Ngân hàng số - lựa chọn tối ưu của khách hàng
Thời gian qua, việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng số được các ngân hàng đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm lây lan, các dịch vụ ngân hàng điện tử được coi là lựa chọn tối ưu với cả khách hàng doanh nghiệp cũng như cá nhân.
- Übank - Ứng dụng ngân hàng số tiên phong trong việc cung cấp mọi dịch vụ từ xa và sinh lời tự động
- Singapore tăng cường các biện pháp bảo mật cho hoạt động ngân hàng số
- Singapore tăng cường bảo mật cho ngân hàng số
- VPBank chính thức ra mắt ứng dụng VPBank NEOBiz - Ngân hàng số cho Doanh nghiệp
- VPBank là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng “Ngân hàng số sáng tạo nhất 2021”
Khách hàng thanh toán thông qua ứng dụng Sacombank Banking của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín.
Theo các chuyên gia, một trong những điểm thuận lợi đối với các ngân hàng trong việc áp dụng công nghệ và mở rộng mảng kinh doanh bán lẻ là do Việt Nam có tỷ lệ người dân mua sắm qua thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á, với khoảng 50 triệu người (khoảng 50% dân số). Vì vậy, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến (online) như internet banking, mobile banking… có tốc độ tăng trưởng vượt bậc, đến nay đã chiếm hơn 40% giao dịch, cá biệt có ngân hàng đạt tỷ lệ hơn 80% tổng số giao dịch; tốc độ tăng trưởng thanh toán qua QRcode năm 2021 đạt tới 200% so với 2020.
Trong các dịch vụ được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay có thanh toán bằng mã QR. Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là ngân hàng thứ 35 trong mạng lưới Napas (Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam) cung cấp dịch vụ, hướng tới phổ cập tài chính hiện đại đến nông thôn lẫn thành thị. Khách hàng có thể tạo mã VietQR để nhận tiền từ người khác, giúp quá trình chuyển khoản trên ứng dụng đơn giản, thuận tiện hơn.
Lãnh đạo Agribank khẳng định: Giải pháp này góp phần mở rộng mạng lưới thanh toán bằng mã VietQR nói chung và đem lại cơ hội cho người dân ở khu vực nông thôn, hải đảo tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại với chi phí rất thấp thông qua mạng lưới gần 2.300 chi nhánh của Agribank toàn quốc.
Theo đại diện Napas, phương thức chuyển tiền, thanh toán bằng mã VietQR đem lại nhiều lợi ích và phù hợp với mọi đối tượng sử dụng mà không phát sinh thêm chi phí. Để thuận tiện, người bán có thể in mã VietQR đặt tại các quầy thanh toán, website hoặc gửi hình ảnh mã VietQR cho người mua. Cùng với dịch vụ Napas247, phương thức chuyển tiền bằng mã VietQR thực hiện mọi lúc mọi nơi 24/7...
Đến nay, có 35 ngân hàng cung cấp chuyển nhanh bằng mã VietQR, chiếm 96% thị phần các đơn vị hỗ trợ dịch vụ Napas247. Song song với việc mở rộng thị phần, thời gian tới Napas sẽ phối hợp với các ngân hàng thành viên triển khai các chương trình và hoạt động thúc đẩy thói quen thanh toán bằng mã VietQR.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng đẩy mạnh phát hành thẻ bằng phương thức điện tử. Lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, nhận thấy tiềm năng và sức mạnh của ngân hàng số, BIDV đã sớm đưa ra những chiến lược chuyển đổi số rõ ràng và mạnh mẽ, trong đó có triển khai dịch vụ BIDV SmartBanking thế hệ mới. Những trải nghiệm mới mà dịch vụ ngân hàng số BIDV SmartBanking mang lại cho người dùng gồm: Đồng nhất tên đăng nhập và mật khẩu; mở tài khoản trực tuyến bằng eKYC; rút tiền, chuyển tiền bằng mã QR. Chỉ cần đăng nhập vào BIDV SmartBanking và chọn “Rút tiền bằng mã QR”, khách hàng có thể rút tiền đơn giản, nhanh chóng.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là động lực phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ và đây cũng là định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu của các ngân hàng, giúp các ngân hàng mở rộng thị trường và tạo nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế. Đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua kích thích việc đẩy nhanh các ứng dụng công nghệ để phát triển các dịch vụ ngân hàng theo hướng tiếp cận rộng hơn tới công chúng. Đó là các ứng dụng mới như: Mobile banking, internet banking, QR code…
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Chính phủ đã ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là các định hướng có tính nền tảng, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thực hiện tăng tốc chuyển đổi số, mở rộng các dịch vụ tài chính cá nhân trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.
Theo/www.hanoimoi.com.vn