New Zealand: Điểm trốn dịch của giới nhà giàu Mỹ

Nguyệt Hằng 20:00, 21/04/2020

Bloomberg cho biết, những người giàu có nhất trong xã hội, bao gồm cả ở Thung lũng Silicon, đã lựa chọn New Zealand như một điểm đến an toàn để trú ẩn cho những thời điểm như ngày tận thế hoặc đại dịch toàn cầu. Việc di tản, trốn tránh đại dịch Covid-19, đang ngày càng lan rộng ở Mỹ.

New Zealand là một quốc gia xinh đẹp và khá tách biệt với thế giới.

Trong vài năm trở lại đây, New Zealand là một điểm đến nổi bật nằm trong kế hoạch sinh tồn cho ngày tận thế của giới nhà giàu Mỹ. Họ lo ngại rằng mầm bệnh gây chết người sẽ khiến cả thế giới tê liệt.

Nằm tách biệt ở phần rìa của trái đất, cách bờ biển phía nam của Australia khoảng 1.600 km, New Zealand có hơn 4,9 triệu dân. Quốc đảo xanh, sạch, đẹp này nổi tiếng vì cảnh quan ấn tượng, thoải mái về mặt chính trị và có cơ sở y tế hàng đầu.

Những tuần gần đây, quốc gia này đã nhận được nhiều lời ca ngợi vì biện pháp ứng phó với đại dịch. Chính phủ New Zealand ban hành lệnh cách ly từ sớm và hiện tại số ca phục hồi tăng cao hơn so với số ca nhiễm mới. Hiện tại, quốc gia này chỉ ghi nhận 12 trường hợp tử vong, trong khi con số ở Mỹ cao hơn gấp 50 lần.

Tại Mỹ, công ty xây dựng hầm trú ẩn an toàn dưới lòng đất Vivos đã lắp đặt một boong-ke với sức chứa 300 người ở South Island (Mỹ), theo Robert Vicino – nhà sáng lập của công ty có trụ sở tại California. Trong tuần qua, ông đã nhận được 2 cuộc gọi từ các khách hàng tiềm năng, họ mong muốn công ty xây dựng thêm các hầm trú ẩn ở khu vực này. 

Hiện tại, đã có hơn 20 gia đình Mỹ chuyển đến khu boong-ke có sức chứa 5.000 người của Vivos ở Nam Dakota, với diện tích bằng 3/4 khu Manhattan (New York). Trong khi đó, công ty này cũng xây dựng một hầm trú ẩn cho 80 người ở Indiana và đang phát triển thêm một khu 1.000 người tại Đức.

Boongke trú ẩn tại New Zealand.

Rising S Co. cho biết, trong vài năm qua đã xây dựng 10 boong-ke tư nhân tại New Zealand. Chi phí trung bình của mỗi hầm 150 tấn là 3 triệu USD, nhưng có thể tăng lên 8 triệu USD khi thiết kế thêm những tiện nghi khác như phòng tắm cao cấp, phòng chơi game, trường bắn, phòng tập thể dụng, rạp chiếu phim và giường bệnh.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại Mỹ, một số người ở Thung lũng Silicon đã chuyển đến các hầm trú ẩn ở New Zealand. Hôm 12/3, Mihai Dinulescu, 34 tuổi, đã quyết định tạm ngừng hoạt động start-up tiền điện tử của mình để trốn dịch. Anh chia sẻ: "Nỗi sợ của tôi là bây giờ hoặc không bao giờ. Tôi sợ rằng biên giới sẽ bị đóng cửa. Tôi cảm giác rất nôn nóng rằng chúng tôi phải rời đi".

Dinulescu đã đóng hành lý, để lại đồ đạc, TV, tranh vẽ và những vật dụng khác cho một số người bạn. Anh đã mua vé máy bay chuyến gần nhất trong vòng 12 giờ, cùng vợ lên chuyến bay lúc 7 giờ sáng đến Auckland. Cựu sinh viên Đại học Harvard cho biết, tại San Francisco, "toàn bộ khu vực sảnh quốc tế đều không một bóng người, hầu hết các máy bay đều trống trơn, trừ một chuyến đến New Zealand."

"Các nhà đầu tư công nghệ không nhất thiết nghĩ rằng sự sụp đổ của thế giới có thể xảy ra. Họ coi đó là một sự kiện trong tương lai xa, nhưng là một vấn đề rất nghiêm trọng, vì vậy nhiều người đã chi tiền, thậm chí một phần giá trị tài sản ròng của họ để chống lại điều này", cựu CEO Reddit, Yishan Wong, từng chia sẻ với tờ The New Yorker.

Theo Business Insider, những nhân vật đáng chú ý khác ở Thung lũng Silicon cũng đã chuẩn bị cho ngày tận thế bao gồm cựu chủ tịch của Y Combinator và hiện là CEO của OpenAI - Sam Altman, và CEO Reddit Steve Huffman. Nhà đầu tư mạo hiểm kiêm tỷ phú Peter Thiel, người đồng sáng lập PayPal cũng tham gia trào lưu nào. Ông trở thành công dân New Zealand vào năm 2011 và sở hữu hai tài sản ở nước này. Đạo diễn phim Hollywood James Cameron cũng đã dành tiền mua bất động sản tại đây.

"New Zealand là Utopia - vùng đất không tưởng", Thiel chia sẻ hồi năm 2011.

Ngoài Thung lũng Silicon thì các ông trùm phố Wall cũng đã được biết đến là những người đã chăm chỉ mua đất ở New Zealand. Xu hướng này bùng nổ mạnh đến nỗi đất nước này đã phải thông qua luật cấm hầu hết người nước ngoài mua nhà hoặc đất vào năm 2018.

Còn với Mihai Dinulescu, khối tài sản hiện tại của anh ở Mỹ đang được bạn bè trông hộ. Anh cho biết mình không có ý định quay trở về Mỹ cho đến khi dịch bệnh có dấu hiệu giảm. Hiện tỷ phú này đang sống tại một ngôi nhà 2 tầng với 3 phòng ngủ trên đảo Waiheke, với số tiền thuê lên tới 2.400 USD mỗ tháng. Tuy nhiên chi phí này chỉ bằng 1/3 so với số tiền thuê mà gia đình anh phải trả mỗi tháng cho căn hộ 2 phòng ngủ ở San Francisco.

Sau khi đại dịch bùng phát, đã rất nhiều người chấp nhận đầu tư hàng tỷ USD để được cấp visa đến New Zealand

Nguyệt Hằng (T/h)