Năm hướng dẫn cơ bản giúp doanh nghiệp tự bảo vệ khỏ các cuộc tấn công mạng

15:19, 07/06/2024

Bảo đảm an ninh mạng rất đóng vai trò quan trọng, giúp bảo vệ dữ liệu, hệ thống và mạng của tổ chức, doanh nghiệp khỏi các cuộc tấn công của tội phạm mạng. Các cuộc tấn công này có thể làm gián đoạn, gây tổn thất về dữ liệu và chi phí cho doanh nghiệp. Các chuyên gia bảo mật thuộc Công ty An ninh mạng Viettel đã đưa ra khuyến nghị về năm cách bảo vệ hệ thống dành cho doanh nghiệp, nếu áp dụng chính xác có thể giảm thiểu tới 90% các cuộc tấn công mạng.

Sau đây là năm cách bảo vệ hệ thống dành cho doanh nghiệp được các chuyên gia bảo mật thuộc Công ty An ninh mạng Viettel khuyến nghị:

Cách 1: Áp dụng xác thực đa yếu tố

Việc kích hoạt xác thực đa yếu tố cho hệ thống sẽ giúp bảo vệ doanh nghiệp trước nguy cơ mật khẩu người dùng bị xâm phạm cũng như cung cấp thêm khả năng phục hồi cho người dùng.

Cách 2: Áp dụng nguyên tắc ZeroTrust

ZeroTrust giúp hạn chế tác động của một cuộc tấn công đến tổ chức, doanh nghiệp thông qua việc xác minh rõ ràng, đảm bảo người dùng và thiết bị ở trạng thái tốt nhất trước khi cho phép truy cập vào tài nguyên. Sử dụng quyền truy cập có ít đặc quyền nhất và chỉ cho phép các quyền cần thiết để truy cập vào tài nguyên.

Giả lập các cuộc tấn công: chiến lược bảo mật này thay vì tập trung chủ yếu vào việc ngăn chặn tấn công, thì sẽ tập trung vào việc phát hiện sớm các nguy cơ và phản ứng nhanh chóng khi có cuộc tấn công xảy ra (Detection and Response).

Cách 3: Sử dụng Detection and Response (XDR) và Phần mềm chống mã độc (Antimalware)

Việc triển khai các phần mềm để phát hiện và tự động ngăn chặn các cuộc tấn công, đồng thời giám sát thông tin chi tiết từ hệ thống bảo mật để phát hiện các mối đe dọa là điều cần thiết, giúp doanh nghiệp có thể ứng phó kịp thời với các mối đe dọa.

Extended Detection & Response (XDR) là một khái niệm trong lực vực an ninh mạng cung cấp các giải pháp tích hợp để phát hiện, phản ứng và ngăn chặn các mối đe dọa. XDR thường bao gồm Endpoint Detection and Response (EDR), Network Detection and Response (NDR), Cloud Security, User and Entity Behaviour Analytics và Security Information and Event Management (SIEM)

Cách 4: Hệ thống luôn được cập nhật

Việc các hệ thống chưa được vá lỗ hổng và lỗi thời là nguyên nhân chính khiến các tổ chức, doanh nghiệp trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công. Vì vậy, đội ngũ quản trị hệ thống cần cần đảm bảo hệ thống luôn được cập nhật các phiên bản bảo mật mới bao gồm các chương trình cơ sở, hệ điều hành và cả ứng dụng.

Cách 5: Bảo vệ dữ liệu

Nhà quản trị cần biết rõ dữ liệu nào là dữ liệu quan trọng, vị trí của nó và liệu các biện pháp bảo vệ phù hợp có đang được triển khai hay không. Đây là điều quan trọng để lựa chọn và áp dụng các biện pháp bảo vệ thích hợp cho từng loại dữ liệu. Điều này không những giúp doanh nghiệp xác định rõ đối tượng cần tập trung bảo vệ mà còn đảm bảo sử dụng ngân sách chi cho bảo mật một cách hiệu quả.

Theo Tạp chí An toàn thông tin

(https://antoanthongtin.vn/giai-phap-khac/nam-huong-dan-co-ban-giup-doanh-nghiep-tu-bao-ve-kho-cac-cuoc-tan-cong-mang-110203)