Nhà nước sẽ cấp 100% hộ chiếu điện tử vào năm 2015
Trong khuôn khổ Dự án Phát triển CNTT-TT tại Việt Nam, sáng ngày 22/3 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Ứng dụng Công nghệ Thông tin nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và đã được nêu rõ trong đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT.
Doanh nghiệp và những hạn chế trong việc ứng dụng CNTT
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch thường trực VCCI cho biết “Hiện Việt Nam có đến 96% doanh nghiệp ở quy mô vừa và nhỏ. Tuy nhiên đa phần các doanh nghiệp này vừa có hạn chế nhất định về cách thức tổ chức cũng như quản lý và ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp và các tập đoàn CNTT hiện chưa chặt chẽ, điều này gây nên tình trạng các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các giải pháp ứng dụng CNTT trong các hoạt động sản xuất của mình”.
Trong khi đó, bà Christine Zhenwei Qiang, chuyên gia cao cấp về CNTT của ngân hàng Thế giới cũng đưa ra nhận xét việc đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam đều vẫn còn chậm chạp trong việc ứng dụng CNTT. Lý do chủ yếu nằm ở cơ sở hạ tầng truyền thông nghèo, trang thiết bị lạc hậu và thiếu tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, sự hạn chế hiểu biết về CNTT của chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là một trong những nguyên nhân chính.
Đồng tình với ý kiến trên, Thạc sỹ Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp (ITB) trực thuộc VCCI nói rằng nhận thức luôn là vấn đề muôn thuở của quá trình phát triển ứng dụng CNTT đối với doanh nghiệp. Nhận thức giống như tư tưởng. Khi tư tưởng của người lãnh đạo doanh nghiệp đã thông thì các vấn đề còn lại sẽ là hết sức đơn giản.
Không chỉ đối với các vấn đề về kinh doanh, việc ứng dụng CNTT trong quản lý đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng còn tồn đọng nhiều vấn đề. Theo ông Trần Kiêm Dũng, trưởng phòng Khoa học Cộng nghệ và Hợp tác Quốc tế, Cục CNTT, Bộ Tài nguyên Môi trường (TN-MT) thì hiện tại, nhiều địa phương còn chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu đất đai, do vậy các dữ liệu đăng ký hầu hết ở dạng giấy, chưa được chuyển đổi sang dạng số. Tuy đã có một số ít địa phương đã ứng dụng CNTT vào việc xây dựng hồ sơ địa chính, tuy nhiên mới chỉ dừng ở mức độ thông tin đăng ký.
Cũng theo ông Dũng, thông tin tổng hợp và thông tin chuyên ngành về đất đai đã được cấp Trung ương tiến hành quản lý. Tuy nhiên hiện nay, nguồn thông tin này chưa được tổ chức quản lý tương xứng với giá trị và tầm quan trọng của nó.
Giải pháp nào thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp?
Tại hội thảo cũng đã xuất hiện rất nhiều ý kiến đóng góp nhằm tăng cường việc ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch thường trực VCCI cho biết: “Các cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế xã hội cũng như hội nhập quốc tế”.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng hiện nay Chính phủ đang thực hiện Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hợn cho các doanh nghiệp. Một trong những nội dung quan trọng của chương trình là việc xây dựng Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia (NBRS) bao gồm Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Việc ứng dụng hệ thống này sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp như giảm chi phí và thời gian hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh, cho phép doanh nghiệp đăng ký qua mạng điện tử… Những kết quả đạt được đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường đăng ký kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian qua.
Trong khi đó, ông Trần Kiêm Dũng, trưởng phòng KHCN & HTQT của Bộ TN-MT cũng đưa ra những giải pháp triệt để đối với việc quản lý đất đai. Theo đó thì Bộ TN-MT sẽ gấp rút hoàn thành việc xây dựng Hệ thống thông tin đất đai và môi trường ELIS. Hệ thống này sẽ cho phép lồng ghép được vấn đề quản lý đất đai và môi trường trong một hệ thống duy nhất, được quản lý bằng CNTT.
Về phía đại diện của Bộ TT-TT, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT đã chia sẻ kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong kế hoạch đã đưa ra các mục tiêu và thời gian cụ thể như đến năm 2015 sẽ chuyển đổi 100% hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam thành hộ chiếu điện tử; 30% công dân Việt Nam được cấp CMND sản xuất theo dây chuyền hiện đại…
Bên cạnh nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy ứng dụng CNTT, vai trò của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp CNTT cũng rất quan trọng. Đại diện một số công ty cung cấp giải pháp CNTT đã giới thiệu tại hội thảo những giải pháp cho doanh nghiệp như sử dụng Chữ ký số trong giao dịch điện tử của đại diện FPT IS hay tạo ra phần mềm quản lý công việc tự động của, thiết lập hệ điều hành tác nghiệp của lãnh đạo công ty eDocman Plus…
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các doanh nghiệp đã có nhiều cơ hội tiếp xúc, thảo luận với lãnh đạo các ngành, cơ quan chủ quản và đơn vị cung cấp giải pháp CNTT nhằm trao đôi kinh nghiệm trong việc ứng dụng CNTT và góp ý kiến để các nhà hoạch định chính sách tìm các phương thức hữu hiệu góp phần thúc đẩy sự phát triển của ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp