Ngành ngôn ngữ học Việt Nam phải làm gì cho định hướng chiến lược với CNTT?

12:43, 26/07/2022

Nhà ngữ học hiện đại phải hiểu biết về lập trình và thuật toán để hiểu CNTT xử lý ngôn ngữ như thế nào; hiểu cơ sở dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, cùng đại cương về công nghệ dịch thuật và ngôn ngữ học máy tính.

CNTT và ngôn ngữ giống như hai mặt không thể tách rời của một tờ giấy

CNTT và ngôn ngữ giống như hai mặt không thể tách rời của một tờ giấy.

Với việc công nghệ thông tin được đưa vào Nghị quyết Đại hội của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam mới đây, sẽ có rất nhiều việc cần phải làm, mà việc đầu tiên chính là đào tạo nhân lực.

Như hai mặt của một tờ giấy

Nói đến ngôn ngữ học, đã có định nghĩa cho rằng đây chính là toán học của khoa học xã hội. Khác với các ngành khoa học xã hội khác, ngôn ngữ học là ngành học đòi hỏi sự phân tích rõ ràng và chính xác. Và ai cũng thấy, mọi hoạt động của xã hội loài người trong tất cả các lĩnh vực đều cần phải sử dụng đến ngôn ngữ để giao tiếp và lưu trữ.

Đương nhiên, bước vào thời đại công nghệ thông tin (CNTT), ngôn ngữ học lại càng gắn kết mật thiết hơn với CNTT. Thậm chí, có thể ví như hai mặt không thể tách rời của một tờ giấy. Như thế có thể nói, ở đâu có CNTT, thì ở đó có ngôn ngữ.

Chính vì thế, để phát triển CNTT với mọi quốc gia và dân tộc, thì việc quan trọng đầu tiên là phải quan tâm giải quyết các yêu cầu về ngôn ngữ học. Chỉ khi làm được việc này thì mới có thể kỳ vọng cho sự phát triển CNTT với mọi nhu cầu khác, bởi mọi thứ đều không thể thiếu ngôn ngữ học.

Định hướng này cần được cụ thể hoá như thế nào? Có rất nhiều việc để làm, nhưng theo cố GS. Hoàng Phê thì việc đầu tiên là bản thân giới ngôn ngữ học cần được cập nhật các kiến thức CNTT liên quan đến chuyên môn của mình.

Cần những khoá học về CNTT

Trước hết, phải tìm hiểu xem các chuyên gia ngôn ngữ học cần cập nhật những kiến thức gì của CNTT? Nếu cứ bám theo lịch sử CNTT nước nhà, sẽ thấy ngay những đầu mục cần đặt ra với xuất phát điểm là phải soạn thảo được tiếng Việt trên máy tính và đến nay là công nghệ dịch thuật, hỏi đáp thông minh, v.v.

Như vậy, sẽ phải liệt kê ra một danh mục lựa chọn với hàng chục môn học của CNTT liên quan đến ngôn ngữ học. Các nhà ngôn ngữ phải hiểu biết về lập trình và thuật toán. Sự hiểu biết này không phải là để làm thay công việc của các lập trình viên, mà để biết được CNTT sẽ xử lý ngôn ngữ như thế nào. Tiếp đó, là các kiến thức về cơ sở dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, rồi đến vấn đề rất thời sự là công nghệ dịch thuật. Và không thể thiếu môn ngôn ngữ học máy tính mà ít nhiều đã có trong chương trình đào tạo ở bậc đại học của ngành ngôn ngữ học.

Chỉ sau khi số đông các chuyên gia ngôn ngữ học thực sự lĩnh hội được các kiến thức CNTT liên quan, lúc đó mới có thể nói đến việc tiếp theo sẽ là gì! Đáng mừng là trong Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cuối năm 2010 đã có 4 chữ “xử lý tiếng Việt” trong nhiệm vụ thứ 6 về tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, làm chủ và từng bước sáng tạo ra công nghệ cho chế tạo sản phẩm mới. Đây sẽ là tiền đề cho một chiến lược riêng về công nghệ ngôn ngữ.

Nhưng việc cụ thể hoá cho tiểu nhiệm vụ “Xử lý tiếng Việt” chỉ có thể làm được khi bên cạnh đội ngũ chuyên gia CNTT thực sự hiểu biết và có sản phẩm về lĩnh vực này, phải có cả những chuyên gia ngôn ngữ học thực sự đã hiểu biết sâu sắc về CNTT. Cũng phải nói thêm là vai trò của Nhà nước trong quá trình này là hết sức quan trọng. Vì nói như GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học – xây dựng và ban hành chính sách là việc của Nhà nước. Tiêu chuẩn cũng phải do Nhà nước ban hành và sản phẩm mẫu muốn có thì cũng phải được Nhà nước đặt hàng.

Còn theo như GS. TS. Ngô Thanh Nhàn – một Việt kiều ở Mỹ trong lĩnh vực này – thì chúng ta không thể trông chờ Microsoft hay Apple, và Việt Nam cũng không thể bản địa hoá tự do trên nền hệ điều hành sở hữu của họ. Việc này không thể có công ty tư nhân, cá nhân, nước ngoài hay thị trường tự do nào làm được ngoài Chính phủ.

Cũng chính vì thế, rất mong Nhà nước, mà cụ thể ở đây là Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Khoa học - Công nghệ sớm dành sự quan tâm đến định hướng chiến lược này.

Thêm vào đó, công luận cũng đang trông chờ một chương trình hành động của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam nhằm cụ thể hoá cho việc CNTT đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội VII mới đây, để có thể đóng góp xứng đáng cho tương lai phát triển của nước nhà.

Theo viettimes.vn