Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm tiền ngắn hạn ra do căng thẳng thanh khoản
Thời gian gần đây, tín dụng có dấu hiệu tăng mạnh, thanh khoản hệ thống ngân hàng có phần căng thẳng hơn buộc Ngân hàng Nhà nước phải liên tục bơm tiền ngắn hạn ra ngoài.
Cụ thể, theo báo cáo cập nhật vĩ mô mới công bố của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, tính tới cuối tháng 4, lãi suất huy động 12 tháng tiếp tục tăng thêm 0,08 điểm phần trăm, lên mức 5,66%.
Tăng trưởng tín dụng (tới ngày 31/3/2022) đạt 5,04%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Tín dụng tăng mạnh đã khiến cho thanh khoản hệ thống ngân hàng có phần căng thẳng hơn và phải liên tục sử dụng tới kênh OMO để bơm tiền ngắn hạn ra ngoài hệ thống sau gần 1 năm kênh này đóng băng.
Diễn biến này khiến cho lãi suất huy động tăng 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ, sau hơn 2 năm liên tục giảm.
Trên thị trường ngoại tệ, tính tới cuối tháng 4, đồng VND giảm 0,53% so với cuối tháng trước. So với cuối năm 2021, đồng VND cũng giảm 0,57%. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, chỉ số DXY ghi nhận mức tăng 5,40% so với tháng trước và 8,31% so với đầu năm.
Theo BVSC, tất cả đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á (theo mẫu theo dõi của BVSC) vẫn có diễn biến giảm so với USD trong tháng đầu tiên của năm 2022. Trong đó, đồng won của Hàn Quốc có diễn biến giảm mạnh nhất, ở mức 6,56%; còn đồng VND ghi nhận mức giảm thấp nhất, 0,57%.
Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, sau các phát biểu của một số thành viên Fed, cùng với lạm phát của Mỹ tiếp tục leo cao, nhiều khả năng Fed sẽ nâng lãi suất mạnh hơn 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 5 tới. Sau đó, Mỹ bắt đầu thực hiện thắt chặt định lượng.
Điều này đã khiến đồng USD có diễn biến tăng mạnh trở lại trong thời gian gần đây, đồng thời làm các đồng tiền khác mất giá. Dù vậy, với nền kinh tế vĩ mô ổn định và nguồn dự trữ ngoại hối lớn, BVSC đánh giá biến động của tỷ giá trong năm 2022 sẽ không quá lớn, dao động quanh mức +/-2% trong năm nay.
Minh Thuỳ (T/h)