Ngành Thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra kinh doanh nền tảng số

14:28, 28/07/2023

Lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá, một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế trong 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm; đã tăng cường thanh kiểm tra doanh nghiệp thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết...

Triển khai gần 26 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến định hướng triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 vừa qua, Tổng cục Thuế cho biết, trong bối cảnh kinh tế chịu sự tác động không thuận lợi bởi các yếu tố khách quan và chủ quan, ngành Thuế đã nỗ lực triển khai, thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm và 22 nhóm giải pháp đã đề ra tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2022. 

Năm 2023, dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) được Quốc hội giao cho cơ quan Thuế là 1.373.244 tỷ đồng. Kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 do ngành Thuế quản lý ước đạt 743.003 tỷ đồng, bằng 54,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 94,2% so với cùng kỳ. 

Một số nhiệm vụ trọng tâm đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra được cơ quan thuế các cấp triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quản lý của ngành như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra thuế trong lĩnh vực hóa đơn; hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT); các DN có phát sinh giao dịch liên kết...

Theo số liệu thống kế tính đến hết tháng 6/2023, ngành Thuế đã thực hiện được 25.912 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra được 276.366 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 91,06% so với cùng kỳ năm 2022. Qua qua thanh tra, kiểm tra kiến nghị xử lý 30.276 tỷ đồng bằng 177% so với cùng kỳ năm 2022.

Công tác quản lý nợ thuế, thu hồi nợ thuế đã được cơ quan thuế các cấp quan tâm, chú trọng triển khai. Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thuế thu hồi nợ thuế ước đạt 21.408 tỷ đồng.

Tổng số tiền thuế nợ ngành Thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30/6/2023 là 151.976 tỷ đồng, tăng 1,3% so với thời điểm ngày 31/5/2023, tăng 2,8% so với thời điểm ngày 31/12/2022; lũy kế kết quả thực hiện xử lý nợ từ khi Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước có hiệu lực từ 01/7/2020 đến cuối tháng 6/2023 ước đạt 37.059 tỷ đồng.

Công tác quản lý hoàn thuế được triển khai, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật của Nhà nước. Để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm và gian lận trong hoàn thuế GTGT, cơ quan thuế các cấp đã tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống gian lận trong hoàn thuế GTGT.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cơ quan thuế đã ban hành 8.510 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 61.093 tỷ đồng, bằng 33% so với kinh phí hoàn thuế GTGT năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt.

Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu mới trong công tác quản lý thuế.

Đồng thời, triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Tổng cục Thuế đã tham mưu trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Ngày 15/12/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin TMĐT để tiếp nhận thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT. Ảnh: VGP

Nâng cao chất lượng kiểm tra nội bộ trong toàn ngành

Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước giao năm 2023; tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách; đẩy mạnh xử lý thu hồi nợ đọng.

3 nhóm giải pháp trọng tâm đã được xác định đối với ngành Thuế trong thời gian tới là:

Một là, tập trung thực hiện triển khai chiến lược cải cách hệ thống thuế bao gồm việc tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách và công tác quản lý thuế; hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng chính sách theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2023 được phân công chủ trì cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính.

Hai là, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực và hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý thuế; cần tập trung rà soát hoàn thiện bộ máy cơ quan thuế từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở đó phối hợp với đơn vị có liên quan để trình quyết định chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Thuế. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra nội bộ trong toàn ngành; thực hiện kỷ luật tài khóa, triệt để tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước.

Ba là, đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng quản lý thuế, quan trọng nhất là hạ tầng số. Thời gian qua, ngành Thuế đã tiến một bước dài trong chuyển đổi số công tác quản lý thuế (từ kê khai điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử đến hóa đơn điện tử, kê khai điện tử xuyên biên giới). Ngành Thuế cần tiếp tục thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế, đẩy mạnh nâng cấp các công cụ khai thác, phân tích, quản lý, sử dụng dữ liệu từ hóa đơn điện tử phục vụ công tác quản lý thuế; quản ký hộ kinh doanh qua bản đồ số, cơ sở dữ liệu giao dịch bất động sản…./.

Theo thanhtravietnam.vn

https://thanhtravietnam.vn/thanh-tra/nganh-thue-tang-cuong-thanh-tra-kiem-tra-kinh-doanh-nen-tang-so-205251.html