Nhà sáng lập Alibaba Jack Ma kêu gọi phát triển AI có trách nhiệm
Tỷ phú Trung Quốc Jack Ma cho rằng sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo phải phục vụ con người và cải thiện cuộc sống của con người.
AI giúp mọi người sống tốt hơn và có ý nghĩa hơn
Trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang được áp dụng rộng rãi trên khắp Trung Quốc, Jack Ma, đồng sáng lập Alibaba và là người ủng hộ AI từ lâu, cảnh báo AI không nên thay thế con người mà cần hoạt động để đáp ứng mọi nhu cầu của con người.
Nhà sáng lập Alibaba Jack Ma đã có bài phát biểu hiếm hoi tại Alibaba Cloud, bộ phận đám mây của tập đoàn Alibaba, vào ngày 10/4, chia sẻ các ý tưởng và tầm nhìn của mình về việc phát triển AI có trách nhiệm và hướng đến con người, khi gã khổng lồ công nghệ này chuyển mình trở thành "chất xúc tác" cho sự bùng nổ AI của Trung Quốc.
Bài phát biểu của Jack Ma đã truyền tải thông điệp rằng mục đích cuối cùng của AI là giúp mọi người sống tốt hơn và có ý nghĩa hơn.
Theo vị lãnh đạo này, mục đích của công nghệ như AI không phải là để chinh phục "các vì sao và đại dương", một cụm từ đầy chất thơ ở Trung Quốc ám chỉ những mục tiêu và tham vọng cao cả, mà là để bảo vệ "khói và lửa của thế giới phàm trần".
Nhà sáng lập Alibaba Jack Ma đã có bài phát biểu trước các nhân viên của Alibaba Cloud tại Hàng Châu.
"Mục đích của công nghệ là giúp mọi người sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn và đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi từ công nghệ", Jack Ma cho biết.
Nhà sáng lập Alibaba cũng nhấn mạnh AI nên được phát triển với mục đích phục vụ nhân loại.
“Chúng tôi không cố gắng tạo ra máy móc giống con người, mà là cho phép máy móc hiểu con người, suy nghĩ như con người và làm những việc mà con người không thể làm”, Jack Ma nói.
Alibaba đang định hình lại bối cảnh AI của Trung Quốc
Alibaba, với nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) mạnh mẽ của mình, bao gồm các sản phẩm chủ lực như Taobao và Tmall, đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một lực lượng chủ chốt trong ngành AI.
Dù TMĐT vẫn là mảng kinh doanh cốt lõi nhưng công ty đang ngày càng được nhìn nhận như một người tạo ra cơ hội khởi nghiệp, đặc biệt thông qua khả năng cung cấp AI cho các công ty và tổ chức trong nước. Không chỉ sở hữu những mô hình AI mạnh mẽ của riêng mình, Alibaba còn là một đối tác quan trọng của chính quyền địa phương, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp (DN) nhà nước trong việc triển khai các dự án AI.
Với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM) lớn nhất Trung Quốc, Alibaba có vị thế quan trọng trong việc cung cấp các giải pháp AI cho các nhà máy và DN trong nước.
Với chiến lược đầu tư mạnh vào AI, Alibaba đang đặt cược lớn tương lai vào AI. Tổng chi tiêu vốn của Alibaba trong năm 2024 đạt 72,5 tỉ nhân dân tệ (10 tỉ USD), tăng mạnh so với 24 tỉ nhân dân tệ của năm trước. Phần lớn số tiền này sẽ được sử dụng để mua bộ xử lý và phát triển cơ sở hạ tầng, giúp đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn phục vụ AI.
Được thành lập vào năm 2009, Alibaba Cloud, bộ phận đám mây của tập đoàn Alibaba, cung cấp một loạt các dịch vụ đám mây, bao gồm máy chủ ảo, lưu trữ dữ liệu, mạng, và dịch vụ bảo mật, phục vụ cho hàng triệu khách hàng trên toàn cầu. Alibaba Cloud hiện là nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất tại Trung Quốc, chiếm hơn 1/3 thị phần. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn Qwen và một số mô hình AI nguồn mở phổ biến.
Qwen không chỉ thu hút sự chú ý từ các nhà nghiên cứu mà còn được sử dụng rộng rãi bởi cộng đồng phát triển toàn cầu. Mô hình Qwen của Alibaba, bao gồm Qwen 2.5-Max, hiện đang đứng thứ ba trong bảng xếp hạng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) do Chatbot Arena công nhận, chỉ sau các mô hình của DeepSeek. Các mô hình ngôn ngữ lớn Qwen đã cho phép các nhà phát triển trên toàn thế giới xây dựng hơn 100.000 mô hình phái sinh, biến nó thành hệ sinh thái AI nguồn mở lớn nhất thế giới.
Theo tờ Financial Times (FT) đưa tin, mô hình ngôn ngữ lớn Qwen của Alibaba cũng đã được Apple chọn để chạy các chức năng AI trên iPhone tại Trung Quốc.
Mới đây, Alibaba Cloud cũng đã công bố dự án Blossom tại Bắc Kinh nhằm mục đích đẩy nhanh việc áp dụng AI bằng cách cung cấp gói dịch vụ bao gồm cơ sở hạ tầng, mô hình AI, dữ liệu và các dịch vụ khác cho "hàng triệu khách hàng".
Trước đó, ngày 24/2, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba cũng đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 380 tỷ nhân dân tệ (khoảng 53 tỷ USD) vào phát triển hạ tầng ĐTĐM và AI trong 3 năm tới. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh các công ty công nghệ Trung Quốc đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ chính sách siết chặt của chính phủ.
Theo tuyên bố của Alibaba, khoản đầu tư khổng lồ này nhằm "củng cố cam kết đổi mới công nghệ dài hạn và nhấn mạnh sự tập trung của công ty vào tăng trưởng dựa trên AI. Động thái này của Alibaba cho thấy công ty không chỉ tập trung vào phát triển phần mềm mà còn đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật để hỗ trợ sự phát triển của AI.
Thông qua việc xây dựng hạ tầng công nghệ vững chắc, tập đoàn này đặt mục tiêu thúc đẩy hệ sinh thái AI và ĐTĐM, đồng thời tạo nền tảng ổn định cho các hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Trong một tuyên bố gần đây, CEO của Alibaba Wu Yongming từng nhấn mạnh chiến lược “người dùng là trung tâm, AI dẫn dắt” sẽ là trọng tâm trong tương lai của công ty. Ông đặt mục tiêu tập trung vào việc phát triển AI và đưa mảng ĐTĐM của Alibaba trở thành trung tâm của chiến lược dài hạn, bên cạnh các hoạt động TMĐT truyền thống./.