Ngân hàng Chính sách xã hội cần đi đầu về thanh toán không dùng tiền mặt

11:50, 11/01/2024

Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải tại cuộc họp với Ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố để đánh giá kết quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Hơn 107 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn 

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, đến 31/12/2023, ttổng dư nợ các chương trình tín dụng đến ngày 31/12/2023 đạt 14.161 tỷ đồng với 266.766 khách hàng đang vay vốn, tăng 532 tỷ đồng so với quý III và tăng 1.430 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 11,2%, hoàn thành 99,9% kế hoạch được giao năm 2023.

Trong năm 2023, trên địa bàn Thành phố đã có trên 107.170 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tại NHCSXH. Trong đó có 87 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; trên 80.500 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm (từ nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương), góp phần thu hút 84.000 lao động;

NHCSXH cũng đã hỗ trợ vốn cho trên 26.000 hộ gia đình xây dựng mới, cải tạo trên 52.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và gần 160 khách hàng vay vốn để xây mới, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; giúp cho vay 296 lượt học sinh sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập, 5 lượt khách hàng để mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ cho vay vốn đối với 22 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; 20 lượt khách hàng là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn.

Theo Giám đốc NHCSXH Thành phố Hà Nội, các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) giải ngân qua NHCSXH đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, thực sự là công cụ, giải pháp đắc lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.

Cũng theo Giám đốc NHCSXH Thành phố Phạm Văn Quyết, tính riêng nguồn vốn ủy thác địa phương từ thành phố và các quận, huyện thị xã, trong năm 2023, doanh số cho vay đạt 2.875 tỷ đồng với trên 49.500 lượt khách hàng được vay vốn. Dư nợ đến 31/12/2023 đạt 7.427 tỷ đồng với trên 145.700 khách hàng đang vay vốn, tăng 567 tỷ đồng (tăng 8,3%) so với đầu năm.

Về công tác ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội, đến 31/12/2023, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 14.145 tỷ đồng với 266.440 khách hàng đang vay tại 7.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm tỷ trọng 99,9% tổng dư nợ, tăng 1.436 tỷ đồng so với đầu năm.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động TDCS cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm mặc dù đã được Thành phố quan tâm bổ sung hằng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn dẫn đến một số địa bàn có tình trạng chia nhỏ vốn cho nhiều người vay, mức cho vay thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn; đối tượng cần quan tâm, hỗ trợ của Thành phố cũng ngày càng được mở rộng nếu không được xem xét bổ sung, sửa đổi sẽ khó trong triển khai thực hiện để đạt được những hiệu quả như mong muốn…

Sẵn sàng mở tài khoản an sinh xã hội miễn phí 


Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải. Ảnh: VGP/Minh Anh

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, tại cuộc họp, các thành viên trong Ban đại diện NHCSXH Thành phố đã thảo luận, đồng thời đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn như chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch phường, xã; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng; nâng cao năng lực quản trị, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phối hợp kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận ủy thác của các đoàn thể chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải ghi nhận, biểu dương các kết quả đã đạt được của Chi nhánh NHCSXH Thành phố trong năm 2023. Đồng thời, nhấn mạnh, trong năm 2024, chi nhánh NHCSXH Thành phố phải phấn đấu triển khai hoàn thành các nhiệm vụ được giao, giải ngân vốn TDCS đến đúng đối tượng thụ hưởng, không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch được Trung ương và Thành phố giao.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải đề nghị mỗi thành viên trong Ban đại diện lựa chọn 5 việc lớn, trọng yếu của năm 2024, đăng ký với Thành phố để tổ chức thi đua. Đồng thời xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2024, trong đó xác định rõ người, rõ việc, rõ quy trình, đặt mục tiêu phấn đấu năm nay cao hơn năm trước.

Liên quan đến cơ chế chính sách tín dụng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải đề nghị các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai công tác thông tin tuyên truyền về TDCS xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, các cơ quan báo đài… 

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cũng đề nghị NHCSXH Thành phố tiếp tục tăng cường chuyển đổi số, phải đi đầu về thanh toán không dùng tiền mặt, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mở tài khoản an sinh xã hội miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng theo danh sách ngành Lao động Thương binh và Xã hội cung cấp và đồng hành cùng Ban Chỉ đạo Đề án 06 trong việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng đến các đối tượng thụ hưởng khi có chỉ đạo của UBND Thành phố.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(https://thanglong.chinhphu.vn/ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi-can-di-dau-ve-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-103240112001605418.htm)