Người nghèo cũng có thể dùng di động roaming quốc tế

14:21, 15/05/2011

Trong chuyến đi Singapore dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 vừa qua, chị Hằng (Hà Nội) rất ngạc nhiên với cậu em chồng ở quê đi du lịch cùng gia đình, thỉng thoảng lại “tít, tít” với chiếc di động (nhận tin nhắn).

Thắng, cậu em chồng, vốn làm thợ thủ công ở Nam Định và được chồng chị mời đi du lịch cùng, chỉ có thu nhập ở mức trung bình ở quê. Cũng vì thế roaming quốc tế dường như là một khái niệm quá xa lạ với cậu, chứ chưa nói đến chuyện sử dụng.

Khi chị nhắc, cước roaming quốc tế rất đắt, phải cẩn thận không về nhà sẽ tốn nhiều tiền thì cậu em chồng cười. Thắng cho biết: “Mạng Mobi mà em dùng không thu tiền nhận tin nhắn chị ạ. Mà thuê bao của em là trả trước, nếu dùng cũng chỉ hết tiền trong tài khoản có hơn 100.000 đồng mà thôi”. Cậu em chồng giải thích thêm, trước khi đi, một cậu bạn làm bên bưu điện có tư vấn cho Thắng cách sử dụng và giúp đăng ký roaming quốc tế bằng nhắn tin.

Anh Nguyễn Kiên Long (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng vô cùng ngạc nhiên khi cô con gái mới 12 tuổi của mình vẫn nhận được tin nhắn trong chuyến đi Thái Lan dịp nghỉ lễ. “Bây giờ dùng di động trả trước roaming dễ lắm bố ạ. Chỉ cần nhắn tin đăng ký trước khi đi nước ngoài là được. Và nếu con chỉ nhận tin nhắn thì không mất phí gì, còn nếu gọi hoặc nhắn tin đi thì chỉ giới hạn trong số tiền trong tài khoản thôi”- Thảo, con gái anh Long cho biết.

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, các mạng di động lớn như MobiFone, VinaPhone, Viettel đều tiến hành cung cấp dịch vụ roaming quốc tế cho các thuê bao trả trước. Nếu như trước đây, chỉ có khoảng dưới 5% lượng khách hàng trả sau đủ điều kiện dùng dịch vụ cao cấp này thì nay, tất cả các khách hàng dùng di động đều có thể sử dụng.

Bên cạnh đó, thay vì phải đặt cọc hàng triệu đồng trước khi dùng, một số mạng đã bỏ quy định này đối với các khách hàng trả sau sử dụng dịch vụ từ 3 tháng trở lên (MobiFone). Thêm vào đó, khách hàng trả sau có thể kiểm soát tốt hơn chi phí của mình bởi được thông tin bằng SMS khi đã sử dụng từ 1,5 triệu đồng trở lên.

Đối với khách hàng trả trước, nhờ việc đăng ký bằng tin nhắn rất đơn giản và miễn phí cước nhận tin nhắn, có thể nạp tiền bằng thẻ ở nước ngoài, bất cứ một ai cũng có thể sử dụng dịch vụ trước đây vốn được coi là của nhà giàu.

Theo các chuyên gia viễn thông, nhờ thay đổi thủ tục đăng ký, bỏ quy định đặt cọc với các khách hàng trả sau trung thành, số lượng khách hàng tiềm năng có thể dùng roaming quốc tế sẽ tăng mạnh. “Ngay cả người nghèo nhất nếu dùng di động vẫn có thể sử dụng roaming quốc tế bởi họ nhận tin nhắn thì không mất tiền và đăng ký thì cước chỉ là 200 đồng một lần”, đại diện MobiFone nói.

Tuy nhiên, khi vấn đề chi phí, kiểm soát chi phí roaming, đăng ký đã được giải quyết thì nhu cầu cũng chưa hẳn đã tăng mạnh ngay lập tức. Đại diện của VinaPhone nhận xét: “Thực tế thì nhiều người vẫn còn chưa biết đến chính sách mới này và vẫn coi roaming quốc tế là cái gì đó xa vời. Do vậy, các mạng cần phải thông tin để khách hàng hiểu rõ về quy định mới”.

Bên cạnh đó, về mặt bản chất, cước nhận và thực hiện cuộc gọi khi roaming quốc tế không rẻ nên người sử dụng cũng cần phải lưu ý khi sử dụng dịch vụ này. Liên lạc bằng tin nhắn (nhận và đáp trả) khi đang sử dụng di động ở nước ngoài sẽ là biện pháp kinh tế nhất, ông này nhận định.

(theo TPO)