Năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam dự kiến hoạt động
Đề án phát triển thị trường carbon, do Bộ Tài chính chủ trì cùng sự phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã xây dựng đầy đủ các quy định cần thiết để triển khai sớm nhất vào năm 2028...
Ảnh: Việt Dũng
Tại hội thảo “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net-Zero và phát triển bền vững” tổ chức vào ngày 24/9, bà Đặng Thị Thủy, Trưởng phòng Pháp luật quốc tế về tài chính, Bộ Tài chính, đã có những chia sẻ về định hướng và quy định pháp lý trong việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Định hướng phát triển thị trường carbon tại việt nam
Theo bà Thủy, đề án phát triển thị trường carbon, do Bộ Tài chính chủ trì cùng sự phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã xây dựng đầy đủ các quy định cần thiết để triển khai sớm nhất.
Đây là một bước đi chiến lược nhằm tham gia vào xu thế toàn cầu, khi nhiều nước như Liên minh Châu Âu (EU) và Singapore đã phát triển các mô hình thị trường carbon thành công.
Trong đó, thị trường tín chỉ carbon được xây dựng dựa trên Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia và căn cứ vào Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, và Nghị quyết 93/NQ-CP phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, thị trường cũng phát triển dựa trên đề án phát triển thị trường carbon cũng dựa trên Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris (theo Quyết định 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016); Luật Bảo vệ môi trường 2020 (số 72/2020/QH14) nhấn mạnh vai trò của thị trường carbon nội địa trong việc giảm phát thải khí nhà kính, với các hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon; và cuối cùng là Nghị định 06/2022/NĐ-CP về việc trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon thông qua sàn giao dịch, góp phần phát triển thị trường carbon trong nước.
Về nhiệm vụ phát triển thị trường carbon, bà Thủy cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm quản lý và vận hành thị trường carbon, bao gồm: Phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và xác nhận tín chỉ carbon, các giao dịch này được thực hiện trên sàn; Xây dựng và thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; Hướng dẫn đấu giá, chuyển giao, vay mượn và nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, Bộ còn vận hành thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon quốc tế. Bộ cũng sẽ thí điểm và triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon để quản lý, theo dõi và giám sát thị trường này.
Qua những định hướng đó, Việt Nam đã có những bước đi tiên phong với Nghị quyết 24-NQ/TW từ năm 2013, cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính dựa trên sự hỗ trợ tài chính và công nghệ từ các tổ chức quốc tế. Chính phủ cũng đã triển khai nhiều chương trình quan trọng như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, và phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
“Ngoài các chương trình hành động trên, việc phát triển thị trường carbon sẽ là bước đột phá để Việt Nam không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tận dụng cơ hội từ các giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế”, bà Thủy nhấn mạnh.
Thị trường carbon tại Việt Nam có hai hàng hoá chính
Trong Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã xác định hai loại hàng hóa chính gồm: hạn ngạch phát thải khí nhà kính (do Bộ Tài nguyên Môi trường phân bổ cho cơ sở thuộc danh mục phải kiểm kê khí nhà kính) và tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch tín chỉ carbon (được tạo ra từ chương trình, dự án tạo tín chỉ trong nước và quốc tế).
Thị trường carbon sẽ có sự tham gia của hai nhóm chủ thể chính là nhà đầu tư và tổ chức trung gian.
Nhà đầu tư được hiểu bao gồm 3 đối tượng. Một là cơ sở thuộc Danh mục phải kiểm kê khí nhà kính. Hai là tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ các bon trong nước hoặc quốc tế. Ba là tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon.
Bà Đặng Thị Thủy, Trưởng phòng Pháp luật quốc tế về tài chính, Bộ Tài chính "Trong Đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã xác định hai loại hàng hóa chính gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ hạn ngạch, trong khi tín chỉ carbon sẽ được tạo ra từ các dự án trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, thị trường tín chỉ carbon sẽ có sự tham gia của hai nhóm chủ thể chính là nhà đầu tư và tổ chức trung gian". |
Về mặt vận hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và vận hành thị trường carbon trong nước, đồng thời giám sát sàn giao dịch tín chỉ carbon, theo các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và các nghị định liên quan.
Ba nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường carbon
Trong thời gian tới, để đảm bảo sự thành công của Đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon, bà Thủy đã đề xuất ba nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Việt Nam cần nhanh chóng ban hành các quy định liên quan đến quản lý tín chỉ carbon, bao gồm việc đấu giá, chuyển giao và thu hồi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế tài chính và hoàn thiện quy trình đo đạc, thẩm định giảm nhẹ phát thải.
Thứ hai, nâng cao năng lực tổ chức và vận hành thị trường. Theo đó, cần kiện toàn bộ máy tổ chức, phát triển nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và đảm bảo công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động của thị trường carbon.
Thứ ba, tăng cường nhận thức và năng lực. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và cộng đồng về thị trường tín chỉ carbon, đồng thời hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và hệ thống thông tin cần thiết để quản lý thị trường hiệu quả.
Theo lộ trình, đến cuối 2024 sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; Nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước và nhận thức của doanh nghiệp.
Đến năm 2025-2027, thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, đánh giá kết quả thí điểm; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật.
Từ 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức hoạt động; Nghiên cứu khả năng kết nối với thị trường carbon khu vực và thị trường carbon thế giới