"NGỰA Ô" HTC gian nan ngày trở lại
Sau thời gian dài im hơi, HTC tuyên bố sẽ trở lại làm smartphone. Lần này, HTC cho biết chỉ tập trung vào phân khúc smartphone cao cấp dành cho các thị trường lớn.
Tham vọng của “ngựa ô” thất thế
HTC từng là chú ngựa ô nổi bật trên thị trường smartphone. Năm 2011, nhà sản xuất Đài Loan đứng vị trí thứ 3 sau Samsung và Apple. Smartphone Android của HTC được đánh giá cao nhờ hiệu năng tốt và giá bán hợp lý. Đáng buồn là những chiến lược kinh doanh sai lầm liên tiếp đã kéo HTC xuống đáy, thị phần hiện tại xấp xỉ bằng 0. Năm 2012, CEO HTC tuyên bố không sản xuất smartphone giá rẻ để nuôi dưỡng thương hiệu cao cấp, giữ chính sách bán hàng giá cao, xem nhẹ doanh số. Kế tiếp, giới lãnh đạo tập đoàn này mạo hiểm với Windows Phone, một sai lầm chết người khác.
Năm 2013, HTC có được thành công lớn nhất trong lịch sử của mình với chiếc One M7, thắp lại hy vọng sau thời gian có dấu hiệu suy giảm. Dù vậy, doanh số của model này cũng chỉ bằng 1/7 so với đối thủ Galaxy S4. Điều này càng chứng tỏ sai lầm của chiến lược tập trung cho phân khúc cao cấp. Sự thất bại tiếp theo của One M8, One M9 đã khiến cho HTC mất đi một nửa giá trị trên thị trường. Đến năm 2015, nhà sản xuất đến từ Đài Loan đuối sức trên mọi mặt trận trước Samsung và các đối thủ mới nổi đến từ Trung Quốc. Không từ bỏ phân khúc cao cấp, HTC giới thiệu model U12+ vào tháng 5/2018, một flaship có nhiều ưu điểm nổi bật nhưng... không ai quan tâm. Sau khi hoang phí vào chiến dịch tiếp thị trị giá 1 tỷ USD, HTC uể oải duy trì hệ thống quản lý và tiếp thị yếu kém.
Mẫu U12+ chỉ được quảng bá khiêm tốn trong giai đoạn bùng bổ của smartphone cao cấp đến từ Samsung, Huawei, OnePlus và các thương hiệu Trung Quốc, cùng với cây đại thụ Apple luôn sẵn sàng giành giật thị trường Android manh mún. Kết quả là không nhiều người biết đến HTC U12+ cho dù nó thật sự tốt. Giá trị của HTC đã tụt dốc không phanh trong những năm qua. Ở thời điểm 2011, mỗi cổ phiếu của hãng có giá 42 USD. Giờ đây, con số này nằm dưới 1,3 USD, tương đương 4% giá trị so với 8 năm về trước. Nói về sự thất bại của HTC, Gs- marena, Yves Maitres, CEO mới của hãng này cho biết HTC tụt hậu so với các thương hiệu khác cùng ngành do tập trung phát triển các thiết bị VR, cắt giảm chi phí nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Trong khi đó, Samsung và Huawei làm rất tốt việc này.
CEO mới của HTC chia sẻ hãng sẽ không từ bỏ mảng kinh doanh smart- phone và sẽ trở lại thị trường vào thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, CEO mới của HTC cho biết hãng sẽ tập trung vào các nước có GDP cao thay vì cạnh tranh ở các nước đang phát triển.
