Nghịch lý dư nợ margin tăng, thanh khoản thấp nhất 7 quý
Thị trường chứng khoán đang chứng kiến 2 điều trái ngược. Trong khi dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) đạt gần 243 nghìn tỷ đồng, con số cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam, thì thanh khoản lại giảm về mức thấp nhất trong 7 quý.
Thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý 4/2024 của 70 công ty chứng khoán đại diện 99,2% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành cho thấy dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) đạt gần 243 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2024, tăng nhẹ so với cuối quý 3.
Margin tăng cao nhưng thanh khoản thấp.
Hầu hết các công ty chứng khoán nhóm đầu về hoạt động cho vay đều ghi nhận dư nợ tăng so với cùng kỳ và quý trước. Thậm chí, nhiều cái tên còn có dư nợ cho vay lập kỷ lục như TCBS, HSC, VPS, Vietcap, MBS, VPBankS, KIS VN,… vượt xa thời kỳ thị trường giao dịch bùng nổ trên vùng đỉnh 1.500 hồi cuối 2021 đầu 2022.
Cụ thể, SSI dẫn đầu về mức tăng tuyệt đối dư nợ margin tăng 2,8 nghìn tỷ đồng so với quý trước đó, tiếp đến là Chứng khoán VPBank (VPBankS), VIX, HCM, VCI, ACBS, Chứng khoán Mirae Asset, trong đó SSI và VPBankS cùng có tăng trưởng về dư nợ margin nhưng sụt giảm về số dư tiền gửi của nhà đầu tư.
Hay như dư nợ cho vay ký quỹ của Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) tại 31/12/2024 đạt 25.606 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với quý liền trước và tăng hơn 1,5 lần so với thời điểm cuối năm 2023.
Xét theo tốc độ tăng trưởng dư nợ margin, Chứng khoán HD dẫn đầu với mức tăng vượt trội 82,7% so với quý liền kề trước đó, đưa quy mô margin lên mức 1.241 tỷ đồng trong quý 4. Ở chiều ngược lại, dư nợ margin giảm mạnh ở Chứng khoán KB Việt Nam giảm 609 tỷ đồng tương đương giảm 9,8% so với quý và VDS giảm 535 tỷ đồng giảm 17,2%.
Ngoài ra, nhiều công ty chứng khoán khác cũng ghi nhận dư nợ margin trên mức chục nghìn tỷ đồng như Chứng khoán TP.HCM (20.428 tỷ đồng), Chứng khoán Mirae Asset (18.255 tỷ đồng), Chứng khoán Vietcap (11.105 tỷ đồng),...
Ngược lại với dư nợ margin tăng, nhưng thanh khoản giảm về mức thấp nhất trong 7 quý. Giá trị giao dịch bình quân phiên chỉ đạt gần 13,2 nghìn tỷ đồng và VN-Index đi ngang với biên độ hẹp trong phần lớn thời gian của quý 4/2024. Tỷ lệ đòn bẩy (tỷ lệ giữa margin/tổng giá trị vốn hóa điều chỉnh theo free-float) chạm mức 10,2% - mức cao nhất từ trước đến nay.
Giới phân tích cho rằng nhu cầu vay margin trên thị trường hiện tại không hoàn toàn đến từ nhà đầu tư cá nhân, mà một phần không nhỏ là nghiệp vụ giữa các doanh nghiệp hoặc lãnh đạo doanh nghiệp với CTCK. Đây là nguyên nhân chính lý giải vì sao thanh khoản thị trường không có diễn biến cùng chiều với dư nợ margin các CTCK.
Diễn biến trái chiều đã đẩy tỷ lệ Dư nợ cho vay/Thanh khoản bình quân mỗi phiên tăng vọt, phần nào phản ánh tình trạng nhà đầu tư đã gia tăng đáng kể việc vay nợ margin.
Vốn vay margin cao nhưng không đi cùng với sự cải thiện của thanh khoản phần nào cho thấy mức độ rủi ro của TTCK gia tăng. Chỉ một nhịp điều chỉnh mạnh sẽ có thể dễ dàng kéo theo hiện tượng "call margin", bán chéo giữa các cổ phiếu, từ đó gây áp lực ngược trở lại khiến thị trường giảm sâu hơn và gây tình trạng “cháy” tài khoản.
Nhìn chung, TTCK Việt Nam đang phụ thuộc nhiều hơn vào việc sử dụng margin dù chỉ số chính còn cách xa đỉnh. Theo các chuyên gia, đây là yếu tố mà nhà đầu tư cần lưu ý.