Ngành sản xuất máy thở kiếm bộn tiền trong dịch Covid-19
Ngành công nghiệp sản xuất máy thở toàn cầu đang chứng kiến doanh số tăng vọt khi dịch Covid-19 lan rộng và số ca dương tính sắp chạm mốc 1,7 triệu.
Theo Global Newswire, báo cáo của Fior Markets cho biết doanh thu của ngành công nghiệp sản xuất máy thở toàn cầu sẽ tăng vọt 150,1% từ 4,68 tỷ USD năm 2019 lên mức kỷ lục 11,7 tỷ USD trong năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy số ca dương tính với virus corona chủng mới sắp chạm mốc 1,7 triệu, với hơn 102.000 người thiệt mạng. Chỉ riêng tại Mỹ đã có tới hơn 500.000 người nhiễm Covid-19. Số ca dương tính ở thành phố New York cao hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Doanh số của ngành công nghiệp máy thở toàn cầu tăng 150,1% trong năm nay. Ảnh: Getty Images
Máy thở đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị cho các bệnh nhân bị suy hô hấp. Máy thở có khả năng đưa từ 21-100% khí chứa oxy vào phổi của bệnh nhân. Hiện Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu đang chật vật với tình trạng thiếu hụt nguồn cung máy thở.
Ngày 25/4, Ủy ban châu Âu tiết lộ chuỗi cung ứng máy thở khắp khu vực chỉ có thể đáp ứng vỏn vẹn 10% nhu cầu. Các bệnh viện ở Italy và Tây Ban Nha quyết định không sử dụng máy thở với các bệnh nhân trên 60 tuổi. Viện Y tế Khẩn cấp Mỹ xác định khoảng 960.000 bệnh nhân sẽ cần máy thở.
WHO cũng xác định cứ 6 bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ có một người rơi tình trạng nặng và cần sự hỗ trợ từ máy thở. Trong khi đó, số lượng máy thở trên toàn cầu hiện chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu thực tế tại các bệnh viện.
Hiện tại, Trung Quốc được xem là công xưởng sản xuất máy thở của thế giới, chiếm 20% tổng sản lượng toàn cầu.
Phương Anh (TH)