Nghị quyết 57 - tháo gỡ rào cản cơ chế, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp khoa học

11:25, 16/04/2025

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã mở ra hướng đi mới cho các viện nghiên cứu công lập, tháo gỡ rào cản trong cơ chế quản lý, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp khoa học.

Thách thức trong cơ chế quản lý và nhu cầu thay đổi ở hệ thống viện nghiên cứu

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kỷ nguyên số đang bùng nổ, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà trở thành yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Với tầm nhìn “vươn mình của dân tộc”, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, song song với những thành tựu đạt được, cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ vẫn gặp không ít bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát huy sức sáng tạo của các nhà khoa học.

Nghị quyết số 57-NQ/TW như một “luồng gió mới” để tháo gỡ rào cản, khắc phục điểm nghẽn trong hoạt động khoa học công nghệ. Nghị quyết không chỉ tạo động lực cho các nhà khoa học và viện nghiên cứu phát huy năng lực nghiên cứu mà còn mở đường cho việc ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu một cách hiệu quả, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển dựa trên tri thức.

Nghiên cứu khoa học công nghệ được "cởi trói" góp phần đưa đất nước phát triển dựa trên tri thức. Ảnh minh họa

Hệ thống các viện nghiên cứu ở Việt Nam từ lâu đã được xây dựng và quản lý theo mô hình bao cấp với nền kinh tế kế hoạch hóa. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, các viện nghiên cứu được áp dụng Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ nhằm đảm bảo tính tự chủ về tài chính, tổ chức và biên chế. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nếu một viện nghiên cứu chỉ “đợi” nguồn kinh phí từ Nhà nước mà không ứng dụng được kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp hay tự sản xuất kinh doanh, thì đó giống như một “thùng không đáy”.

Trong suốt gần 20 năm qua, sau khi áp dụng Nghị định 115/2005/NĐ-CP và một số nghị định tiếp theo như 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập..., các viện nghiên cứu đã vấp phải nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tính tự chủ và tạo ra nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu. Nhiều viện, đặc biệt là ở lĩnh vực khoa học cơ bản và khoa học xã hội – nhân văn, vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài cũng như chuyển giao công nghệ. Hạn hẹp về nguồn lực ngân sách, mức lương thấp, áp lực công việc cao cùng với cơ chế tinh giản biên chế đã khiến nhiều tổ chức khoa học và công nghệ gặp tình trạng “trì trệ”, không còn sức cạnh tranh.

Đặc biệt, các viện nghiên cứu chuyên ngành như Viện Năng lượng Nguyên tử (VINATOM) đang phải vật lộn trong bối cảnh tự chủ tài chính gay gắt. TS Trần Chí Thành – Viện trưởng VINATOM chia sẻ, các đơn vị trong VINATOM buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các cơ chế tự chủ theo quy định, từ đó bị kìm hãm khả năng tự chủ về sản xuất kinh doanh, hạn chế việc nâng giá sản phẩm hoặc dịch vụ. Hệ quả là, hệ thống các viện nghiên cứu không thể thu hút được nguồn nhân lực trẻ, chất lượng và nhiều tài sản trí tuệ không được phát huy hiệu quả thực tiễn.

Những hạn chế này đã làm dấy lên nhu cầu phải thay đổi căn bản cơ chế quản lý khoa học công nghệ, tháo gỡ rào cản trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, qua đó tạo điều kiện cho các nhà khoa học được “chuyên tâm” nghiên cứu và hưởng lợi trực tiếp từ thành quả của mình.

Những bước đi đột phá, cải cách hệ thống khoa học công nghệ

Nghị quyết số 57-NQ/TW đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong công cuộc đổi mới, cải cách hệ thống khoa học công nghệ tại Việt Nam. Với quan điểm “đổi mới – bảo đảm quản lý hiệu quả”, nghị quyết không chỉ tháo gỡ các rào cản trong cơ chế quản lý mà còn thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Theo đó, các viện nghiên cứu sẽ được khuyến khích thành lập và điều hành doanh nghiệp dựa trên nền tảng kết quả nghiên cứu của mình. Điều này cho phép nhà khoa học có thể chuyển giao, bán sản phẩm khoa học và nhận được lợi nhuận thông qua hình thức chia sẻ cổ phần, chính sách tài chính ưu đãi hay các khoản lợi nhuận từ thương mại hóa công nghệ.

