Nên mua LG G Flex hay Nokia Lumia 1520?
Nhiều người dùng muốn sắm cho mình một chiếc smartphone màn hình lớn để giải trí cũng như làm việc, nhưng lại phân vân khi muốn lựa chọn giữa LG G Flex và Nokia Lumia 1520? Hãy cùng XHTT so sánh và đánh giá chi tiết cả hai chiếc smartphone khổng lồ này để từ đó đưa ra quyết định phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.
Thiết kế
Mặc dù là các thiết bị mới, nhưng rõ ràng thiết kế của Nokia Lumia 1520 và LG G Flex đều được “vay mượn” từ các thiết bị trước đó. Vì vậy, thật khó để có thể so sánh rõ ràng về thiết kế của hai smartphone này.
Trong khi Lumia 1520, máy có thiết kế nguyên khối nhưng không phải là kim loại mà là nhựa cứng, các cạnh bo tròn, mặt kính hơi cong về các cạnh và đặc biệt là màu sắc trẻ trung, phù hợp với đối tượng khách hàng là những người dùng trẻ. Cơ bản thiết kế của máy gợi nhớ đến Lumia 720.
LG G Flex lại có kiểu dáng cong theo chiều ngang khá độc đáo mà không có thiết bị nào giống. Theo LG, thiết kế cong của máy sẽ giúp cho máy ôm sát vào má và áp sát vào tai nghe cũng như miệng của người dùng, do đó khi nghe hoặc thực hiện các cuộc gọi sẽ tiện lợi hơn.
Điểm nhấn của G Flex chính là khả năng tự quay trở lại hình dạng cong sau khi ấn phẳng máy, đồng thời nắp sau của máy có khả năng tự “chữa lành vết thương”, tuy nhiên thực tế thì tính năng này chỉ có tác dụng với những vết xước nhỏ mà thôi.
Với kích thước 162,8x85,4x8,7mm và nặng 209g, Lumia 1520 có kích thước lớn hơn và cũng nặng hơn so với G Flex (kích thước 160,5x81,6x8,7mm; nặng 117g) mặc dù có cùng kích thước màn hình 6 inch.
Ngoài ra khi cầm trên tay để thao tác, do thiết kế cong nên các ngón tay của người dùng sẽ dễ với đến các điểm trên màn hình của G Flex, trong khi với Lumia 1520 người dùng phải căng tay để cầm và sẽ gặp chút khó khăn khi sử dụng bằng một tay.
Màn hình hiển thị
Cả G Flex và Lumia 1520 đều có màn hình 6 inch với công nghệ IPS-LCD và OLED tương ứng. Thật khó có thể so sánh được công nghệ màn hình mà hai thiết bị sử dụng, nhưng thực tế sử dụng cho thấy màn hình của Lumia 1520 với độ phân giải cao hơn (1.080x1.920 pixel) và mật độ điểm ảnh cũng cao hơn (368 ppi) với có khả năng hiển thị hình ảnh chi tiết hơn.
So sánh khả năng hiển thị màu sắc màn hình G Flex bên trái và Lumia 1520 bên phải
Trong khi màn hình 6 inch của G Flex chỉ có độ phân giải HD và mật độ điểm ảnh chỉ dừng ở mức 245 ppi, nhưng công nghệ P-OLED lại chứng minh được khả năng hiển thị ngoài trời tốt hơn.
So sánh khả năng hiển thị màu sắc với góc nhìn thay đổi trên màn hình của G Flex trái và Lumia 1520 phải
Ngoài ra về mặt kỹ thuật, không thể phủ nhận, màn hình nhựa OLED của G Flex có tính linh hoạt cao hơn, khi có khả năng uốn cong hoặc nén phẳng mà không bị nứt hoặc vỡ. Đặc biệt là khi xem video toàn màn hình thì hiệu quả của màn hình cong là rất rõ rệt, khi hình ảnh hướng hoàn toàn về phía người dùng.
Giao diện và tính năng
Với bản cập nhật GDR3, trải nghiệm với Windows Phone 8 trên Lumia 1520 rõ ràng đã được cải thiện hơn đáng kể so với các phiên bản Windows Phone trước đây.
Giao diện LG UX UI trên G Flex
Nhưng bất chấp tất cả nhưng tiến bộ và cải tiến của Windows Phone trong thời gian qua vẫn khó có thể so sánh với G Flex chạy Android 4.2 Jelly Bean với khả năng tuỳ biến cao. Trực quan mà nhận xét, có nhiều điểm hấp dẫn với giao diện của màn hình khởi động Windows Phone.
Tuy nhiên, giao diện tuỳ biến LG UX UI trên G Flex còn có khả năng cá nhân hoá cao cùng nhiều tính năng thú vị đi kèm, mặc dù giao diện với màn hình Home vẫn “khô cứng” hơn so với ngôn ngữ thiết kế mượt mà và hiện đại của Windows Phone.
Giao diện Windows Phone 8 GDR3trên Lumia 1520
Về hiệu năng sử dụng, trong khi Lumia 1520 đi kèm với bộ ứng dụng Microsoft Office khá quen thuộc với đa số người dùng máy tính, thì G Flex cũng được cài đặt sẵn ứng dụng Polaris Office 5.Tuy nhiên, trợ lý Google Now trên Android hiệu quả hơn so với Bing của Windows Phone 8.