Tia sáng cuối “đường đua”
Tham vọng trở lại thị trường smart- phone phân khúc cao cấp nhưng ngay lập tức, phát biểu của người đứng đầu HTC bị đánh giá khá mơ hồ và không thực sự cho thấy sự tự tin. Thực tế là, HTC đã lỗ 5 quý liên tiếp. Trong khi tiếp tục phát triển mảng VR với các sản phẩm như headset Vive Cosmos VR và dịch vụ thuê bao Viveport Infin- ity, định hướng smartphone lại thiếu rõ ràng.Bộ phận smartphone HTC trở nên tệ hơn sau năm 2011. Trước đó, HTC từng là nhà sản xuất smartphone lớn nhất tại Mỹ, đứng trên cả Samsung và Apple. HTC còn là hãng điện thoại lớn thứ 5 thế giới tính theo doanh số. Song, cạnh tranh khốc liệt từ Sam- sung, Apple cũng như các hãng Trung Quốc như Huawei, ZTE khiến công ty bị lui về sau trong năm 2012.
Những gì tốt nhất còn sót lại của bộ phận di động HTC được Google thâu tóm năm 2018. Hãng tìm kiếm tiếp nhận 2.000 kỹ sư và nhân viên hỗ trợ cùng các bằng sáng chế của HTC trong thương vụ 1 tỷ USD. Từ đây, HTC trình làng một số smartphone khác, trong đó có HTC Exodus. Công ty gây bất ngờ khi tiết lộ doanh số của mẫu smartphone blockchain này đáp ứng kỳ vọng và dự kiến ra bản kế nhiệm trong năm 2019. Dù vậy, thống kê doanh số smartphone toàn cầu không có dấu ấn của HTC. Dù không có smartphone nào thực sự mạnh để khoe khoang, ông Maitres tỏ ra lạc quan vào tương lai. “HTC sai lầm về thời điểm. Chúng tôi đang trả giá vì sai lầm đó nhưng vẫn còn nhiều tài sản khi nói tới sáng tạo, đội ngũ và tài chính mà tôi cảm thấy có thể phục hồi”. Ông hứa hẹn HTC sẽ mang đến phần cứng và chụp ảnh “tốt nhất” khi quay lại thị trường di động.
Phân khúc smartphone cao cấp vẫn được xem là một phân khúc khó chơi nhưng hấp dẫn với các nhà sản xuất bởi biên lợi nhuận mà nó mang lại lớn hơn so với phân khúc tầm trung và giá rẻ. Ở phân khúc này, HTC còn phải "dè chừng" với Apple và Samsung - hai cái tên dẫn đầu với những cuộc rượt đuổi cam go về cả thiết kế lẫn tính năng. Bên cạnh đó là Huawei, Oppo, hay Xiaomi,… Rõ ràng, để trở lại cuộc đua đầy cam go, HTC sẽ phải vật lộn để trở nên nổi bật giữa một “rừng”smartphone đang dần bão hòa về thiết kế. Nếu không thể tự cứu mình, HTC sẽ bị chìm vào “vũng lầy”.
Ngoài ra, HTC cũng cần phải học hỏi từ những thất bại của các đối thủ đi trước và cách họ từ vực dậy chính mình, không ai khác chính là Nokia. Còn nhớ vào năm ngoái, HTC chỉ chiếm được 0.3% thị phần smart- phone, đồng thời phải sa thải tới 1/5 nhân viên và 2.000 kỹ sư cho Google khi HTC bán mảng kinh doanh thiết kế điện thoại của mình. Tình cảnh éo le này làm chúng ta nhớ tới Nokia trong thời kì Windows Phone thất bại.
Tuy nhiên, việc nắm bắt nhanh nhạy các xu hướng thiết kế và công nghệ smartphone mới, phát hành các mẫu điện thoại với xu hướng hiện đại, hệ điều hành Android gốc mượt mà, thông số kỹ thuật đáng nể và giá cả cực kỳ cạnh tranh là cách mà HMD Global đưa Nokia “từ cõi chết trở về”. HTC có thể xem đây là một “bí kíp” để hồi sinh. Chưa cần phải có quá nhiều đột phá, việc mà HTC cần làm ngay lúc này là bắt kịp xu hướng mới, mở rộng phân khúc giá cho các dòng sản phẩm, hoạt động ở nhiều thị trường hơn và đặc biệt là sử dụng chiêu bài “cạnh tranh bằng giá”. Đâu đó một ngày, chúng ta lại thấy một HTC giành lại ánh hào quang như thời điểm 8 năm về trước.
Đan Phượng