ, chip chỉ là một phần trong chiến lược toàn diện hơn của Huawei.
Hiện tại, Huawei có mặt ở toàn bộ chuỗi giá trị AI - từ chip, tính toán, mô hình AI đến ứng dụng AI. Các mảng này cũng tận dụng thế mạnh sẵn có trong đế chế công nghệ rộng lớn của hãng.
Trên thực tế, mảng “Hạ tầng ICT” của Huawei - bao gồm triển khai mạng 5.5G và hệ thống AI cho công nghiệp - đã trở thành nguồn thu lớn nhất của công ty với 362 tỷ nhân dân tệ trong năm 2023.
Huawei đang triển khai chip AI Ascend và hệ thống CloudMatrix tại các trung tâm dữ liệu thuộc đơn vị Huawei Cloud – thành lập năm 2017 để cạnh tranh với Amazon Web Services và Oracle. Những trung tâm dữ liệu này cung cấp sức mạnh huấn luyện và tính toán cho các mô hình AI thuộc dòng Pangu của hãng.
Khác với các mô hình AI đa dụng như GPT-4 của OpenAI hay Gemini Ultra 1.0 của Google, mô hình Pangu của Huawei được thiết kế để phục vụ các ứng dụng chuyên ngành trong y tế, tài chính, chính phủ, công nghiệp và ô tô. Theo Huawei, Pangu đã được ứng dụng trong hơn 20 ngành công nghiệp trong năm qua.
Việc triển khai các ứng dụng AI như vậy đòi hỏi nhân sự kỹ thuật của Huawei phải làm việc tại hiện trường nhiều tháng, ngay cả ở các mỏ than hẻo lánh – theo ông Jack Chen, Phó Chủ tịch bộ phận tiếp thị của đơn vị Dầu khí và Khai khoáng Huawei.
Nghiên cứu đó giúp Huawei vào tháng 5 triển khai hơn 100 xe tải chạy điện có khả năng tự vận hành để vận chuyển đất đá hoặc than nhờ kết hợp mạng 5G, AI và điện toán đám mây.
Công nghệ này không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Theo ông Chen, giải pháp có thể “được nhân rộng tại Trung Á, Mỹ Latinh, châu Phi và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.”
Huawei cũng đã mở mã nguồn mô hình Pangu, giúp hãng mở rộng ra thị trường quốc tế và thúc đẩy chiến lược “hệ sinh thái Ascend” - tập hợp sản phẩm AI xoay quanh dòng chip Ascend.
Trả lời chương trình “Squawk Box Asia” của CNBC hôm thứ Năm, ông Patrick Moorhead từ Moor Insights & Strategy cho rằng Huawei sẽ thúc đẩy Ascend tại các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc - dự án đầu tư phát triển hướng đến các thị trường mới nổi.
Trong vòng 5 đến 10 năm tới, Huawei có thể giành được thị phần đáng kể tại các quốc gia này - tương tự như cách họ từng làm với lĩnh vực viễn thông, ông nói thêm.