Người tiêu dùng đánh cược sức khỏe với hàng cận date online
Chỉ vài cú click chuột, người tiêu dùng dễ dàng mua mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống giá rẻ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đằng sau mức giá hấp dẫn là rủi ro về chất lượng và sức khỏe do trào lưu bán hàng “cận date” tràn lan, khó kiểm soát.
Ma trận
Ngày nay, người tiêu dùng không cần bước chân vào các sàn thương mại điện tử hay cửa hàng, mà chỉ cần lướt qua các mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok là đã có thể “sa chân” vào ma trận hàng cận date với mức giá rẻ đến không tưởng.
Các sản phẩm này thường được bán với mức giá chỉ bằng 30-50% so với hàng còn hạn thông thường, hoặc thậm chí chỉ từ 5.000 – 10.000 đồng cho mỗi món đồ, kèm theo lý do hấp dẫn như “xả lỗ vì gần hết hạn sử dụng”.
Một người livestream bán hàng cận date trên facebook thu hút rất nhiều người theo dõi.
Những hội nhóm chuyên bán hàng cận date như “Đồ Âu, đồ Mỹ giá mềm”, “Săn sale cận date”, “Chợ nội trợ hàng hết hạn nhẹ” hay “Kho hàng thanh lý nhập khẩu” đang ngày càng thu hút lượng người tiêu dùng khổng lồ.
Các chủ livestream trong những nhóm này không ngừng thu hút sự chú ý của người xem, bán đủ loại sản phẩm từ nước giặt, sữa rửa mặt đến thực phẩm như bánh kẹo, sữa chua, phô mai, thịt nguội, xúc xích, chocolate, v.v...
Tất cả đều được giới thiệu là hàng nhập khẩu, hàng Nhật nội địa, hàng Mỹ xách tay, và quan trọng hơn, là hàng sắp hết hạn nhưng vẫn “đảm bảo chất lượng”.
Tài khoản “Ngọc Quang” trong nhóm “Hội chuyên săn hàng Nhật gần hết hạn” liên tục thuyết phục người tiêu dùng bằng những lời mời gọi hấp dẫn: “Chỉ là gần hết hạn thôi, chất lượng vẫn xịn xò.
Mình bán vì tiếc của, muốn ai cũng được dùng đồ tốt giá rẻ, chứ hàng nguyên hạn đâu phải ai cũng mua nổi”. Hay như tài khoản “Lê Nhàn” cũng chia sẻ: “Khách nhà mình toàn ăn hết trong vài ngày, cần gì hạn dài. Mua gọn, ăn nhanh, tiết kiệm cả triệu mỗi tháng”.
Những lời thuyết phục này đánh vào tâm lý tiết kiệm của người tiêu dùng, khiến họ dễ dàng bỏ qua những rủi ro tiềm ẩn.
Lọ mỹ phẩm cận date có xuất xứ Hàn Quốc được rao bán với giá chỉ 50 nghìn đồng.
Các chủ livestream còn rất biết cách “chiêu dụ” người mua bằng những chiêu trò giật tít, như: “Xả hàng lỗ vốn”, “Đổi mẫu nên xả kho”, hay “Không bán hàng tồn, chỉ bán gần hết hạn để khách dùng kịp”.
Những thông điệp này đặc biệt phù hợp với tâm lý của những người thích mua hàng giá rẻ, từ đó tạo ra sự tin tưởng vào những món hàng mà thực chất có thể không còn đủ chất lượng sử dụng.
Chị Đinh Thị Hòa, một tiểu thương online tại Nam Định, chia sẻ: “Giờ khách khoái hàng gần hết hạn vì giá rẻ, lại nghe ‘hàng ngoại’ nên tin lắm. Có người còn nhập về bán lại kiếm lời. Có hôm mình bán đồ ăn vặt sắp hết hạn, trong 2 tiếng chốt hơn 200 đơn”.
Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài hấp dẫn của những món hàng này là những hiểm họa tiềm ẩn. Nhiều sản phẩm không như quảng cáo, thậm chí có thể gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Một vụ việc đáng chú ý xảy ra vào tháng 3/2024 tại TP.HCM, khi chị Nguyễn Thị Hân mua một hộp sữa bột Nhật qua livestream với giá 150.000 đồng và được cam kết “còn hạn 1 tháng”. Sau khi cho con uống, bé bị tiêu chảy nặng, phải nhập viện. Kiểm tra lại, hộp sữa đã hết hạn 10 ngày, và phần in hạn sử dụng bị dán đè khéo léo.
Tại Hà Nội, anh Trần Văn Tùng cũng từng gặp sự cố tương tự khi mua kem chống nắng với giá rẻ, quảng cáo là “hàng showroom xả kho”. Sau khi sử dụng, anh bị dị ứng da, phải đi khám và phát hiện sản phẩm chứa các hóa chất độc hại. Không chỉ là mỹ phẩm, các mặt hàng thực phẩm như pate, xúc xích hay phô mai cũng bị “gia hạn” một cách mờ ám thông qua việc dán tem phụ hoặc thay đổi nhãn mác.
Thêm vào đó, tình trạng ghi nhãn mập mờ khiến người tiêu dùng không thể khiếu nại khi gặp sự cố. Phần lớn các livestream bán hàng không có hóa đơn, không hỗ trợ đổi trả, không cung cấp thông tin liên lạc rõ ràng – chỉ là vài dòng mô tả, số điện thoại và tài khoản cá nhân. Khi xảy ra sự cố, người mua thường chỉ biết “tự trách nhẹ dạ cả tin” vì không thể tìm được người chịu trách nhiệm.
Cơn lốc “hàng rẻ” đang khiến mua sắm online trở thành một thói quen nguy hiểm, đặc biệt là khi liên quan đến các sản phẩm trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc, khẩu trang y tế.
Nhiều người đã phải chịu những hậu quả đáng tiếc như dị ứng, ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, và thậm chí là tổn hại nghiêm trọng đến gan, thận và thần kinh sau khi sử dụng các sản phẩm kém chất lượng.
Sữa cận date là mặt hàng hot nhất hiện nay.
Một trong những vấn đề lớn là việc hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có tem phụ tiếng Việt, vi phạm quy định về ghi nhãn. Trong khi đó, các livestream bán hàng lại không cần giấy phép và không qua kiểm duyệt, khiến thị trường online trở nên hỗn loạn. Người bán có thể dễ dàng trốn tránh trách nhiệm, trong khi người tiêu dùng dễ bị lừa gạt.
Dù giá rẻ đến đâu, các sản phẩm sắp hết hạn, đặc biệt là thực phẩm, mỹ phẩm và thuốc, vẫn cần được bảo quản nghiêm ngặt và kiểm soát chất lượng. Tuy nhiên, mô hình bán hàng tự phát qua mạng xã hội hiện nay không thể đáp ứng những yêu cầu này.
Đây không chỉ là vấn đề của từng cá nhân mà là một lỗ hổng lớn trong quản lý thị trường online, cần có sự vào cuộc nghiêm túc từ các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Người tiêu dùng không thể chủ quan
Tình trạng hàng hóa cận date tràn lan trên mạng xã hội không phải là hiện tượng ngẫu nhiên, mà là kết quả của một chuỗi toan tính lợi nhuận kỹ lưỡng.
Anh Nguyễn Văn H. – chủ cửa hàng chuyên kinh doanh đồ tiêu dùng nhập khẩu tại Hà Nội – thẳng thắn chia sẻ: “Hàng nhập về nhiều, tiêu thụ chậm nên các đại lý buộc phải xả kho để thu hồi vốn. Những sản phẩm còn hạn dưới ba tháng thường được rao bán online vì dễ tiêu thụ, giá mềm, người mua lại khó cưỡng”.
10 kg mỹ phẩm cận date được chào bán chưa đầy 800 nghìn đồng.
Không chỉ xuất phát từ nguồn cung dư thừa, mà chính tâm lý chuộng hàng ngoại, ham giá rẻ, cùng sự thiếu hiểu biết về nguy cơ sức khỏe từ hàng gần hết hạn đã tiếp tay cho trào lưu tiêu dùng đầy rủi ro này.
