Nghệ An cần phát huy lợi thế thương mại điện tử thời dịch Covid-19
Thay vì giao dịch hàng hóa truyền thống, các hình thức mới đang có sự tăng trưởng vượt bậc. Dịch Covid-19 xuất hiện, theo khuyến cáo của các ngành chức năng “hạn chế tới chỗ đông người”, đây cũng là cơ hội thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) phát triển hơn bao giờ hết.
Theo kết quả khảo sát của Sở Công Thương Nghệ An, Hiệp hội TMĐT, hiện tỉnh Nghệ An đã có 100% doanh nghiệp sử dụng email trong công việc trao đổi, hoá đơn, hợp đồng, kê khai thuế phí qua mạng…; trên 80% doanh nghiệp xây dựng website, tham gia sàn giao dịch TMĐT hoặc ứng dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu, mua bán các sản phẩm và các dịch vụ kèm theo.
Mọi năm, hoạt động mua bán trên mạng chỉ nở rộ vào thời điểm trước tết, còn thời điểm sau tết thường trầm xuống thì trong thời điểm đầu năm 2020, hoạt động mua bán trên mạng vẫn rất sôi động. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến hành vi mua sắm, người tiêu dùng muốn tránh xa đám đông nhiều hơn, hạn chế đi đến siêu thị, trung tâm mua sắm, các dịch vụ trực tuyến vì thế ngày càng phát triển và thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Do đó, tăng trưởng trong ngành này sẽ có nhiều đột phá thời gian tới.
Người nộp thuế trước bạ ôtô, xe máy có thể nộp qua ngân hàng điện tử hoặc nộp tiền mặt, chuyển khoản tại quầy giao dịch của ngân hàng.
Theo đại diện chuỗi siêu thị Vinmart ở Nghệ An, các hệ thống triển khai giao hàng tận nhà tất cả các nhóm hàng thực phẩm thiết yếu như gạo, mì ăn liền, dầu ăn, nước tinh khiết; nhóm hóa phẩm; nhóm đồ dùng gia đình… Hệ thống cũng đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm đảm bảo lượng hàng phục vụ người dân tại các siêu thị dồi dào về số lượng và chủng loại, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, giá cả ổn định.
Tương tự, để tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, hệ thống siêu thị Big C Vinh đang tăng cường hình thức bán hàng qua điện thoại, người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày khi có nhu cầu, không cần tích trữ khiến thực phẩm giảm mất sự tươi ngon.
Theo Sở Công Thương Nghệ An, TMĐT Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế, còn thiếu sàn giao dịch uy tín, có sức hút lớn đối với người dân, và phần lớn người dân vẫn có thói quen giao dịch truyền thống.
Trên thực tế với thị trường trên 3 triệu dân, mạng 2G, 3G, 4G phủ sóng gần 100% diện tích, Nghệ An được Hiệp hội TMĐT đánh giá là tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá và là một trong những tỉnh có chỉ số TMĐT đứng Top 20 của cả nước. Năm 2016 đạt 30,7 điểm, đứng thứ 17/63 tỉnh thành và tới năm 2019 đạt 42,4 điểm, xếp thứ 15 của cả nước.
Hiện doanh nghiệp Nghệ An đã đầu tư xây dựng trên 1.800 website nhưng mới chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin sản phẩm dịch vụ đang kinh doanh, giá bán, chưa có giỏ hàng, đặt hàng trực tuyến… nên chưa phát huy hết hiệu quả; nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng cập nhật, làm mới thông tin, quảng bá hàng hoá… để người tiêu dùng lựa chọn, tương tác.
Cả tỉnh Nghệ An chỉ có 650 đơn vị, cá nhân tiến hành đăng ký, thông báo website với Cục Thương mại điện tử Bộ Công Thương, đây là con số quá khiêm tốn so với số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong thời gian ngắn hạn, TMĐT Nghệ An vẫn phát triển trên nền tảng mạng xã hội và các nền tảng TMĐT sẵn có phổ biến với những hình thức bán hàng online của các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong TMĐT cũng sẽ được ưu tiên, nhằm tránh hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt.
Đây là tín hiệu tốt cho TMĐT trong thời gian tới. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng hoạt động TMĐT của các doanh nghiệp nhỏ trên môi trường ảo, giúp đảm bảo hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
Thùy Chi/TH