Nguy cơ rò rỉ công nghệ trong chiến lược “tái công nghiệp” ngành bán dẫn của Mỹ

10:40, 09/10/2024

Mỹ hay bất kỳ quốc gia cũng đều đang muốn mở rộng thêm trung tâm sản xuất bán dẫn mới, vượt ra ngoài Đài Loan, song những chính sách gần đây của Mỹ nhằm đưa các trung tâm sản xuất chip lớn mạnh trên lãnh thổ cũng đã vấp phải nhiều nghi ngại từ giới chuyên gia…

Khi Mỹ thông qua Đạo luật Chip nhằm mục tiêu tạo đà phát triển cho công đoạn sản xuất chip, nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp Mỹ đã nghi ngờ tham vọng “tái công nghiệp hóa” của Chính phủ.

Mỹ thay đổi ngành bán dẫn chỉ trong hai năm

Nhưng chỉ trong hai năm, với 53 tỷ USD công quỹ và gần 400 tỷ USD hỗ trợ khác để khuyến khích sản xuất chip trong nước, Mỹ đang cho cả thế giới thấy những thay đổi mới trong ngành công nghiệp.

Bất chấp những lo ngại về tính khả thi của việc tái xây dựng một ngành công nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ USD trong vài tháng, ngành bán dẫn Mỹ đã có nhiều tiến bộ trong hai năm qua, không chỉ về sản lượng mà còn trong các lĩnh vực như đào tạo lực lượng lao động.

Nhận thấy thiếu lao động có kỹ năng là điểm nghẽn lớn cho phát triển ngành công nghiệp chip, Mỹ đã không ngại chi một phần lớn quỹ để củng cố các trường học và chương trình đào tạo nghề ở các khu vực như New York, nơi Bộ Khoa học Mỹ đã ký một bản ghi nhớ với Micron Technology, công ty dự kiến đầu tư khoảng 100 tỷ USD vào sản xuất chip trong 20 năm.

Đầu tháng 9 này, Công ty Sản xuất Bán dẫn Đài Loan TSMC, có kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt chip tại Arizona, đến năm 2025, đạt năng suất sản xuất tương tự các nhà máy tại quê nhà Đài Loan.

Bộ Thương mại, đơn vị quản lý chương trình chip, đã hợp tác với Liên đoàn Giáo viên Mỹ và Micron để xây dựng một chương trình giảng dạy công nghệ mới, được triển khai tại mười quận trường tiểu bang vào mùa thu năm nay và hiện đang được mở rộng sang các tiểu bang khác.

Theo Financial Times, tỷ lệ sản lượng không chỉ là yếu tố chính trong lợi nhuận mà còn dẫn đến năng suất cao hơn. Đây là bài học lớn từ thành công về chip của Đài Loan: việc sản xuất ra nhiều sản phẩm sẽ giúp ngành công nghiệp vi mạch tiến lên bậc cao hơn trong chuỗi đổi mới.

Chính sách đầu tư bán dẫn của Mỹ được cho là tác động gián tiếp không mấy tích cực đến ngành bán dẫn châu Á.

Mỹ có nguy cơ bị rò rỉ công nghệ bán dẫn

Tuy nhiên, nỗ lực sản xuất chip của Mỹ sẽ đi đến đâu. Việc sản xuất chip, đặc biệt là các chip liên quan đến AI đặt thách thức với Mỹ là lựa chọn quốc gia nào để “kết thân” cho chuỗi cung ứng.

Đến cuối tháng 9, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã đồng ý tăng cường hợp tác phát triển công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn đồng thời cung cấp năng lượng sạch. Theo đó, các công ty của Mỹ như Microsoft và OpenAI đang cố gắng tận dụng các khoản trợ cấp khổng lồ và nguồn năng lượng giá rẻ mà các nước vùng Vịnh cung cấp để phát triển ngành công nghiệp AI.

Tuy nhiên, quốc phòng Mỹ cho rằng hợp tác sẽ cần chuyển giao công nghệ và đây là vấn đề nhạy cảm vì lo ngại lộ công nghệ tiên tiến bởi các Tiểu vương quốc Ả Rập vốn luôn có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Không chỉ phần mềm mà cả phần cứng cũng là vấn đề đáng lo ngại bởi TSMC và Samsung đang cân nhắc xây dựng các cơ sở sản xuất chip cao cấp khổng lồ tại UAE.

Còn đối với các nước châu Á, nếu các Tiểu vương quốc Ả Rập cung cấp những lợi ích cho các công ty bán dẫn như các quốc gia châu Á đang làm, ngành công nghiệp chip tại châu Á có khả năng cũng sẽ lung lay và đây không phải tín hiệu tốt cho các quốc gia châu Á đang muốn nắm bắt cơ hội mới từ làn sóng công nghệ này.