Nghị quyết 57 tạo động lực cho khoa học nông nghiệp

11:07, 16/01/2025

Theo PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, mục tiêu nâng đầu tư cho KHCN lên 2% GDP sẽ tạo động lực lớn cho giới nghiên cứu.

Triển vọng cơ chế "đầu tư công - quản trị tư"

Sau khi nghe Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị về đầu tư, thúc đẩy khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi - những người làm khoa học trong các viện nghiên cứu cảm thấy vô cùng phấn khởi. Đây là nguồn động viên tinh thần to lớn cho các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, cho toàn bộ ngành nghiên cứu khoa học nói chung.

PGS.TS Đào Thế Anh được xem là chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp sinh thái và chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm. Ảnh: Bảo Thắng.

Trong hệ thống của chúng ta, ngoài những nỗ lực từ phía nông dân và doanh nghiệp, đóng góp của KHCN và nghiên cứu là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, cơ chế quản lý KHCN hiện nay vẫn còn khá lạc hậu so với thế giới, chưa theo kịp nhu cầu thực tế. Nếu không sớm thay đổi, những tồn tại này sẽ tiếp tục cản trở sự phát triển. Đây cũng là vấn đề mà các viện nghiên cứu và các nhà khoa học đã kiến nghị từ lâu.

Chỉ thị về “đầu tư công - quản trị tư” chính là chìa khóa để thúc đẩy cơ chế tự chủ tại các viện nghiên cứu công lập. Khi thị trường ngày càng đặt hàng nhiều hơn đối với các nghiên cứu khoa học, các viện, trường cần tăng cường hợp tác và hoạt động tích cực hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, cơ chế tự chủ lại mang ý nghĩa “tự túc kinh phí” nhiều hơn.

Kinh phí đầu tư vào nghiên cứu giảm sút không chỉ gây khó khăn cho các hoạt động chuyên môn mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các nhà khoa học, dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám”. Nếu chúng ta không có những nhà khoa học giỏi, nền khoa học nông nghiệp không thể phát triển bền vững. Cốt lõi của sự phát triển vẫn là con người.

Chỉ thị về 'đầu tư công - quản trị tư' chính là chìa khóa để thúc đẩy cơ chế tự chủ tại các viện nghiên cứu công lập.

Chỉ thị về “đầu tư công - quản trị tư” chính là chìa khóa để thúc đẩy cơ chế tự chủ tại các viện nghiên cứu công lập.

Một mặt, Nhà nước cần tiếp tục khẳng định vai trò đầu tư công, tăng cường đầu tư vào KHCN nói chung và đặc biệt là KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp. Con số mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra thực sự là nguồn khích lệ lớn, đặc biệt khi lần này các chỉ đạo rất cụ thể. 

Hiện tại, mức đầu tư cho KHCN mới chỉ đạt khoảng 0,7% GDP cả nước. Với mục tiêu nâng tỷ lệ đầu tư này lên 2% GDP, tức tăng gấp gần 3 lần. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh rằng cần dành 3% ngân sách Nhà nước để đầu tư cho KHCN trong 5 năm tới. Những con số và mục tiêu cụ thể như vậy thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy KHCN. 

Kết hợp với cơ chế “quản trị tư”, chúng ta sẽ hình thành các quỹ nghiên cứu hiệu quả hơn. Trên thực tế, luật pháp đã quy định về các quỹ này nhưng việc thực hiện còn hạn chế. Nguyên nhân là do quỹ chủ yếu sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, vẫn bị quản lý theo cách thức của đầu tư công thay vì hoạt động theo cơ chế nguồn vốn công - tư. 

Do đó, “đầu tư công - quản trị tư” được kỳ vọng sẽ huy động được nguồn lực từ xã hội. Tôi tin rằng nguồn vốn xã hội hóa sẽ ngày càng gia tăng, đồng hành cùng với sự tăng trưởng đầu tư từ Nhà nước.