Trong bối cảnh vật giá leo thang, thu nhập bấp bênh, nhiều người lựa chọn tiết kiệm bằng cách tìm đến những sản phẩm “giảm sâu”, mà hàng cận date – đặc biệt là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và đồ nhập khẩu – trở thành sự lựa chọn phổ biến.
Thương mại điện tử và mạng xã hội đóng vai trò như chất xúc tác khiến làn sóng này lan rộng. Chỉ với một chiếc điện thoại, người bán có thể tiếp cận hàng ngàn khách hàng qua các nền tảng livestream, video ngắn, hội nhóm.
Tuy nhiên, việc kiểm soát các gian hàng cá nhân lại rất hạn chế: không đăng ký kinh doanh, thiếu minh bạch thông tin, thậm chí sau khi bán xong là “mất hút”, để lại toàn bộ rủi ro cho người mua. Đây chính là lỗ hổng lớn trong công tác quản lý, khiến thị trường hàng cận date ngày càng rối ren, khó kiểm soát.
Không ít người bán còn đánh tráo khái niệm để đánh lừa người tiêu dùng. Họ không dùng từ “cận date”, mà thay bằng những cụm từ hấp dẫn như “thanh lý tồn kho”, “xả hàng cuối mùa”, “giảm giá sốc”, khiến nhiều khách hàng tưởng đây là hàng khuyến mãi thông thường, hoàn toàn không lường trước được rủi ro về sức khỏe do thời hạn sử dụng đã sát nút.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: hàng cận date chỉ an toàn nếu được bảo quản đúng điều kiện kỹ thuật. Nhưng thực tế, người tiêu dùng không thể kiểm soát được quá trình lưu kho, vận chuyển.
Một hộp sữa từng bị phơi nắng, hay lọ kem bị mở nắp lâu ngày đều có thể mất tác dụng, thậm chí biến chất dù chưa hết hạn. Không ít trường hợp chỉ khi mang về sử dụng mới phát hiện sản phẩm đã mốc, chảy nước, biến mùi hoặc bị tẩy xóa nhãn mác.
Rất nhiều sản phẩm sữa hút cho trẻ em cận date được rao bán khắp mạng xã hội.
PGS.TS Trần Đáng – nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) – cảnh báo: “Hàng cận date có thể bị biến đổi thành phần, nếu sử dụng có thể gây dị ứng, tổn thương gan, thận, thậm chí dẫn đến ngộ độc cấp tính”. Dẫu vậy, vì lợi ích trước mắt và nhu cầu tiết kiệm, nhiều người vẫn bất chấp sức khỏe, sẵn sàng đánh đổi để sở hữu món hàng "ngon – bổ – rẻ" trên mạng.
Trên thực tế, hạn sử dụng được in rõ trên bao bì nhằm cảnh báo thời điểm an toàn để tiêu dùng. Ở nhiều quốc gia, thay vì dùng khái niệm “hạn sử dụng” như ở Việt Nam, các nhà sản xuất thường in dòng chữ “best before” – nghĩa là nên sử dụng trước thời điểm đó để đảm bảo chất lượng tối ưu.
GS. Lê Danh Tuyên – nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia – cho biết: mốc “best before” thường được đặt sớm hơn thời gian thực tế từ 1 đến 3 tháng nhằm đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, việc quan sát kỹ lưỡng chất lượng sản phẩm vẫn là yêu cầu bắt buộc, đặc biệt với thực phẩm – bởi các yếu tố như bảo quản, vận chuyển, thời tiết có thể khiến sản phẩm hư hỏng ngay cả khi chưa hết hạn.
BS. Bùi Anh Thông (Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai) nhận định: thực phẩm cận date nếu chưa hết hạn có thể sử dụng để tránh lãng phí và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, yếu tố cảm quan như màu sắc, mùi vị, độ tươi ngon thường bị ảnh hưởng bởi thời gian và điều kiện bảo quản. Do đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo, kiểm tra kỹ lưỡng từng sản phẩm trước khi mua.