Cảnh báo gia tăng lừa đảo bằng Deepfake trên toàn cầu

17:15, 14/07/2025

Tội phạm công nghệ cao trên thế giới đang lợi dụng công nghệ Deepfake để thực hiện các hành vi lừa đảo tinh vi. Theo các báo cáo an ninh mạng, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ này đã khiến thế giới bị thiệt hại hơn 200 triệu USD.

Deepfake là công nghệ cho phép tái tạo giọng nói và khuôn mặt của một người chỉ bằng vài giây âm thanh và một bức ảnh chân dung. Lợi dụng công nghệ này, các tội phạm mạng đã tạo ra các cuộc gọi video giả mạo khó phân biệt với thật. 

Không chỉ lừa đảo tài chính, tội phạm công nghệ cao còn sử dụng Deepfake để tạo ra các nội dung nhằm mục đích tống tiền, thông qua việc tạo ra các video nhạy cảm nhằm đe dọa nạn nhân.

Trong lĩnh vực chính trị, Deepfake bị khai thác để tạo ra các video, clip gây hoang mang dư luận và thao túng thông tin trong các kỳ bầu cử. Bên cạnh đó, hình ảnh người nổi tiếng hoặc chính trị gia cũng bị lợi dụng để quảng cáo cho các dự án đầu tư lừa đảo, đặc biệt trong lĩnh vực tiền mã hóa, gây thiệt hại hàng chục triệu USD.

Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các chuyên gia cảnh báo rằng cuộc chiến chống lại deepfake sẽ ngày càng khó khăn khi công nghệ này trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn.

1

Theo các báo cáo thống kê, năm 2024, số vụ lừa đảo sử dụng Deepfake đã tăng gấp 3 lần, chủ yếu nhằm vào việc giả mạo danh tính để thực hiện giao dịch tài chính trái phép. Đặc biệt, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, các vụ lừa đảo sử dụng Deepfake đã khiến thế giới thiệt hại hơn 200 triệu USD, cho thấy quy mô và tốc độ đáng báo động của xu hướng này.

Trước tình hình đó, các công ty công nghệ lớn đã vào cuộc để phát triển các giải pháp phát hiện Deepfake. Intel đang thử nghiệm công cụ nhận diện video giả mạo bằng cách phân tích sự thay đổi màu sắc trong mạch máu trên khuôn mặt, ánh sáng phản chiếu và chuyển động mắt. Một số công nghệ khác sử dụng phân tích giọng nói để phát hiện âm thanh nhân tạo.

Hiện nay, Microsoft và Facebook đã đầu tư hơn 10 triệu USD vào các dự án nghiên cứu hệ thống nhận diện Deepfake, ứng dụng các thuật toán học sâu để xác định sự không nhất quán trong hình ảnh và âm thanh.

Một số quốc gia phương Tây đang siết chặt quy định pháp lý. Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất yêu cầu các nền tảng số phải gỡ bỏ nội dung Deepfake bất hợp pháp trong vòng một giờ sau khi bị phát hiện. 

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dùng nên cảnh giác với những dấu hiệu bất thường trong cuộc gọi video như khuôn mặt thiếu biểu cảm, âm thanh không khớp khẩu hình hay ánh mắt không tự nhiên.

Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua giáo dục kỹ năng số và truyền thông cũng được coi là biện pháp quan trọng để giúp người dân tự bảo vệ mình trước mối đe dọa ngày càng phức tạp từ Deepfake.