Điều này sẽ tạo nền tảng để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nghiên cứu vốn đã chịu nhiều hạn chế trong suốt thời gian dài. Đặc biệt, các hoạt động nghiên cứu công nghệ đòi hỏi phải có thiết bị hiện đại và công nghệ cập nhật. Nhiều thiết bị hiện nay đã được đầu tư từ 20 - 30 năm trước, giờ không còn đáp ứng được yêu cầu.

Nghị quyết 57 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc về chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học. Ảnh: Tùng Đinh. 

Nghị quyết 57 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc về chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học. Ảnh: Tùng Đinh. 

Một vấn đề quan trọng không kém là cần đảm bảo mức lương phù hợp cho cán bộ nghiên cứu, giúp họ toàn tâm toàn ý với nghiên cứu khoa học. Đảm bảo được mức sống ổn định cho các nhà khoa học chúng ta mới giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng nền KHCN bền vững.

Tháo gỡ một loạt điểm nghẽn

Một điểm sáng trong Nghị quyết 57 là việc cho phép các viện và trường đại học thành lập doanh nghiệp. Đây là bước tiến quan trọng giúp kết quả nghiên cứu, đặc biệt là các giống cây trồng mới được chuyển giao nhanh chóng vào thực tiễn sản xuất. 

Như vậy, tác giả của giống cây trồng, công nghệ, hoặc các viện, trường có thể trực tiếp thành lập doanh nghiệp, áp dụng cơ chế thị trường để chuyển giao sản phẩm mà không gặp phải rào cản. Điều này cũng góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc từ Nghị định 70/2018/NĐ-CP về quản lý tài sản khoa học công nghệ sử dụng vốn Nhà nước.

Với cơ chế mới này, một loạt điểm nghẽn trong hoạt động KHCN sẽ được giải quyết, mang lại niềm tin và kỳ vọng lớn cho giới nghiên cứu.

Ngoài ra, các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu đã được xác định là trọng tâm trong việc ứng dụng công nghệ. Đó đều là những thách thức cấp bách của nông nghiệp Việt Nam ngày nay.

Một loạt điểm nghẽn trong hoạt động KHCN sẽ được giải quyết, mang lại niềm tin và kỳ vọng lớn cho giới nghiên cứu.

Một loạt điểm nghẽn trong hoạt động KHCN sẽ được giải quyết, mang lại niềm tin và kỳ vọng lớn cho giới nghiên cứu.

Chúng ta cần tập trung đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Nước láng giềng Trung Quốc là tấm gương điển hình. Họ đã đầu tư rất mạnh mẽ vào các công nghệ mới nổi như công nghệ sinh học, công nghệ gen và chuyển đổi số. Đây là những bài học quý báu mà chúng ta có thể học hỏi và áp dụng nhằm đưa KHCN Việt Nam phát triển bền vững và bắt kịp xu thế toàn cầu.

Về an ninh lương thực, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 300/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030. 

Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề an ninh lương thực không còn chỉ đơn thuần là đủ ăn, mà còn phải đảm bảo ăn đủ, ăn tốt, ăn lành mạnh, đặc biệt giải quyết vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Đây là những vấn đề cốt lõi trong phát triển bền vững, bởi mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) không thể đạt được nếu không đầu tư vào con người. Bên cạnh việc sản xuất nông sản để xuất khẩu, đóng góp vào GDP và mang lại ngoại tệ cho đất nước, chúng ta cũng cần đáp ứng tốt nhu cầu của 100 triệu người dân Việt Nam, bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Chỉ khi KHCN phát triển đúng hướng, chúng ta mới có thể vượt qua các thách thức này và xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, hội nhập.

Biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Những người sản xuất phải đối mặt với những thay đổi lớn về thời tiết và môi trường tự nhiên. Do đó, việc nghiên cứu và ứng dụng KHCN để thích ứng và ổn định sản xuất nông nghiệp cần được coi là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu.