Netflix phải giảm chất lượng video ở châu Âu để ngăn nghẽn mạng
Netflix được yêu cầu ngừng phát video độ phân giải cao ở châu Âu trong bối cảnh Covid-19 khiến nhu cầu dùng Internet tại nhà tăng kỷ lục.
Theo yêu cầu từ Liên minh Châu Âu, Netflix đã đồng ý hạ thấp chất lượng streaming của mình đối với các thuê bao tại Châu Âu để giảm thiểu việc nghẽn và sập mạng. Do sự lây lan nhanh chóng của COVID-19, mọi người được khuyên nên ở nhà càng nhiều càng tốt và tiến hành tự cách ly.
Các rạp chiếu phim trên toàn cầu, cũng như các nhà hàng, trường học và một số văn phòng, đã buộc phải đóng cửa để đảm bảo an toàn cho người dân và ngăn chặn sự lây lan của virus. Vì thế, xu hướng của số đông hiện tại là giết thời gian bằng cách chuyển sang xem các dịch vụ xem phim tại nhà.
Theo CNN, Netflix sẽ giảm chất lượng của tất cả video phát trực tiếp trên nền tảng trong 30 ngày. "Chúng tôi ước tính giảm khoảng 25% lưu lượng sử dụng Netflix tại châu Âu, trong khi vẫn đảm bảo dịch vụ tốt nhất cho thành viên", phát ngôn viên của Netflix nói.
Động thái trên được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) đề nghị kênh video này và người dùng bỏ qua tùy chọn độ phân giải cao để ngăn nguy cơ sập mạng Internet.
Tuần qua, nhiều quốc gia châu Âu tiến hành phong tỏa, đóng cửa biên giới hoặc áp dụng lệnh giới nghiêm để hạn chế sự lây lan của Covid-19, khiến hàng trăm triệu người phải ở nhà. Những người đứng đầu EU lo ngại nhu cầu sử dụng dịch vụ giải trí trực tuyến như Netflix tăng cao sẽ gây sức ép lớn cho mạng Internet.
Theo báo cáo năm 2019 của công ty cung cấp thiết bị mạng Sandvine (Mỹ), video phát trực tuyến chiếm hơn 60% dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Trong đó, Netflix và YouTube đóng góp khoảng 25% tổng lưu lượng truy cập.
Trong ngày 17-18/3, Ủy viên Thierry Breton, quản lý thị trường Internet châu Âu, đã trao đổi với Reed Hasting, Giám đốc điều hành Netflix, về vấn đề này. Theo Breton, dịch bệnh đang tạo ra tình huống chưa từng có trong lịch sử.
"Tất cả nền tảng phát trực tuyến, nhà mạng và người dùng đều phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đảm bảo hoạt động trơn tru của mạng Internet, tôi hoan nghênh giải pháp kịp thời mà Netflix thực hiện để duy trì hoạt động của mạng Internet trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và vẫn duy trì trải nghiệm tốt cho người dùng", ông nói.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), nhu cầu sử dụng Internet tăng nhanh, nhưng không xảy ra bất kỳ sự cố nghẽn mạng nào đến nay. Họ sẽ làm việc với các cơ quan quản lý Internet để thiết lập cơ chế giám sát lưu lượng truy cập và đáp ứng nhu cầu trong toàn khối. Các nhà mạng dự kiến chuyển tất cả cuộc gọi sang chất lượng tiêu chuẩn (chất lượng SD đối với cuộc gọi video).
"Ở giai đoạn này, các mẫu lưu lượng truy cập mới đang được kỹ sư xử lý theo hoạt động mạng tiêu chuẩn", Lise Fuhr, Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà mạng viễn thông châu Âu, nói. "Chúng tôi ủng hộ nỗ lực của EC để đảm bảo chính phủ và cơ quan quản lý quốc gia có tất cả công cụ cần thiết giữ cho mạng lưới ổn định trên khắp châu Âu".
Cuộc họp giữa lãnh đạo các nước công nghệ phát triển (G7) đầu tuần cũng được tổ chức trực tuyến.
Hans Vestberg, Giám đốc điều hành Verizion, khẳng định chưa phát hiện tình trạng nghẽn mạng và công ty đã chuẩn bị sẵn sàng xử lý lưu lượng truy cập cao. "Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi trong nhu cầu sử dụng Internet, gồm lưu lượng truy cập trò chơi trực tuyến tăng 75% và nhu cầu dành cho VPN tăng 30% so với tuần trước", Vestberg nói.
CEO Facebook Mark Zuckerberg cũng cho biết các dịch vụ của Facebook đang có lượng người dùng tăng đột biến. Đặc biệt, số lượng cuộc gọi video trên WhatsApp và Messenger cao gấp đôi bình thường.
Giáo sư Kin K. Leung của Đại học Hoàng gia London nhận định, lưu lượng sử dụng Internet cao không chỉ do nền tảng phát video trực tuyến, mà còn do hàng triệu người học tập và làm việc tại nhà. Mạng Internet có thể chịu sức ép lớn khi số buổi livestream lớp học và hội họp tăng lên theo cấp số nhân.
"Livestream đòi hỏi nhiều dữ liệu hơn video phát trực tuyến. Trong đó, dữ liệu được chia thành các gói riêng lẻ và đưa vào bộ nhớ đệm để ngăn hiện tượng gián đoạn", ông giải thích.
Giáo sư Leung cho rằng, người dùng nên cân nhắc có cần livestream hay không để giảm tải cho mạng Internet. "Mỗi người nên có ý thức về nhu cầu sử dụng mạng. Đó là giải pháp tốt giúp giảm bớt tình trạng quá tải", ông nói thêm.
Từ góc độ sản xuất, Netflix có lẽ là dịch vụ streaming bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch COVID-19. Tuần trước, Netflix đã phải ngừng tất cả quá trình sản xuất tại Mỹ và Canada vì lo ngại virus bùng phát. Trong số đó có mùa 4 của Stranger Things, cộng với một số bộ phim khác. Không lâu sau, việc sản xuất bộ phim The Witcher (được quay ở Anh) cũng bị hoãn lại. Một số bộ phim hy vọng sẽ có thể tiếp tục sản xuất trong vòng hai tuần tới, nhưng chưa rõ điều đó có thực sự khả thi hay không.
Mặc dù không phải ai cũng thích xem phim bằng chất lượng của Gói Tiêu chuẩn nhưng điều này cũng đã thể hiện trách nhiệm của Netflix đối với các mạng truyền thông trong thời điểm hiện tại. Khi hiện đang có rất nhiều người cần đến kết nối internet ổn định, việc mạng bị nghẽn hay đứt sẽ là một thảm họa.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở Châu Âu hiện vẫn đang được đảm bảo, và hy vọng biện pháp mới của Netflix sẽ giúp duy trì điều đó.
Minh Hà - Phương Anh