Nền tảng AI giúp kết nối người Việt với dịch vụ y tế Mỹ
Theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam, mỗi năm, người Việt Nam chi khoảng 2 tỷ USD cho việc khám chữa bệnh ở nước ngoài. Đây là số tiền không nhỏ trong khi có những bệnh nhân chỉ cần sự tư vấn của bác sĩ nước ngoài và có thể điều trị tại các bệnh viện ở Việt Nam. Nắm được thực tế này, một nhóm chuyên gia trẻ tại Mỹ đã phát triển nền tảng có tên IMI giúp kết nối người bệnh tại Việt Nam với các bác sĩ và chuyên gia y tế Mỹ để được tư vấn.
Nền tảng có tên IMI giúp kết nối người bệnh tại Việt Nam với các bác sĩ và chuyên gia y tế Mỹ để được tư vấn.
Wendy Uyên Nguyễn được mệnh danh là "nữ tướng khởi nghiệp" ở thung lũng Silicon của Mỹ. Sau 2 năm khởi đầu thành công với dự án Med2Lab chuyên cung cấp nền tảng mô phỏng để sinh viên y khoa cùng bác sĩ thực tập trước khi chính thức hành nghề, hiện tại, Wendy Uyên Nguyễn đang tập trung phát triển dự án khởi nghiệp mới có tên IMI AI.
"Chúng tôi muốn tạo ra một nền tảng để có thể xin cho những bệnh nhân được bác sĩ tư vấn một cách dễ dàng. Và bên cạnh đó, điều quan trọng là nền tảng này có thể giúp họ thông hiểu được các chỉ số về bệnh tình của họ trước khi được tư vấn bởi bác sĩ" - chị Wendy Uyên Nguyễn, Sáng lập viên, Giám đốc điều hành dự án IMI AI, chia sẻ.
Đối với người dùng, IMI AI là một ứng dụng với giao diện đơn giản, có thể cài đặt trên các thiết bị cầm tay. Người dùng chỉ cần cung cấp thông tin bệnh án, ảnh chụp các kết quả xét nghiệm, hệ thống sẽ dựa trên cơ sở dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích và đưa ra thông tin về tình hình sức khỏe của người dùng.
"Trong y khoa có rất nhiều thông tin mà kể cả bác sĩ cũng không thể nào hiểu rõ được tất cả thông tin của bạn. Đây là bài toán mà AI có thể giúp chúng ta rà soát được. Bên cạnh đó, công nghệ AI cũng sẽ giúp bác sĩ đọc được bệnh án của bạn một cách chính xác hơn, dễ dàng hơn. Mình cũng có một đội ngũ chuyên khoa không chỉ có bác sĩ Mỹ mà còn có bác sĩ Việt Nam, tức là họ rất hiểu những thông tin về văn hóa bệnh nhân ở Việt Nam như thế nào" - chị Wendy Uyên Nguyễn cho biết thêm.
Tại Mỹ, việc chẩn đoán không chính xác gây thiệt hại khoảng 750 tỷ USD mỗi năm và khiến khoảng 440.000 người tử vong. Vì thế, phương thức tư vấn kép như IMI là rất phổ biến, đóng vai trò là chuyên gia tư vấn bên cạnh bác sĩ chuyên khoa, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và của. Đây cũng là điều thôi thúc Wendy Uyên Nguyễn và các cộng sự quyết định triển khai dự án IMI tại Việt Nam.
Minh Thuỳ (T/h)