Ngành Bảo hiểm xã hội tích cực chuyển đổi số

20:06, 23/08/2022

Theo bảng xếp hạng về chuyển đổi số năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đứng thứ ba trong tổng số 17 bộ, ngành tham gia đánh giá, tăng 1 bậc so với năm 2020. Để có được kết quả này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực chuyển đổi số; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; vận động người dân sử dụng ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID)…

 

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

 

Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Nguyên Bồng cho biết, việc đưa ứng dụng VssID vào hoạt động từ giữa tháng 11-2020 là điểm nhấn quan trọng của ngành Bảo hiểm xã hội trong kế hoạch chuyển đổi số. Dự kiến đến cuối năm 2022, cả nước có 35 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan Bảo hiểm xã hội được đăng ký, phê duyệt để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID (hiện nay là hơn 26 triệu tài khoản).

Trong quá trình sử dụng ứng dụng VssID, người dân có thể thực hiện nhiều giao dịch điện tử, thay thế cho nhiều loại giấy tờ, thủ tục trước đây. Nổi bật là hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng này đã có gần 1,4 triệu lượt người sử dụng để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ngoài ra, người dùng có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; phát huy vai trò giám sát điện tử về quá trình đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của bản thân.

Qua theo dõi, giám sát, một số trường hợp đã phát hiện những thông tin thiếu chính xác. Có thể kể đến trường hợp chị N.T.L (trú tại quận Hoàng Mai) phát hiện sổ khám, chữa bệnh trên ứng dụng VssID có lịch sử chị từng khám thai tại một số cơ sở y tế vào năm 2018. Trong khi trên thực tế, chị L. mang thai lần đầu vào năm 2019, nên chị L. đang đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ. Bên cạnh đó, đến nay, 100% dịch vụ công của ngành Bảo hiểm xã hội được thực hiện ở mức độ 4, giúp người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội 24/7 thông qua nhiều kênh thông tin.

Nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tham gia, vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương xác minh phản ánh của người dân về thông tin chưa chính xác trên ứng dụng VssID. Nếu phát hiện có dấu hiệu trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, ngành Bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp với các ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định.

Ngoài ứng dụng VssID, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực, chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đến hết ngày 31-7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ gần 38 triệu lượt bản ghi thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm căn cứ để các bên phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Tiện ích thấy rõ là người dân có thể sử dụng căn cước công dân gắn chíp để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại gần 7.000 cơ sở y tế, tương ứng với hơn 50% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc.

Nhờ quá trình tích cực chuyển đổi số, từ đầu năm đến hết tháng 7-2022, hệ thống giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử đã tiếp nhận gần 55 triệu hồ sơ (chiếm 82,8% tổng số hồ sơ tiếp nhận), tăng cao so với cùng kỳ những năm trước. Đáng chú ý, thông qua công nghệ số, quy trình tiếp nhận các chế độ, chính sách của người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được rút ngắn. Gần đây nhất, chỉ sau ít ngày chi hỗ trợ đợt 2 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, đại đa số người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng đã nhận tiền, không để xảy ra sai sót.

“Việc thực hiện giao dịch điện tử, số hóa dữ liệu về bảo hiểm xã hội giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp, góp phần cùng các bộ, ban, ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới xây dựng chính phủ số”, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Theo Báo Hànộimới