Bộ vi xử lý và bộ nhớ
Tin vui là cả hai đều được trang bị bộ vi xử lý lõi tứ Qualcomm MSM8974 Snapdragon 800 giống nhau, với đồ hoạ Adreno và RAM 2GB. Sự khác biệt duy nhất là tốc độ của CPU, trong khi CPU của G Flex có tốc độ 2,26GHz thì CPU của Lumia 1520 có tốc độ là 2,2GHz. Không có gì ngạc nhiên khi cả hai đều có thể đáp ứng hầu hết mọi công việc và chơi được những game mới nhất hiện nay. Nhưng trong bài benchmark thì G Flex lại vượt trội so với Lumia 1520.
Về khả năng lưu trữ, cả hai đều có bộ nhớ trong 32GB, nhưng Lumia 1520 lại hỗ trợ thêm khe cắm thẻ microSD với khả năng nâng cấp tối đa 64GB.
Camera
Trong khi Lumia 1520 nổi bật với camera PureView 20 megapixel, ống kính Carl Zeiss, tích hợp tính năng ổn định hình ảnh quang học, tự động lấy nét và đèn flash LED kép. Còn G Flex sở hữu camera chính 13 megapixel nhưng chỉ hỗ trợ tính năng tự động tập trung và đèn flash LED đơn. Dù vậy thực tế đã chứng minh, không hẳn số megapixel cao thì chất lượng ảnh sẽ tốt hơn.
Ứng dụng camera trên G Flex là phù hợp cho những người dùng không thích sự phức tạp của các thiết lập, vì vậy mà người dùng sẽ có thể lựa chọn nhiều chế độ chụp tích hợp, tuỳ vào điều kiện chụp mà lựa chọn.
Giao diện ứng dụng camera với nhiều tuỳ chọn chụp hình tích hợp trên G Flex
Không thể phủ nhận rằng giao diện ứng dụng camera trên Lumia 1520 là linh hoạt, trong đó cho phép người dùng tinh chỉnh nhiều các tính năng như điều chỉnh khả năng tập trung, thay đổi ISO… giống như điều khiển bằng tay, đây là tính năng khá hiếm.
Giao diện camera của Lumia 1520 đơn giản nhưng đi kèm nhiều thiết lập thủ công
Về cơ bản, ảnh chụp từ camera của Lumia 1520 chỉ là chi tiết hơn đối thủ của mình, trong khi các yếu tố khác như cân bằng sáng, màu sắc… là tương đương.
So sánh kết quả ảnh chụp (Ảnh trên chụp từ G Flex, ảnh dưới chụp từ Lumia 1520)
Ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng thấp, camera của G Flex chụp sáng hơn một chút và màu sắc chân thực hơn.
Tuy nhiên, khi nói đến quay video 1080p, camera chính của G Flex rõ ràng thực hiện tốt hơn so với camera của Lumia 1520 với khả năng quay video ở tốc độ 60 khung hình mỗi giây (fps). Hình ảnh trong video cũng sắc nét hơn so với đối thủ của nó. Camera của Lumia 1520 chỉ có khả năng quay video với tốc độ 24, 25 hoặc 30 fps.
Chất lượng cuộc gọi
Với thiết kế tối ưu hoá cho khả năng nghe và gọi của người dùng, nên LG G Flex chiếm ưu thế hơn so với đối thủ, chất lượng âm thanh khi đàm thoại to và rõ ràng, kể cả khi bật loa ngoài. Với Lumia 1520, chất lượng cuộc gọi chỉ trên mức trung bình một chút, nhưng khi sử dụng với tai nghe, chất lượng có vẻ tốt hơn.
Thời lượng pin
Trong khi LG G Flex sử dụng pin công suất 3.500 mAh thì Lumia 1520 cũng không kém với pin 3.400 mAh. Thử nghiệm thực tế cho thấy, cả hai đều có thời lượng pin khá tốt, khi sạc đầy hoàn toàn đủ để người dùng sử dụng cả một ngày thoải mái mà không phải sạc lại.
Kết
Sáng tạo và độc đáo là điều đầu tiên mà người dùng nhận thấy khi nhìn thấy LG G Flex, sản phẩm hứa hẹn sẽ là tương lai của kỷ nguyên công nghệ mới và thiết bị phù hợp cho những người dùng thích sở hữu một chiếc smartphone lạ mắt. Tại Việt Nam, LG G Flex nhập không chính thức có giá khoảng 12,5 triệu.
Trong khi Nokia Lumia 1520 tốt hơn G Flex với màn hình độ phân giải cao hơn, ngoài ra Windows Phone 8 cũng đã được cải thiện đáng kể về tính năng, nhằm giúp người dùng tận dụng tối đa một thiết bị màn hình lớn như Lumia 1520. Tại Việt Nam, Nokia Lumia 1520 có giá bán khoảng 14,5 triệu.
Nếu muốn sở hữu một thiết bị độc đáo với kho ứng dụng khổng lồ, người dùng nên chọn G Flex, nếu không thì Nokia Lumia 1520 sẽ là sự lựa chọn thay thế. Tất nhiên nếu mức giá cao không phải là vấn đề lớn. Nhìn chung thì sự lựa chọn vẫn phụ thuộc vào sở thích cá nhân của mỗi người dùng.
Hoàng Thanh