Nghiêm cấm đi qua cửa ETC khi xe chưa gắn thẻ thu phí điện tử
Các tài xế tuyệt đối không được điều khiển xe đi vào cửa dành riêng cho thu phí điện tử không dừng (ETC) khi xe chưa gắn thẻ đầu cuối hoặc đã gắn thẻ đầu cuối nhưng tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả cho giao dịch.
Đây là một nội dung trong Chỉ thị 39 về đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7/10.
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ thị phải đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Tổ chức phân làn dành riêng cho ETC tại các trạm thu phí
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, tại Chỉ thị 39, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án thu phí điện tử không dừng đảm bảo tiến độ, chất lượng, kết nối liên thông, đồng bộ, an toàn, bảo mật theo đúng quy định của pháp luật và Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức phân làn dành riêng cho thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí; hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng làn đường đối với từng cửa thu phí của các trạm (cửa thu tự động, cửa thu hỗn hợp).
Bộ GTVT cũng chịu trách nhiệm việc quyết định tạm dừng hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu điện tử không dừng theo đúng quy định.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị Đăng kiểm xe cơ giới, các cơ quan, đơn vị liên quan gắn thẻ thu phí điện tử không dừng (còn gọi là thẻ đầu cuối) khi kiểm định phương tiện xe ô tô; đồng thời chia sẻ dữ liệu phương tiện cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để đảm bảo đồng bộ về dữ liệu phương tiện giao thông.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phải chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc phối hợp với Bộ GTVT và nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện gắn thẻ đầu cuối cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh tham gia giao thông.
Bộ TT&TT có trách nhiệm hướng dẫn việc sử dụng tần số vô tuyến điện cho hệ thống thu phí điện tử không dừng; bảo vệ tần số của thiết bị thu phí điện tử không dừng cũng như xử lý giải quyết nhiễu có hại theo quy định của pháp luật.
Hướng dẫn, hỗ trợ nhà cung cấp dịch vụ thu phí trong việc đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thu phí điện tử không dừng; kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho hệ thống thu phí điện tử không dừng và ứng phó khi có tình huống phát sinh gây mất an toàn thông tin.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ TT&TT kiểm tra, giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực CNTT có liên quan đến hoạt động thu phí điện tử không dừng.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn áp dụng hóa đơn điện tử, thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật đối với hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Bảo mật các thông tin cá nhân của chủ xe
Tại Chỉ thị mới ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ GTVT tổ chức tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ phương tiện giao thông trên địa bàn thuộc diện thu phí phải tham gia sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng thông qua việc gắn thẻ đầu cuối trên phương tiện xe ô tô và thanh toán qua tài khoản thu phí.
Khẩn trương triển khai thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đảm bảo tiến độ, kết nối liên thông, đồng bộ theo đúng quy định tại Quyết định 19/2020.
UBND các tỉnh, thành phố còn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, Bộ GTVT trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội khi triển khai công tác thu phí đường bộ với các dự án có thu phí điện tử không dừng trên địa bàn.
Nhà cung cấp dịch vụ thu phí phải đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống thu phí điện tử không dừng theo quy định tại Quyết định 19/2020 và dự án thu phí điện tử không dừng đã được phê duyệt; bảo đảm hệ thống thu phí điện tử không dừng vận hành đồng bộ, thông suốt, bảo vệ an toàn tuyệt đối thông tin cho hệ thống, trong đó có việc bảo mật các thông tin cá nhân của chủ xe; tuyệt đối không can thiệp làm sai lệch thông tin, dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ…
Đặc biệt, với chủ xe và tài xế, Chỉ thị 39 nêu rõ, phải gắn thẻ đầu cuối cho phương tiện giao thông đường bộ tại lần kiểm định gần nhất, hoặc ngay khi qua trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đã vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng; tuyệt đối không điều khiển phương tiện đi vào cửa dành riêng cho thu phí điện tử không dừng khi phương tiện chưa gắn thẻ đầu cuối hoặc đã gắn thẻ đầu cuối nhưng số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả cho giao dịch thu phí.
Châu Anh