GS. TS Chu Hoàng Hà – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, việc xây dựng Kế hoạch 116/QĐ-VHL nhằm đưa Viện trở thành trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu là một trong những bước đột phá quan trọng theo Nghị quyết 57-NQ/TW.

Theo kế hoạch này, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ tăng 50% số công bố quốc tế và các bằng sở hữu trí tuệ so với giai đoạn 2020 – 2025; đồng thời phát triển 30 công nghệ lõi, với trọng tâm tập trung vào trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến và công nghệ sinh học. Mục tiêu thu hút từ 20 đến 30 nhà khoa học trẻ tài năng mỗi năm và đào tạo 5.000 nhà khoa học có trình độ quốc tế là minh chứng cho cam kết nâng cao năng lực nghiên cứu quốc gia.

Một điểm đột phá nữa của Nghị quyết số 57-NQ/TW là việc khuyến khích hợp tác công – tư, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Các viện nghiên cứu sẽ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, biến các phòng thí nghiệm thành “vườn ươm” công nghệ, từ đó đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Qua đó, sản phẩm khoa học không chỉ dừng lại ở cấp độ lý thuyết mà còn có thể nhanh chóng được ứng dụng vào sản xuất và đời sống, tạo ra giá trị kinh tế thiết thực. Đây chính là bước chuyển mình cần thiết để biến sáng tạo thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và hiện đại hóa kinh tế đất nước.

GS.TS Trần Đại Lâm - Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hướng phát triển khoa học cơ bản theo tầm nhìn dài hạn. Ông cho rằng, để đạt được đột phá công nghệ trong tương lai, cần có một chiến lược phát triển tối thiểu 20 năm với định hướng rõ ràng vào các lĩnh vực then chốt như công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, tổng hợp sinh học và năng lượng nhiệt hạch. Những lĩnh vực này không mang lại kết quả tức thì nhưng sẽ là nền tảng để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam nếu được đầu tư đúng trọng điểm và kịp thời.

Bên cạnh đó, việc phát hiện và ươm mầm nhân tài từ hệ thống giáo dục phổ thông cũng được Nghị quyết số 57-NQ/TW chú trọng. Các nhà khoa học cần có cơ chế phát hiện, tuyển chọn và đào tạo từ sớm, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho tương lai. Chính sách học bổng, cam kết đào tạo chuyên sâu và hỗ trợ phát triển sự nghiệp cho học sinh giỏi trong các môn khoa học cơ bản được xem là bước đệm quan trọng trong chiến lược “nuôi dưỡng tài năng” một cách hệ thống và liên tục.

Nghị quyết số 57-NQ/TW với 7 nhiệm vụ và giải pháp toàn diện trên các lĩnh vực thể chế, nhân lực, tài chính, hợp tác quốc tế, quản trị và chuyển đổi số chính là nền tảng để nâng tầm năng lực khoa học công nghệ quốc gia. Với sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương và sự hưởng ứng tích cực từ đội ngũ cán bộ khoa học, việc triển khai đồng bộ Nghị quyết hứa hẹn sẽ tạo ra một môi trường sáng tạo, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ đột phá, đưa Việt Nam nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế trong kỷ nguyên tri thức.

Với những bước đi chiến lược theo Nghị quyết số 57-NQ/TW, các viện nghiên cứu công lập đang dần xoá bỏ những rào cản cũ, mở rộng quyền tự chủ, từ đó thúc đẩy quá trình ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Sự thay đổi này không chỉ giúp cải thiện chất lượng nghiên cứu, mà còn góp phần tạo ra giá trị kinh tế và đáp ứng những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Qua đó, Việt Nam sẽ có thể vươn mình trở thành một quốc gia phát triển giàu mạnh, hiện đại và tiên tiến trên bản đồ khoa học công nghệ toàn cầu.