Người Trung Quốc khốn khổ vì bị AI gọi điện làm phiền
Việc sử dụng AI để gọi điện tiếp thị tại Trung Quốc ngày càng trở nên phổ biến. Chi phí cho các dịch vụ này cũng tương đối rẻ, vì thế, nó đang bị lạm dụng và trở thành nỗi phiền phức của nhiều người.
- Indonesia công bố chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo
- NextTech hỗ trợ start-up trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính phát triển chuyển đổi số
- Nhật Bản dùng trí tuệ nhân tạo dự báo số lượng thực khách đạt hiệu quả không ngờ
- FPT tổ chức cuộc thi về công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam
- Kiểm định chất lượng cá ngừ bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo
Fan Kaiyi, một cư dân tại Thượng Hải, Trung Quốc đã liên tục nhận các cuộc gọi làm phiền trong suốt một khoảng thời gian dài. Ở cả điện thoại bàn và thiết bị di động, điều phối viên 38 tuổi này luôn bị các công ty gọi điện mời mua đủ thứ từ bất động sản, bảo hiểm, dược phẩm hay các khóa tập thể dục. Một số khác lại cố gắng thuyết phục cô vay tiền ngân hàng mà không cần giấy tờ kiểm chứng hay thế chấp tài sản.
Gần đây, khi trả lời điện thoại, Fan không còn gặp bất cứ người nào ở đầu dây bên kia. Thay vào đó, nó là một giọng nói từ robot.
Mỗi ngày, robot có thể thực hiện hơn 3.000 cuộc gọi.
“Lúc đầu, tôi thậm chí không nhận ra mình đang nói chuyện với một dịch vụ tự động. Tôi đã nói với ‘người đó’ rằng tôi không có nhu cầu nhưng giọng nói tiếp tục giới thiệu sản phẩm khác”, cô nói.
“Khi tôi hỏi lại ‘bạn có nghe thấy những gì tôi vừa nói không?’, thứ đó dường như không hiểu. Ngay khi tôi chuẩn bị cúp máy, giọng nói đó đột nhiên tự nhận nó là một trợ lý giọng nói AI”.
Fan cảm thấy rất tức giận vì bị làm phiền và lãng phí thời gian vô ích. “Tôi cảm thấy mình thật ngu ngốc khi nói chuyện với một cái máy. Nhưng giọng nói đó rất thật và không giống như được thu âm trước”.
Ở Trung Quốc, robot thông minh tiếp thị qua điện thoại ngày càng được sử dụng phổ biến. Các nhà sản xuất robot tuyên bố rằng chúng có thể “thực hiện hơn 3.000 cuộc gọi điện thoại mỗi ngày, giúp tăng doanh số bán hàng lên 140%, hỗ trợ nhiều ngôn ngữ địa phương khác nhau và không cần con người can thiệp”.
“Không giống như con người, chúng sẽ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Chúng có chi phí thấp và hiệu quả. Hơn hết, chúng sẽ không bao giờ bỏ bạn”, quảng cáo của một công ty bán dịch vụ trợ lý giọng nói.
Chi phí vận hành một hệ thống tiếp thị qua điện thoại như vậy chỉ tiêu tốn khoảng 190 USD. Thậm chí, một số hệ thống có thể gọi được cả các số đã chặn.
Fan nói rằng cô không thể không nghe những cuộc gọi đến vì không biết được ai đang ở đầu dây bên kia. “Đó có thể là cuộc gọi đến từ một người khách hàng mới hay một người vận chuyển hàng hóa cho tôi”, cô cho biết.
Zhang Kai, sống ở Thành Đô cho biết trước đây anh thường nhận 2-3 cuộc gọi làm phiền mỗi ngày. Tuy nhiên, đến nay, con số này đã tăng lên thành 8 cuộc gọi mỗi ngày.
“Trước đây, tôi có thể phản ứng khó chịu với một người khi tôi nhận phải cuộc gọi làm phiền. Tuy nhiên, với robot, tôi không biết làm cách nào để phản ứng lại”, Zhang nói.
Zhang cho biết thêm các trợ lý AI này thông minh đến mức có thể trả lời các câu hỏi của anh một cách rất tự nhiên và linh hoạt. “Khi tôi nói ra tên của một sản phẩm, nó có thể trả lời thêm nhiều thông tin về sản phẩm đó”, anh giải thích.
Các phần mềm trợ lý giọng nói ngày càng được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc từ khi quốc gia này thúc đẩy kế hoạch Made in China 2025. Theo Zion Market Research, thị trường giọng nói thông minh ở Trung Quốc trị giá 2,3 tỷ USD vào năm 2017, chiếm hơn 1/3 thị trường toàn cầu với trị giá 6,2 tỷ USD cùng thời điểm đó. Dự kiến, thị trường toàn cầu sẽ tăng lên 19,6 tỷ USD vào năm 2025.
Ở Trung Quốc, trợ lý giọng nói không chỉ được tích hợp vào điện thoại thông minh và xe hơi mà còn cả trên TV, tủ lạnh để giúp mọi người thực hiện công việc hàng ngày.
Những cuộc gọi tiếp thị từ AI đang khiến nhiều người dân tại Trung Quốc khốn khổ.
Nhà phân tích Liu Huan cho biết công nghệ giọng nói thông minh đã tiên tiến đến mức rất khó để phân biệt nó với giọng nói của con người.
“Sau khi nhà phát triển bán công nghệ của họ cho các công ty, họ không quan tâm đến việc nó có được sử dụng hợp pháp hay phù hợp với đạo đức hay không,” Liu nói thêm.
Đây chính là mặt trái khi áp dụng AI vào các cuộc gọi tiếp thị. Khi các cuộc gọi như vậy này càng phổ biến, người dùng dần trở nên khó chịu vì bị làm phiền và tìm mọi cách để ngăn chặn chúng. Một trong số đó là từ chối các cuộc gọi có đầu số bắt đầu bằng 95. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp nào triệt để xử lý tình trạng này.
“Chìa khóa để hạn chế và kiểm soát các cuộc gọi như vậy nằm ở các nhà mạng. Các nhà chức trách cần có những biện pháp áp đặt và bắt buộc đối với các nhà mạng để giải quyết vấn nạn này”, ông Liu nói.
Minh Anh